Banner trang chủ

5 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

20/10/2020

    Sau 5 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”, TP. Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực và toàn diện.


Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra công tác phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM


    Để thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU , Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm Trưởng ban; thành lập các đoàn kiểm tra, làm việc trực tiếp với các huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan; tổ chức họp giao ban định kỳ (quý/lần) để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình đề ra. UBND TP cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, tạo điều kiện để các địa phương thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện.

    Các Sở, ban, ngành TP theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã ban hành các văn bản hướng dẫn cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng cơ bản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn công tác quy hoạch nông thôn mới (NTM), dồn điền, đổi thửa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thiết kế điển hình về giao thông, thủy lợi, nội đồng, chấm điểm các tiêu chí đạt chuẩn NTM…, tháo gỡ khó khăn kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các huyện, xã triển khai thực hiện ở cơ sở.

    Từ đầu năm 2016 đến hết tháng 6/2020, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình là 56.512,8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 58 tỷ đồng; ngân sách TP là 20.911,2 tỷ đồng; ngân sách huyện là 29.275,45 tỷ đồng. Đặc biệt, vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 4.812,6 tỷ đồng; đóng góp của nhân dân (bằng ngày công lao động trực tiếp, hiến đất làm các công trình công cộng...) là 1.976,6 tỷ đồng... Ngoài ra, TP đã bố trí 1.000 tỷ đồng ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân.

    Qua đánh giá, toàn TP có 355/382 xã (chiếm 92,9%) được UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM, 13 xã đã được UBND TP công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến cuối năm 2020, dự kiến có 368/382 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 96,3%), 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong số 27 xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 -18 tiêu chí, 03 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 - 14 tiêu chí. Bình quân số tiêu chí/xã đạt 18,82 tiêu chí.

    Với sự nỗ lực của các cấp, đến nay, TP có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai và Gia Lâm. Ngoài ra, thị xã Sơn Tây đã được Hội đồng Trung ương thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019. Các huyện Thạch Thất, Thường Tín, Phúc Thọ đã trình Hội đồng thẩm định Trung ương; đến nay, huyện Thạch Thất, Thường Tín đã được Đoàn Thẩm định Trung ương tiến hành thẩm định đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Huyện Thanh Oai đã được Ban chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia TP. Hà Nội bỏ phiếu đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Các huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên đã được Đoàn Thẩm tra Thành phố thẩm tra đủ điều kiện và đang hoàn thiện hồ sơ trình Ban chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia TP. Hà Nội bỏ phiếu xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020.

 

An Vi

Ý kiến của bạn