Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Định hướng quản lý chất thải rắn dựa vào tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn

15/11/2019

     Trong hoạt động kinh tế, chất thải rắn (CTR) được phát sinh từ quá trình sản xuất và tiêu dùng. Việc quản lý CTR được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, ở Việt Nam, phổ biến nhất vẫn là thu gom, vận chuyển, chôn lấp và thải ra môi trường. Với cách thức quản lý trên đã gây ra ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn nguyên liệu tận dụng từ phế thải. Vậy mô hình quản lý nào sẽ phù hợp hơn (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải (3R), sản xuất sạch hơn (CP), tiêu dùng bền vững...) để đạt được mục tiêu kinh tế và giải quyết vấn đề môi trường? Một tiếp cận mới có tính hiệu quả và khả thi không chỉ áp dụng kinh nghiệm quốc tế, mà còn xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam đã có trước đây, đó là tiếp cận quản lý CTR dựa vào mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH).

     Thực trạng phát sinh và quản lý CTR

     Phát sinh và quản lý CTR trong nước

     Cùng với sự gia tăng dân số, phát triển của các ngành, nghề sản xuất, gia tăng tiêu dùng trong thời gian qua đã làm gia tăng số lượng và thành phần chất thải. Đối với CTR sinh hoạt phát sinh tại Việt Nam, bao gồm chất thải sinh hoạt thông thường và chất thải sinh hoạt nguy hại, tùy thuộc vào vùng địa lý mà có đặc tính khác nhau. CTR sinh hoạt ở các đô thị của Việt Nam hiện chiếm hơn 50% tổng lượng CTR sinh hoạt của cả nước, chiếm khoảng 60 - 70% tổng lượng CTR đô thị. Lượng CTR sinh hoạt phát sinh ước tính khoảng 25,5 triệu tấn/năm, trong đó CTR sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 38.000 tấn/ngày và CTR sinh hoạt nông thôn khoảng 32.000 tấn/ngày.

     Phát sinh CTR sinh hoạt giai đoạn 2013 - 2017

STT

Năm

Khối lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh (tấn/ngày)

Khối lượng CTR sinh hoạt nông thôn phát sinh (tấn/ngày)

1

2013

30.000

22.000

2

2014

32.000

25.000

3

2015

34.000

27.000

4

2016

37.000

29.000

5

2017

38.000

30.000

 

Nguồn: Tổng hợp của Bộ TN&MT

 

     Từ bảng số liệu thống kê trên cho thấy, từ năm 2013 - 2017, CTR đô thị và nông thôn phát sinh tăng đều qua các năm, chứng tỏ chưa có cách tiếp cận quản lý hiệu quả để giảm lượng chất thải phát sinh.

     Ở Việt Nam, CTR nguy hại thường lẫn vào CTR sinh hoạt thông thường và được mang đến bãi chôn lấp, bao gồm: Các thiết bị linh kiện điện tử, dược phẩm, hóa chất đã qua sử dụng, pin… Tuy lượng phát sinh không nhiều, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các loại CTR khác như CTR xây dựng chiếm 25% khối lượng CTR tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và 12 - 13% tại An Giang, Bắc Giang, Hải Phòng; CTR công nghiệp phát sinh chủ yếu từ các khu, cụm công nghiệp; Chất thải nguy hại công nghiệp chiếm 15 - 20% lượng CTR công nghiệp, phát sinh chủ yếu ở ngành công nghiệp nhẹ, luyện kim, hóa chất; CTR y tế phát sinh từ hoạt động y tế, khoảng 450 tấn/ngày, trong đó có 47 - 50 tấn là chất thải nguy hại; CTR nông nghiệp phát sinh khoảng 14.000 tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, 76 triệu tấn rơm rạ, 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi. Ngoài ra, còn một số loại CTR đặc thù khác như chất thải điện tử và chất thải nhựa biển, 2 vấn đề “nóng” ở Việt Nam, hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về phát sinh các loại chất thải này. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới năm 2012, tại những nước có thu nhập trung bình như Việt Nam, lượng chất thải nhựa phát sinh chiếm khoảng 12% tổng lượng chất thải. Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia phát sinh lượng chất thải nhựa biển thuộc nhóm cao nhất của thế giới.

 

Cây cầu kênh Hòa Bình với nguyên liệu làm từ nắp chai bia Tiger tái chế tại xã Phú Thành (Phú Tân, An Giang)

 

     Như vậy, CTR phát sinh trong nước là khá lớn, xu hướng tăng đều qua các năm, lượng CTR ở đô thị nhiều hơn nông thôn, một số loại CTR, nhất là chất thải điện tử, chất thải nhựa biển gia tăng nhanh. Đáng lưu ý là CTR sinh hoạt ở Việt Nam có đặc thù lẫn lộn, trong đó nhiều loại chất thải, kể cả chất thải độc hại được đem đi chôn lấp. Từ thực tế trên đòi hỏi phải có cách tiếp cận quản lý phù hợp để giảm thiểu lượng CTR, hướng đến phát sinh CTR bằng không ra môi trường. 

