Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 06/12/2024

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ BVMT

08/04/2014

     Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết là sức mạnh vô địch, là cơ sở nền tảng, là điều kiện tất yếu để đưa sự nghiệp cách mạng đến thành công. Người cho rằng, phải đoàn kết tốt thì mới có đủ lực lượng tiến hành cách mạng, đoàn kết càng chặt chẽ thì sức mạnh càng nâng cao, đoàn kết càng rộng rãi thì thắng lợi càng vĩ đại.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, sức mạnh đoàn kết không chỉ chiến thắng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, mà còn chiến thắng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, trong sự nghiệp phòng chống thiên tai, BVMT. Trong thời kỳ mới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và nhiệm vụ BVMT nói riêng, đã đặt ra những yêu cầu mới về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Chính vì thế, quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong nhiệm vụ BVMT hiện nay là vô cùng hệ trọng và cấp thiết. Để vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả nhiệm vụ BVMT, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu:

     Một là, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phòng, chống thiên tai, BVMT.

     Trong những năm qua, trước những tác động của BĐKH, biểu hiện là thiên tai bão lụt liên tục xảy ra, đã tàn phá môi trường rất nghiêm trọng, gây tổn thất về tính mạng, tài sản của nhân dân. Như vậy, nhiệm vụ phòng chống thiên tai, BVMT rất nặng nề, quyết liệt, phức tạp, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực của nhân dân cả nước.

     Chính vì thế, chúng ta phải vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm huy động sức mạnh to lớn của mọi lực lượng, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và Ủy ban tìm kiếm cứu nạn các cấp; Phát huy sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị, của chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, BVMT; Phát huy sức mạnh đoàn kết quân dân, lực lượng vũ trang, nhất là bộ đội biên phòng, bộ đội hải quân, cảnh sát biển, trong giúp dân, cứu hộ, cứu nạn bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; Phát huy tinh thần cố kết cộng đồng, sẵn lòng chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của các cộng đồng dân cư; Đẩy mạnh và phát huy các phong trào, cuộc vận động “Nối vòng tay lớn”, xây dựng các quỹ ủng hộ đồng bào bị bão lụt.

     Hai là, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ trồng rừng và bảo vệ rừng.

     Rừng là tài nguyên vô giá của quốc gia, nó không chỉ mang lại những hiệu quả kinh tế to lớn, mà còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp BVMT sinh thái, góp phần phát triển bền vững đất nước. Hiện nay, trồng rừng và bảo vệ rừng đang là vấn đề nổi cộm, là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của Đảng và nhân dân ta. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về vai trò và ý nghĩa của rừng, Đảng ta đã xác định mục tiêu chiến lược là: “Đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng đạt 45%”4. Để đạt được mục tiêu, Đảng ta đã đề ra những chủ trương, giải pháp chiến lược về trồng rừng và bảo vệ rừng: “Phát triển lâm nghiệp bền vững. Quy hoạch và có chính sách phát triển phù hợp với các loại rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng… Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng; lấy nguồn thu từ rừng để phát triển rừng và làm giàu từ rừng… Thực hiện tốt chương trình trồng rừng, ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng; tăng cường diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên”5.

 

Phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” được tiến hành rộng rãi trên cả nước

 

     Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Tết trồng cây” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động; Triển khai tốt các dự án trồng rừng theo kế hoạch của Nhà nước; Tăng cường tuyên truyền, giáo dục đồng bào vùng cao để họ có ý thức bảo vệ rừng, không phá rừng làm nương rẫy, không săn bắn những động vật hoang dã quý hiếm. Phát huy cao độ trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, bộ đội biên phòng, chính quyền và nhân dân địa phương trong quản lý, bảo vệ rừng.

     Ba là, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ BVMT tại các cộng đồng dân cư.

     Nhiệm vụ BVMT diễn ra hàng ngày, hàng giờ, ở mọi lúc, mọi nơi, trên mọi mặt của đời sống xã hội. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của mọi người ở các cộng đồng dân cư.

     Có thể nói, tất cả các phong trào như “Sạch làng, đẹp phố”, “Nói không với động vật hoang dã”, “Không dùng túi ni lông”… phải phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân ở các cộng đồng dân cư thì mới đạt được thắng lợi.

     Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ BVMT ở các cộng đồng dân cư, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các xã, phường, nhất là vai trò, trách nhiệm của Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể của các thôn, bản, tổ dân phố trong vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia BVMT. Đặc biệt, đề cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, vai trò quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở về công tác BVMT, hướng tới xây dựng một nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; từng bước phát triển sản xuất sạch, tiêu dùng sạch, đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, nhằm nhanh chóng xây dựng những làng, bản, tổ dân phố xanh - sạch - đẹp.

     Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân bao gồm nhiều nội dung sâu sắc, có giá trị bền vững, có ý nghĩa chỉ đạo hiện thực to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung cũng như nhiệm vụ BVMT nói riêng. Trong tình hình hiện nay, vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng của Người vào nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ BVMT, là vấn đề vô cùng hệ trọng và cấp thiết đối với toàn Đảng, toàn dân ta.

 

PGS. TS. Hà Huy Thông

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2014

Ý kiến của bạn