Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/03/2024

Cần nhân rộng kết quả của Dự án “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại Việt Nam”

15/09/2015

Ông Obayashi Shigenobu - Cố vấn trưởng Dự án phát biểu tại “Khóa đào tạo phát triển năng lực xây dựng chính sách - Khung Chính sách Tổng thể về Kiểm soát ô nhiễm nước” ngày 20/9/2012. Vừa qua, Dự án Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã kết thúc, với những kết quả có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về môi trường và là một điểm sáng trong hợp tác hỗ trợ kỹ thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhân sự kiện này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Obayashi Shigenobu - Cố vấn trưởng Dự án về những kết quả của Dự án trong 3 năm qua. PV: Thời gian qua, Dự án đã triển khai những hoạt động gì nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại Việt Nam, thưa ông? Ông Obayashi Shigenobu: Mặc dù có rất nhiều chính sách liên quan đến môi trường nước đang được thực hiện tại Việt Nam, nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường nước vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Nguyên nhân chính là do chính sách môi trường nước không được thực thi một cách đầy đủ và hiệu quả. Vì vậy, các chính sách pháp luật hiện hành cần được đánh giá trên các tiêu chí tính hiệu quả và thực thi, từ đó có những sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp. Hội nghị công bố báo cáo quan trắc nước 3 sông Giá, Rế, và Đa Độ (TP. Hải Phòng) giai đoạn 2008 – 2012 trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại Việt Nam” ngày 16/4/2013 Để đạt được mục tiêu, Dự án đã tập trung vào 5 nội dung: Tăng cường năng lực xây dựng chính sách (cho Bộ TN&MT) và tăng cường năng lực thực thi chính sách (cho 5 Sở TN&MT: Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh); Tăng cường năng lực kiểm soát ô nhiễm nước cho 5 Sở TN&MT; Tăng cường năng lực thực thi biện pháp phòng chống ô nhiễm nguồn nước; Nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp và cộng đồng về môi trường nước; Tăng cường năng lực quản lý thông tin môi trường nước cho cán bộ của Bộ TN&MT và 5 Sở TN&MT. Trên cơ sở đó, Dự án đã triển khai các hoạt động cụ thể: Rà soát, đánh giá các chính sách hiện có về môi trường nước; phát hiện các vấn đề tồn tại của chính sách theo các tiêu chí tính hiệu quả và thực thi. Triển khai tại 5 Sở TN&MT với các nội dung: Thực hiện quan trắc và phân tích số liệu, sửa đổi kế hoạch quan trắc, diễn giải số liệu, sửa đổi báo cáo quan trắc và phân tích chất lượng nước, nhằm cải thiện năng lực lập kế hoạch, phân tích số liệu đảm bảo độ tin cậy của kết quả quan trắc; Nâng cao kỹ năng kiểm kê nguồn ô nhiễm (PSI), xây dựng PSI, sử dụng và chia sẻ kết quả PSI; Đào tạo về thanh tra, lập tiêu chí lựa chọn các nguồn ô nhiễm chính/trọng điểm, tập huấn về đánh giá công trình xử lý nước thải và sản xuất sạch hơn, nhằm tăng cường kỹ năng thanh tra/kiểm tra tại các địa phương. Xây dựng Đề cương các biện pháp kiểm soát ô nhiễm nước, nhằm tăng cường năng lực cho 5 Sở TN&MT về xây dựng kế hoạch kiểm soát ô nhiễm nước thông qua các đợt khảo sát thực tế. Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp trong quản lý môi trường nước và Xây dựng Dự thảo “Quy trình thu thập, quản lý và sử dụng thông tin môi trường nước”i.  PV: Ông đánh giá thế nào về kết quả của Dự án? Thời gian tới, JICA có tiếp tục hỗ trợ để nhân rộng kết quả của Dự án tại các địa phương khác của Việt Nam không? Ông Obayashi Shigenobu: Thông qua các hoạt động trên, cán bộ của Bộ TN&MT và các Sở TN&MT đã nắm bắt được các quy trình xây dựng chính sách, cũng như các kỹ năng và kiến thức cơ bản để xây dựng chính sách hiệu quả và có tính thực thi; các kỹ năng phát hiện, phân tích vấn đề và dự thảo/thiết kế chính sách. Bên cạnh đó, các cán bộ cũng được nâng cao kiến thức nâng cao trong thực thi chính sách tại địa phương; các kỹ năng và cách thức xây dựng bản đồ nguồn ô nhiễm; phương pháp thu thập, phân tích số liệu; cách kiểm tra hệ thống xử lý nước thải; xây dựng tiêu chí lựa chọn nguồn ô nhiễm; lập báo cáo khảo sát thực địa… Tuy nhiên, còn một số vấn đề chưa được giải quyết, đó là các chính sách được ban hành trong khuôn khổ Dự án chỉ đề cập một phần của quy định pháp lý. Do vậy, cần phải tiếp tục xem xét xây dựng chính sách, hay sửa đổi các chính sách hiện hành dựa trên kết quả của Dự án và Việt Nam cần được hỗ trợ tiếp để giải quyết những vấn đề còn tồn tại.  Nhìn chung, các kết quả của Dự án đã góp phần thúc đẩy công tác quản lý môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng, đồng thời là mô hình để các địa phương khác tham khảo. Thời gian tới, những kết quả của Dự án cần được nhân rộng ra các tỉnh/thành khác trên cả nước, nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước tại Việt Nam, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và các hệ sinh thái. PV: Xin cảm ơn ông! Minh Hương (Thực hiện) Nguồn: Tạp chí MT, số 7/2013
Ý kiến của bạn