Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Mối liên quan giữa ô nhiễm không khí bên ngoài và sức khỏe tại một số tỉnh miền Bắc

12/04/2021

     Ô nhiễm không khí, bao gồm ô nhiễm bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5µm (PM2.5) là nguyên nhân của nhiều vấn đề sức khỏe. Phơi nhiễm với PM2.5 hiện là yếu tố nguy cơ xếp thứ hai và chiếm đến 8,27% số năm sống hoàn toàn khỏe mạnh (DALYs) toàn cầu năm 2019. Các báo cáo gần đây ước tính có khoảng 75% dân số thế giới tiếp xúc với mức (PM2.5) cao hơn tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới là 10µg/m3. Tại Việt Nam, theo tính toán của Gánh nặng bệnh tật toàn cầu, số ca tử vong liên quan tới PM2.5 năm 2019 xấp xỉ 37.456 ca (chiếm khoảng 5,93%). Bên cạnh đó, ước tính số năm sống “khỏe mạnh” mất đi do gánh nặng bệnh tật, của Việt Nam, bởi PM xấp xỉ 1.012.306 năm. Sau đây là một số kết quả đánh giá mối liên quan giữa ô nhiễm không khí bên ngoài và sức khỏe tại Miền Bắc Việt Nam do nhóm nghiên cứu Trường đại học Y tế Công cộng thực hiện.

     Đối với bệnh tim mạch, một nghiên cứu được tiến hành trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016 trên 65.951 ca nhập viện do các bệnh tim mạch tại Hà Nội, 12.129 ca tại Phú Thọ và 57.021 ca tại Quảng Ninh [1]. Nhìn chung, kết quả cho thấy có 6,3% số ca nhập viện do bệnh thiếu máu cục bộ tại Hà Nội và 14,9% số ca nhập viện do bệnh suy tim tại Phú Thọ tăng, khi nồng độ PM2.5 trong ngày tăng thêm 34,4µg/m3. Còn tại Quảng Ninh, số ca nhập viện do bệnh tim mạch nói chung và suy tim có liên quan tới ô nhiễm bụi, nhưng số ca nhập viện do bệnh thiếu máu cục bộ và đột quỵ lại không tìm thấy có mối liên quan .Cụ thể, khi nồng độ PM1 tăng 29,8µg/m3, số ca nhập viện do suy tim tăng 22,2% tại Quảng Ninh. Không chỉ PM, những chất ô nhiễm khác cũng liên quan tới việc tăng số ca nhập viện do bệnh tim mạch. Ví dụ, tại Hà Nội, số ca nhập viện do đột quỵ tăng có liên quan tới SO2, tại Phú Thọ, SO2 liên quan tới tình trạng nhập viện tăng do bệnh tim mạch nói chung và bệnh suy tim. Bên cạnh đó, NO2 cũng được chứng minh là có liên quan tới số ca nhập viện do bệnh tim mạch và thiếu máu cục bộ tại Hà Nội. Tóm lại, trong khi bụi liên quan đến nhập viện do tim mạch ở Quảng Ninh thì ở Phú Thọ thì SO2, tại Hà Nội thì bụi siêu mịn và NO2.

     Sự khác biệt về mối liên quan trên được lý giải là do sự khác biệt về đặc điểm địa lý, cũng như do nguồn phát thải. Trong khi ở Hà Nội chủ yếu đến từ giao thông, xây dựng và sử dụng bếp than; Quảng Ninh nổi tiếng với nhà máy nhiệt điện và khai thác than; Phú Thọ có Công ty giấy Việt Trì và Nhà máy Hóa Chất và Super Photphat Lâm Thao.

Tình trạng đốt rơm rạ tại khu vực ngoại thành Hà Nội là 1 trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe

     Đối với bệnh hô hấp, một nghiên cứu khác được thực hiện trên 40.733 ca viêm phổi và 17.733 ca nhập viện do nhóm bệnh viêm phế quản và hen suyễn trong 8 năm tại trên trẻ em Hà Nội [2]. Nghiên cứu quan sát thấy, đối với bệnh viêm phổi, số ca nhập viện ở trẻ dưới 18 tuổi tăng lần lượt là 5,8%, 5,3%, 5,7%, 6,1%, 4,6% và 4,0%.  khi nồng độ của các chất PM10, PM2.5, PM1, NO2, NOx và CO tăng. Tuy nhiên, đối với trẻ dưới 5 tuổi, CO không liên quan tới tình trạng nhập viện do viêm phổi. Còn đối với trẻ em dưới 1 tuổi, chỉ có NO2 liên quan tới tình trạng nhập viện. Đối với nhóm bệnh tiểu phế quản và hen suyễn, nghiên cứu quan sát thấy có 5,8%, 5,5% và 5,6% số ca nhập viện ở trẻ em dưới 18 tuổi tăng thêm khi nồng độ các chất PM1, NO2 và NOx tăng thêm. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, 7,9% số ca nhập viện tăng lên khi nồng độ NO2 tăng. Tuy nhiên, đối với nhóm trẻ em dưới 1 tuổi, NO2 và NOx không phải là những chất liên quan đến sự gia tăng số ca nhập viện. Kết quả cũng cho thấy khi nồng độ CO tăng thì số ca nhập viện ở nhóm trẻ này giảm 10,2%. Điều này khác với kết quả của nhập viện do bệnh viêm phổi. Trên thế giới, kết quả của nhiều nghiên cứu cũng chưa có sự thống nhất vì mặc dù CO có hại đối với sức khỏe, nhưng một số nghiên cứu cũng chứng minh CO có khả năng tiêu diệt một số loại vi khuẩn. Vì vậy, cần có nghiên cứu sâu hơn để đưa ra được kết luận chính xác