     Phát sinh và quản lý CTR từ nhập khẩu nước ngoài

     Thời gian qua, doanh nghiệp của một số nước trên thế giới thông qua chính sách cho phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu cho sản xuất đã lợi dụng danh nghĩa xuất, nhập khẩu phế liệu để vận chuyển CTR vào các quốc gia khác, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam, nhu cầu các loại CTR như sắt thép, nhựa, giấy để tái chế, làm nguyên liệu cho sản xuất trong nước là khá lớn.

     Nhập khẩu phế liệu năm 2017, 2018

Năm

Phế liệu nhựa (nghìn tấn)

Phế liệu giấy (nghìn tấn)

Phế liệu sắt, thép (nghìn tấn)

Phế liệu khác (nghìn tấn)

Tổng số (nghìn tấn)

2017

385,5

1.441,8

4.816,0

1.302,9

7.946,2

2018

381,8

2.063,2

5.741,5

1.067,8

9.254,3

 

Nguồn: Tổng cục Hải quan

 

     Từ bảng số liệu trên cho thấy, lượng nhập khẩu CTR dạng phế liệu năm 2018 so với năm 2017 đã tăng lên 1.308,1 nghìn tấn. Nguyên nhân là do việc cấm nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc, nên các quốc gia trước đây xuất khẩu CTR vào Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canađa... nay chuyển sang nhập khẩu vào Việt Nam. Đáng chú ý, đối với chất thải nhựa, chỉ tính 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập 274,7 nghìn tấn phế liệu nhựa, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2017 (6 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu 132,4 nghìn tấn). Trước tình hình đó, từ tháng 7/2018, Việt Nam đã tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng nhập khẩu CTR dạng phế liệu, do vậy, trong 6 tháng cuối năm 2018, tổng lượng CTR nhựa về Việt Nam chỉ còn 107,1 nghìn tấn, giảm hơn 250% so với 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, số lượng các container chứa CTR phế liệu đang tồn đọng tại các cảng biển lại gia tăng do không đáp ứng những điều kiện nhập khẩu theo quy định của Việt Nam.

     Qua đó, cũng phản ánh thực tế, hoạt động sản xuất trong nước cần một lượng lớn nguyên liệu đầu vào là CTR phế liệu (nhựa, sắt thép, giấy và các loại phế liệu khác) đã được làm sạch theo tiêu chuẩn quy định, mang lại hiệu quả kinh tế.

     Định hướng quản lý CTR dựa vào mô hình KTTH

     KTTH là hướng tiếp cận khả thi để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và BVMT để hướng đến nền kinh tế phát thải bằng không, sẽ được thay thế cách thức tiếp cận theo kiểu kinh tế tuyến tính. Điều này có nghĩa, việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên có thể chỉ diễn ra một lần, sau đó, các vật chất được thu hồi lại và tái sử dụng, tái chế trong các ngành, lĩnh vực của hoạt động kinh tế. KTTH được luận giải dựa trên nguyên lý của định luật bảo toàn vật chất và năng lượng, so với cách tiếp cận 3R, KTTH được mở rộng hơn.

     Mô phỏng vận hành của mô hình KTTH

Nguồn: (Fabrice Mathieux, 2017)

 

     Từ hình trên cho thấy, cách tiếp cận quản lý theo mô hình KTTH dựa trên nền tảng hiệu quả kinh tế, phù hợp với sự vận hành của thể chế kinh tế thị trường, do vậy, sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào mô hình này, nếu có sự định hướng đúng, cơ chế chính sách phù hợp, KTTH sẽ thay thế dần kinh tế tuyến tính.

     Trong công tác quản lý CTR, tiếp cận theo mô hình KTTH sẽ có tính khả thi cao, nhất là các loại CTR như nhựa, sắt thép, giấy và các loại CTR đầu vào cho sản xuất, tạo ra những sản phẩm hàng hóa được thị trường có nhu cầu.

     Cơ hội, thách thức quản lý CTR dựa vào KTTH ở Việt Nam

     Cơ hội: Tiếp cận và triển khai KTTH là xu hướng chung của toàn cầu, được chứng minh thành công ở nhiều quốc gia như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapo…. Đặc biệt, ở một số nước Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển, mô hình KTTH đã đem lại hiệu quả cao, xử lý triệt để chôn lấp CTR, thậm chí thiếu CTR cho đầu vào sản xuất.

