Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Tiếp tục xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa

15/09/2015

     Ngày 26/9/2014, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến cùng Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 đã có buổi khảo sát thực tế, kiểm tra công tác triển khai xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa.      Đại tá Phạm Trường Sơn, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn không quân 370 cho biết, trong thời gian qua, đã có các đoàn trong nước và quốc tế đến khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm chất da cam/dioxin tại sân bay Biên Hòa. Kết quả cho thấy, tình trạng ô nhiễm trên diện rộng rất nặng, quá ngưỡng cho phép nhiều lần. Trong đó, khu Z1 đã được Bộ Tư lệnh hóa học xử lý bằng chôn lấp, cô lập trong diện tích 4,3 ha; Văn phòng Ban chỉ đạo 33 cũng đã tổ chức thực hiện trên diện tích khoảng 15 ha bằng cách vây quanh, ngăn chặn không để dioxin lan ra khu vực xung quanh. Tới đây, Bộ Tư lệnh hóa học cũng sẽ triển khai chôn lấp như khu Z1 trên diện tích 3,6 ha. Bên cạnh đó, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga sẽ phối hợp với Bộ Tư lệnh hóa học và các nhà khoa học để khảo sát, lấy mẫu, đánh giá mức độ ô nhiễm ở một số khu vực khác trong sân bay...          Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 33 Nguyễn Thế Đồng, sân bay Biên Hòa là một trong ba điểm nóng ô nhiễm dioxin. Trong đó, có 3 khu vực ô nhiễm nặng, gồm: Khu Z1, khu Pacer Ivy, và một số hồ phía Bắc và phía Đông sân bay. Để góp phần xử lý dioxin tại sân bây Biên Hòa, thời gian qua, với tài trợ của Dự án GEF/UNDP “Xử lý dioxin tại các vùng ô nhiễm nặng tại Việt Nam”, công trình ngăn chặn lan tỏa tạm thời tại sân bay Biên Hòa ở khu Pacer Ivy và một số hồ ở các khu phía Bắc và phía Đông sân bay đã được hoàn thành và nghiệm thu tháng 3/2014. Đặc biêt, Công trình tại Pacer Ivy có tác dụng ngăn chặn nước sạch không chảy vào khu ô nhiễm và đảm bảo cho 10 ha khu vực ô nhiễm không phát tán ra bên ngoài, ít nhất trong 10 năm đến khi có thể xử lý xong ô nhiễm tại sân bay”.       Với tài trợ của Dự án “Hỗ trợ khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam”, thiết kế và xây dựng hệ thống quan trắc ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa đã hoàn thành và bàn giao cho Bộ Quốc phòng; Dự án XD2 của Bộ Quốc phòng phê duyệt cuối tháng 12/2013 sẽ đào xúc và chôn lấp tập trung vào phía Nam sân bay và phía Nam của khu vực Z1. Bên cạnh đó, phía Bộ Quốc phòng và USAID đang tiến hành lập kế hoạch thực hiện đáng giá môi trường tại sân bay Biên Hòa và dự kiến đến năm 2016 sẽ hoàn thành đánh giá. Theo kết quả tính toán khối lượng đất và trầm tích, ô nhiễm hiện nay với  diện tích 282.000 m2 và 250.000 m3, tất cả số liệu đánh giá ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa đã được Văn phòng Ban chỉ đạo 33 chuyển giao cho Bộ Quốc phòng và USAID thực hiện đánh giá môi trường từ đầu năm 2014”.      Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến cho biết, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong việc loại bỏ các chất độc hại do chiến tranh để lại, đặc biệt là dioxin. Chuyến khảo sát thực tế lần này nhằm tìm hiểu, đánh giá sự tiến triển trong công việc xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa. Đặc biệt, trong chuyến công tác tại Mỹ gần đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đề cập vấn đề xử lý dioxin với Tổng thống Mỹ Obama, nhằm kêu gọi sự hợp tác, hỗ trợ của Mỹ trong việc  xây dựng kế hoạch xử lý khối lượng dioxin còn tồn đọng tại sân bay Biên Hòa đến năm 2020.   Theo Monre  
Ý kiến của bạn