Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 03/01/2025

Vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ môi trường

15/09/2015

     1. Khái niệm “xã hội dân sự”      Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, khái niệm “xã hội dân sự” được hiểu rất khác nhau. Cách hiểu chung nhất về “xã hội dân sự” là “các tổ chức xã hội nằm ngoài Nhà nước, nằm ngoài các hoạt động của doanh nghiệp (thị trường), nằm ngoài gia đình, để liên kết người dân với nhau trong những hoạt động vì một mục đích chung”. Như vậy, có thể hiểu thành phần quan trọng của “xã hội dân sự” là các hội, hiệp hội trong dân chúng, trong làng xóm, mang tính chất liên kết cộng đồng và bao hàm cả cộng đồng dân cư.      Ở Việt Nam, cho đến nay, mặc dù các văn kiện Đảng và Nhà nước chưa trực tiếp nêu khái niệm “xã hội dân sự”, song trên thực tế, ở mức độ nhất định, Đảng và Nhà nước đã bước đầu chú ý đến việc xây dựng các thể chế và cơ sở pháp lý cho sự tham gia và xác định vai trò của “xã hội dân sự” trong đời sống xã hội.      Theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, tổ chức xã hội là các hình thức tổ chức của hội, hội liên hiệp, câu lạc bộ hay những hình thức tổ chức tự nguyện, tự quản khác của cộng đồng không nằm trong hình thức tổ chức chính trị - xã hội bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức giáo Hội. Tổ chức xã hội với hình thức là tổ chức phi chính trị và phi nhà nước theo nghĩa hẹp được xác định theo Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định tổ chức, hoạt động và quản lý hội, “Hội là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”.      Căn cứ vào các hình thức tổ chức pháp nhân của Bộ luật Dân sự 2005, Điều 100 - các loại pháp nhân, tổ chức “xã hội dân sự” bao gồm: tổ chức chính trị - xã hội; xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tự nguyện, quỹ xã hội, quỹ từ thiện.      Theo quan niệm đó, tổ chức “xã hội dân sự” ở Việt Nam gồm Mặt trận Tổ quốc, là tổ chức xã hội dân sự lớn nhất bao gồm các đoàn thể (công đoàn, phụ nữ, thanh niên, nông dân...), hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ... và cộng đồng dân cư.      Một trong những biểu hiện mang tính khái quát cho thấy vai trò và sự tham gia của “xã hội dân sự” là chủ trương “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”. Việc đánh giá vai trò của “xã hội dân sự” trong BVMT dựa trên quan niệm này.      2. Vai trò của xã hội dân sự trong BVMT      Các quy định của pháp luật về thông tin môi trường (Dân biết)      Luật BVMT 2014 đã có những quy định mới về vấn đề thông tin môi trường so với Luật BVMT 2005. Điều 145 Luật BVMT 2014 quy định về quyền của tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp: “Được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về BVMT theo quy định của pháp luật” và Điều 146 quy định về quyền đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cung cấp thông tin về BVMT thông qua đối thoại trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức tìm hiểu thực tế về công tác BVMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thu thập, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp và có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với cơ sở.      Các quy định của pháp luật về sự tham gia của “xã hội dân sự” trong hoạt động xây dựng chủ trương, chính sách, kế hoạch và các quy định về BVMT (Dân bàn)      Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia BVMT.   Đoàn Thanh niên tham gia dọn dẹp vệ sinh, BVMT        Tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp có quyền được tham vấn đối với dự án có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tư vấn, phản biện về BVMT với cơ quan quản lý nhà nước và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan theo quy định của pháp luật;      Đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham gia đánh giá kết quả BVMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.      Các quy định của pháp luật về sự tham gia của “xã hội dân sự” vào hoạt động BVMT (Dân làm)      Điều 43 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ BVMT. Điều 4 Luật BVMT 2014 quy định: BVMT là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Như vậy, mọi chủ thể trong xã hội phải có nghĩa vụ BVMT, trong đó có “xã hội dân sự”.      Biểu hiện sự tham gia (thực hiện nghĩa vụ BVMT) của tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư được thực hiện dưới các hình thức như thành lập tổ chức tự quản về BVMT. Tổ chức tự quản về BVMT có trách nhiệm xây dựng và thực hiện hương ước về BVMT; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho sức khỏe và môi trường.      Một trong những nội dung hoàn toàn mới là tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp có quyền kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về BVMT và đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham gia đánh giá kết quả BVMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.       Như vậy, Luật BVMT 2014 đã quy định tương đối đầy đủ về sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong BVMT.      Các quy định của pháp luật về sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội; xã hội - nghề nghiệp, cộng đồng trong hoạt động giám sát, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật BVMT (Dân kiểm tra)      Tổ chức tự quản về BVMT có quyền tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về BVMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.      Tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp có quyền tham gia hoạt động kiểm tra về BVMT tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.      3. Kết luận và kiến nghị       Có thể thấy, Luật BVMT 2014 đã có những quy định tiến bộ hơn Luật BVMT 2005 về sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong việc tư vấn, phản biện, giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật của tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, những quy định này còn mạng tính chung chung và cần có quy định hướng dẫn về cơ chế thực hiện. Các quy định này có phát huy trên thực tế hay không còn phụ thuộc vào những quy định hướng dẫn thi hành và cơ chế để bảo đảm thực hiện các quyền này của tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư.      Việc hình thành khung pháp luật điều chỉnh những mối quan hệ phát sinh trong quá trình tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia BVMT sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong hoạt động BVMT.      Vì vậy, hoàn thiện hệ thống luật pháp bằng cách đưa ra các quy định rõ ràng để bảo đảm có sự tham gia rộng rãi của tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư vào giải quyết các vấn đề môi trường là vấn đề cấp thiết.      Các quy định của pháp luật sẽ phải xác định những lĩnh vực có sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư, ranh giới của sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể pháp luật có liên quan tới sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư... trong hoạt động BVMT.      Để bảo đảm vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư, các quy định này cần tuân thủ những những nguyên tắc như: bảo đảm quyền của cộng đồng, công bằng và hợp lý trong BVMT và phát triển bền vững.   Nguyễn Văn Phương Trường Đại học Luật Hà Nội Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2015
Ý kiến của bạn