Banner trang chủ

Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường

14/11/2020

 Ngày 9/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” (Dự án SRI).

Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đang phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu; trong đó, nông nghiệp chính là lĩnh vực chịu tác động lớn hơn cả do phải hứng chịu thiên tai. Do đó, sản xuất lúa áp dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến được xem là đích đến của một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm thiểu những tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường nông nghiệp như: Giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên nước; giảm lượng giống; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và giảm lượng đạm dư thừa không cần thiết; đưa chất hữu cơ vào đồng ruộng để nâng cao độ phì cho đất… Bên cạnh đó, canh tác lúa theo SRI còn tạo điều kiện phát triển sinh thái đồng ruộng tốt nhằm giảm thiểu dịch hại; đồng thời, tăng khả năng chống chịu sâu, bệnh của cây lúa. SRI cũng làm tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu nhờ việc giảm phát thải khí nhà kính (khí metan) trong hoạt động sản xuất lúa của bà con nông dân.

   Để nhân rộng các mô hình áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI cũng như nâng số lượng hội viên, nông dân được tiếp cận và áp dụng phương pháp canh tác SRI, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (BRACE) xây dựng Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam”.

    Thời gian triển khai thực hiện dự án SRI trong 40 tháng và chia làm 3 giai đoạn. Cụ thể: Giai đoạn 1 (16 tháng) sẽ triển khai tại 8 tỉnh thuộc khu vực miền Bắc; giai đoạn 2 (12 tháng) dự kiến thực hiện tại 8 tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung; giai đoạn 3 (12 tháng) dự kiến triển khai ở 8 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Nam. Mục tiêu chung của Dự án là hỗ trợ người nông dân và tổ chức của họ canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững. Trong đó, tập trung vào một số mục tiêu cụ thể: Nâng cao kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI cho nông dân trồng lúa; Nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI; Nâng cao giá trị sản phẩm gạo trồng theo phương pháp cải tiến SRI ra thị trường tiêu thụ.

    Đối tượng của dự án bao gồm: Người nông dân trồng lúa và tổ chức nông dân của họ (Tổ hợp tác, Hợp tác xã); số lượng người nông dân trực tiếp và gián tiếp hưởng lợi từ Dự án ước tính đạt 2,5 triệu người.

    Để vận động người dân áp dụng phương pháp canh tác lúa SRI, Dự án sẽ tổ chức nhiều hoạt động, trong đó nổi bật là nghiên cứu và tổ chức tập huấn cho nông dân. Ngoài ra, còn tổ chức tham quan nghiên cứu, tư vấn hỗ trợ cho nông dân trồng lúa, nâng cao nhận thức và quảng bá cho SRI, xây dựng các công cụ và hoạt động hỗ trợ, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho lúa gại SRI và tiếp cận thị trường.

    Tại Hội thảo các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm thực tế về các điều kiện thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai mô hình trồng lúa SRI tại địa phương…

 

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn