Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Ứng dụng mô hình công nghệ sinh thái trong sản xuất lúa tại đồng bằng sông Cửu Long

10/05/2016

   Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có trên 3,8 triệu ha đất nông nghiệp cung cấp lương thực, trái cây, thủy sản, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, thủy sản của Việt Nam. Trong những năm qua, hoạt động sản xuất lúa ở ĐBSCL ngày càng chịu áp lực lớn về sâu bệnh và ô nhiễm môi trường, do trong quá trình canh tác bà con nông dân đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tràn lan.

Mô hình CNST đang được triển khai rộng ở An Giang                

   Để giải quyết các vấn đề trên, từ nhiều năm qua, các tỉnh ĐBSCL đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp mới như chương trình IPM, 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm… và đặc biệt là chương trình công nghệ sinh thái (CNST) trên ruộng lúa hay còn gọi là “Ruộng lúa bờ hoa”. Chương trình CNST được Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) chuyển giao kỹ thuật và được thử nghiệm, trồng nhân rộng tại ĐBSCL, mở ra hướng mới trong phòng, chống sâu, bệnh bảo vệ cây trồng và thân thiện với môi trường.

   Mô hình này lần đầu tiên được thí điểm thực hiện trong vụ lúa Đông Xuân 2009 - 2010 ở huyện Cai Lậy và Cái Bè (Tiền Giang) và thành công nhất là ở Ấp 5, xã Mỹ Thành Nam (Cai Lậy). Mô hình được triển khai trồng 20.000 cây hoa đủ loại xung quanh khu ruộng rộng 35 ha, khoảng cách trồng từ 0,5 - 1 m/cây, bước đầu cho kết quả tốt. Tại An Giang, Chương trình được triển khai trên diện tích gần 100 ha tại xã Vĩnh Bình, Bình Hòa (huyện Châu Thành), xã Thoại Giang, Vĩnh Khánh (huyện Thoại Sơn) và xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn) với 350 nông dân tham gia. Kết quả cho thấy, nông dân đã giảm 4 - 5 lần phun thuốc trừ rầy và sâu cuốn lá nhưng vẫn đạt năng suất từ 6 - 6,5 tấn/ha vụ hè thu và thu đông, 7,5 - 8 tấn/ha vụ đông xuân, tăng 0,5 - 1 tấn/ha so với canh tác bình thường.

   Từ những kết quả đạt được ở Tiền Giang và An Giang, hiện nay mô hình đã được nhân rộng đến tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Tại Vĩnh Long, việc ứng dụng mô hình CNST trong trồng lúa, tổ chức thu gom, tiêu hủy bao bì và vỏ chai thuốc BVTV đã qua sử dụng được triển khai ở huyện Long Hồ, Vũng Liêm và Bình Minh. Chi cục BVTV Vĩnh Long đã triển khai mô hình CNST với diện tích tăng dần qua từng năm, nếu như năm 2011 là 10 ha thì đến năm 2015 đã là 275 ha. Kết quả cho thấy, cánh đồng áp dụng mô hình CNST, nông dân giảm được 1 - 1,26 lần phun thuốc trừ sâu, tăng năng suất và chất lượng lúa, góp phần tăng thu nhập của nông dân từ 3 - 6,4 triệu đồng/ha/vụ, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường đồng ruộng.

   Các loại hoa được trồng trên mô hình thử nghiệm chủ yếu gồm: trâm ổi, sao nhái, cúc mặt trời, mè và hướng dương. Theo các nhà khoa học, thông thường các loại hoa gồm có mật và phấn hoa, chứa nhiều hương thơm và chất dinh dưỡng như đường, prôtêin... nên rất nhiều loài côn trùng có ích thích tìm đến ăn. Dựa vào tính chất này, khi trồng nhiều loại hoa thích hợp trên bờ ruộng sẽ có tác dụng dẫn dụ các loài thiên địch đến ăn phấn, hút mật hoa và sinh sản trong ruộng lúa. Nhiều loài ăn cả sâu rầy non, sau đó bay trở lại ruộng tìm sâu hại để đẻ trứng, ấu trùng, chúng sẽ ký sinh trên cơ thể các loài sâu rầy làm giảm mật độ gây hại. Vì thế, yếu tố quan trọng để mô hình thành công là phải chọn các giống hoa dại có hương thơm, nhiều phấn và màu sắc phù hợp để có khả năng dẫn dụ thiên địch đến sinh sản, giúp tiêu diệt rầy nâu và các loại côn trùng gây hại khác.

   Trong quá trình triển khai cho thấy, những cây ra hoa màu trắng và màu vàng thường có nhiều phấn, thu hút nhiều thiên địch đến tấn công các loài sâu hại nên không phải phun thuốc như lối canh tác thông thường… Mô hình ứng dụng CNST trên cây lúa thành công mở ra triển vọng cho sản xuất lúa gạo sạch ở ĐBSCL đạt hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời, giúp bà con nông dân trồng lúa giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe và môi trường sống.

                Đỗ Huyền

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2016)

Ý kiến của bạn