     Ngoài ra, ô nhiễm không khí không chỉ có liên quan tới việc làm tăng số ca nhập viện do hô hấp, ô nhiễm không khí còn có khả năng làm kéo dài thời gian năm viện do những bệnh này. Một nghiên cứu khác cũng được thực hiện tại Hà Nội trên 75.432 ca nhập viện ở trẻ em do bệnh nhiễm trùng hô hấp dưới cấp tính (Acute Lower Respiratory Infections - ALRI), trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2016 [3]. Cụ thể, O3 làm gia tăng số ngày nằm viện ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi tại Hà Nội. Ước tính khả năng xuất viện đúng hạn sẽ bị giảm 5% khi nồng độ O3 trong ngày tăng 86µg/m3. Kết quả cũng tương tự đối với PM10, tuy nhiên kết quả chỉ đúng ở trẻ từ 2 đến 5 tuổi. Khả năng xuất viện đúng hạn ở trẻ trong độ tuổi này có thể giảm 6% khi nồng độ PM10 tăng 61,5µg/m3. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý trong nghiên cứu này là số ngày nằm viện có chiều hướng giảm khi nồng độ SO2 và CO trong ngày tăng. Theo tác giả, đối với SO2, điều khác biệt này có thể do nghiên cứu chỉ đánh giá tác động ngắn hạn, và nguồn phát thải không khí ô nhiễm tại Hà Nội (thực trạng sử dụng bếp than còn nhiều) khác với nguồn phát thải đối với nghiên cứu trước đó tại Mỹ (nhà máy nhiệt điện). Còn đối với CO, chưa có nghiên cứu đánh giá mối liên quan giữa số ngày nằm viện và nồng độ CO, tuy nhiên cũng như nghiên cứu trên, cơ chế ảnh hưởng của CO đối với tình trạng nhập viện là chưa rõ ràng.

     Nhìn chung, cần đưa ra một số khuyến nghị nhằm cải thiện chất lượng đánh giá ô nhiễm không khí và để nâng cao tính hiệu quả của những chính sách can thiệp.

     Thứ nhất, liên quan tới cải thiện chất lượng đánh giá, cần hiểu rõ ô nhiễm không khí là tổ hợp nhiều chất, bởi vậy rất khó để có thể đánh giá và thực hiện can thiệp đối với từng chất riêng rẽ. Ví dụ, một số chất như CO, NO2 và PM1 có chung nguồn phát thải từ giao thông, trong khi SO2 chủ yểu đến từ nhiệt điện. Để đánh giá được tác động của các chất đối với sức khỏe, nhà nghiên cứu cần nắm được thành phần của hợp chất ô nhiễm trong không khí thay vì từng chất riêng biệt và những nguồn phát thải chất ô nhiễm. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần đặt chỉ tiêu đối với nhiều chất ô nhiễm thay vì đối với từng chất riêng rẽ, khi thực hiện chính sách nhằm giảm tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe. Đặc biệt, đối với những nghiên cứu trên, mối liên quan của SO2 với sức khỏe còn chưa đồng nhất với kết quả của một số quốc gia khác trước đó. Điều này có thể do sự khác biệt về mặt địa lý, cũng như sự khác biệt về nguồn phát thải giữa các nghiên cứu. Vì vậy, cần thực hiện nghiên cứu sâu hơn về nguy cơ của SO2 đối với sức khỏe, đặt biệt là bệnh hô hấp và tim mạch.

     Thứ hai, sau khi xác định rõ thành phần và nguồn phát thải, cần có những chính sách can thiệp tác động trực tiếp vào những nguồn đó. Ví dụ, Hà Nội đã đề ra một số nghị định nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, điển hình là Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về việc cấm sử dụng bếp than, một trong những nguồn phát thải ô nhiễm không khí trong nhà chính tại Việt Nam. Lợi ích của biện pháp này đã được chứng minh ở quốc gia khác trên thế giới. Bởi vậy, cần áp dụng mạnh mẽ và nhân rộng tới nhiều khu vực tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ vậy là không đủ, bởi tại Hà Nội, nguồn khí phát thải đến từ giao thông vẫn còn nhiều. Cho nên, cần thực hiện một số biện pháp như khuyến khích giảm thiểu di chuyển bằng phương tiện cá nhân, nên chuyển sang đi bộ, đi xe đạp hoặc bằng phương tiện công cộng. Một số nước châu Âu đã thực hiện biện pháp này và thấy được hiệu quả rõ rệt. Cuối cùng, đối với nguồn phát thải ở một số nhà máy, cần đánh giá và nâng cấp hệ thống xử lý khí thải ở những nhà máy này. Đồng thời, tính toán những kịch bản nhằm tối đa hóa năng lượng sản xuất và tối thiểu hóa nhiên liệu sử dụng.

TS. Nguyễn Thị Trang Nhung

Bộ môn Thống kê Y tế - Khoa Các Khoa học cơ bản

Trường Đại học Y tế Công cộng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2021)

 

     Tài liệu tham khảo:

1.         Nhung, N.T.T., et al., Exposure to air pollution and risk of hospitalization for cardiovascular diseases amongst Vietnamese adults: Case-crossover study. Science of The Total Environment, 2020. 703: p. 134637.

2.         Nhung, N.T.T., et al., Acute effects of ambient air pollution on lower respiratory infections in Hanoi children: an eight-year time series study. Environment international, 2018. 110: p. 139-148.

3.         Nhung, N.T.T., et al., Association of ambient air pollution with lengths of hospital stay for hanoi children with acute lower-respiratory infection, 2007–2016. Environmental Pollution, 2019. 247: p. 752-762.

 

Ý kiến của bạn