     Trước thực trạng phát sinh CTR lớn và chưa có hướng tiếp cận xử lý phù hợp, hình thức chôn lấp CTR vẫn là chủ yếu, việc thực hiện mô hình KTTH, hướng đến phát thải bằng không là cơ hội lớn để thực hiện, phù hợp với chủ trương của Đảng về phát triển bền vững.

     Việc khuyến khích và tạo cơ chế cho thành phần kinh tế tư nhân phát triển phù hợp với thể chế kinh tế thị trường. Đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư tư nhân đầu tư thực hiện các mô hình KTTH trong xử lý CTR.

     Việt Nam đã và đang thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đây là cơ hội tốt để phát triển các mô hình trong xử lý CTR gắn với công nghệ cao.

     Từ thực tiễn cho thấy, sự thiếu hụt tài nguyên, cùng với nhu cầu nhập khẩu CTR dưới dạng phế liệu lớn là cơ hội để nâng lên mức cao hơn theo hướng phát triển các mô hình KTTH.

     Thách thức: Thứ nhất, việc thực hiện mô hình KTTH  trong quản lý CTR đòi hỏi phải có nhận thức đúng trong quá trình thực hiện, từ thiết kế đến triển khai trong các ngành, lĩnh vực, đối với từng doanh nghiệp, người dân và các cấp quản lý để tạo ra sự đồng thuận.

     Thứ hai, việc quản lý CTR dựa vào mô hình KTTH đòi hỏi phải phân loại rác tại nguồn, việc này ở nước ta chưa thực hiện được. CTR vẫn trộn lẫn nhiều thành phần, thậm chí cả chất thải độc hại.

     Thứ ba, hành lang pháp lý chưa có để thực hiện KTTH nói chung và quản lý CTR dựa vào mô hình KTTH nói riêng.

     Thứ tư, đối với các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch thực hiện liên quan đến CTR chưa xuất hiện khái niệm mô hình quản lý CTR dựa vào KTTH.

     Thứ năm, CTR được phát sinh từ nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, việc thực hiện tiếp cận quản lý CTR dựa vào mô hình KTTH cần có sự phối hợp của nhiều bên liên quan.

     Kiến nghị định hướng quản lý CTR dựa vào phát triển mô hình KTTH ở Việt Nam

     Một là, để thực hiện quản lý CTR dựa vào mô hình KTTH cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển các mô hình KTTH nói chung và quản lý CTR dựa vào KTTH nói riêng. Kinh nghiệm các nước đã và đang thực hiện KTTH đều có luật và quy định pháp lý rõ ràng. Việt Nam nên có lộ trình và tiến tới xây dựng luật về phát triển các mô hình KTTH.

     Thứ hai, cần triển khai nghiên cứu sâu rộng về quản lý CTR dựa vào phát triển mô hình KTTH. Trước hết, cần lựa chọn ưu tiên loại hình chất thái, cách thức tiến hành, sau đó, nhân rộng (nên thực hiện trước mô hình KTTH đối với chất thải nhựa, sắt thép, giấy).

     Thứ ba, thực hiện quản lý CTR dựa vào phát triển các mô hình KTTH cần phải đánh giá, xem xét những thành công, thất bại của các mô hình đã có, gần với các tiêu chí của mô hình KTTH (như 3R); đồng thời, bổ sung, hoàn thiện và có sự lựa chọn phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực.

     Thứ tư, tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường dựa trên các tiêu chí của hiệu quả đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp, người dân, nhất là khu vực tư nhân đầu tư thực hiện mô hình KTTH đối với CTR.

     Thứ năm, tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công mô hình KTTH đối với CTR, từ đó chuyển giao, áp dụng vào thực tế của Việt Nam. Các mô hình KTTH gắn với công nghệ cao và Cách mạng công nghiệp 4.0, do vậy, cần có cơ chế, chính sách cho phát triển công nghệ sạch, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải. Chất thải phải là nguồn tài nguyên trong nền kinh tế, xét cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng.

     Thứ sáu, thực hiện tiếp cận dựa vào mô hình KTTH đối với quản lý CTR cần có những chính sách và công cụ bắt buộc phân loại rác tại nguồn, không để tình trạng kéo dài như hiện nay, rác thải không được phân loại trước khi vận chuyển đến nơi xử lý.

     Nhìn chung, việc quản lý CTR dựa vào các mô hình KTTH ở Việt Nam đòi hỏi phải hiểu rõ bản chất của mô hình này, phân định rõ mô hình KTTH với các mô hình đã có trong quản lý CTR như 3R, lưu ý các mô hình quản lý CTR gần với các tiêu chí của KTTH để nâng cấp và phát triển lên thành mô hình KTTH đối với quản lý CTR. Đặc biệt, để phát triển các mô hình KTTH đối với quản lý CTR cần nhận rõ những cơ hội và thách thức của quá trình hình thành, phát triển.

 

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng

Viện Chiến lược, chính sách TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn