Banner trang chủ

10 năm xây dựng nông thôn mới tại Lâm Đồng: Thành quả của sự đoàn kết toàn dân

16/12/2019

     Từ thành công của việc xây dựng xã điểm nông thôn mới (NTM) Tân Hội (huyện Ðức Trọng) năm 2009, Lâm Ðồng đã triển khai xây dựng NTM tại tất cả các xã trong tỉnh. Đến nay, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, toàn tỉnh đã có 90/116 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 77,6%), góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tỉnh đang đặt mục tiêu phấn đấu, đến năm 2020 có 94% số xã, trong đó ít nhất 20% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

     Trước đây, Lâm Đồng là địa phương chủ yếu hoạt động sản xuất nông nghiệp, kinh tế phát triển còn nhiều hạn chế, thu nhập bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng/năm, chỉ bằng 88% bình quân cả nước. Trong hoàn cảnh đó, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đã chọn Lâm Đồng là một trong 11 địa phương của cả nước thực hiện thí điểm mô hình NTM, từ đó làm tiền đề triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trong phạm vi cả nước. Với sự quyết tâm vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, từ công tác chỉ đạo, điều hành được phân cấp, ràng buộc trách nhiệm rõ ràng; ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM và tích cực tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia… tạo ra những phong trào thi đua sôi nổi, đến nay, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2009 - 2019), tỉnh Lâm Ðồng đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, trở thành tỉnh duy nhất của Tây Nguyên có huyện Đơn Dương và Đức Trọng đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, Đơn Dương là một trong 4 huyện được Trung ương chọn chỉ đạo thực hiện Đề án mô hình thí điểm huyện NTM kiểu mẫu. Hiện, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai Đề án “Xây dựng huyện Đơn Dương đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2018 - 2025”. Bên cạnh đó, hai TP là Ðà Lạt và Bảo Lộc đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Với tinh thần lấy dân làm chủ thể, Lâm Đồng đã củng cố thêm niềm tin và tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân. Kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình đều vượt trội so với khu vực và bình quân chung cả nước về tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM.

 

Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tại tỉnh Lâm Đồng, ngày 1/8/2019

 

     Giai đoạn 2009 - 2019, Lâm Đồng đã huy động tổng nguồn kinh phí 52.700 tỷ đồng, trong đó, vốn từ ngân sách nhà nước chiếm gần 14%; vốn dư nợ tín dụng 81%; cộng đồng dân cư đóng góp gần 5% và 1,33% của các tổ chức, doanh nghiệp. Từ nguồn lực trên, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được khoảng 1.900 km đường giao thông nông thôn, trong đó, xây dựng mới trên 700 km; nâng cấp, sửa chữa 1.200 km; đầu tư làm mới và sửa chữa hơn 85 cầu lớn, nhỏ. Đồng thời, xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 56 công trình thủy lợi, 150 km kênh mương, 1.700 ao, hồ; các hình thức tưới tiên tiến, tiết kiệm được ứng dụng hiệu quả. Cơ sở vật chất, công trình công cộng, trường học các cấp trên địa bàn các xã được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Tính đến nay, toàn tỉnh có 636 trường mầm non, phổ thông công lập các cấp, tăng 86 trường so với năm 2010, trong đó có 393 trường đạt chuẩn quốc gia.

     Cùng với đó, nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ được chú trọng thực hiện. Kinh tế nông nghiệp có sự tăng trưởng ổn định, công nghiệp và dịch vụ nông thôn ngày càng phát triển. Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản tăng nhanh, năm 2018 đạt 38.700 tỷ đồng, tăng 65,5% so với năm 2010. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ đạt 56.403 ha, giá trị sản xuất công nghệ cao bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/ha, đặc biệt có nhiều mô hình có giá trị sản xuất trên 1 tỷ đồng/ha. Giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích trên địa bàn tỉnh năm 2018 đạt 169 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp đôi so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 39 triệu đồng/năm, tăng gần 4 lần so với năm 2010.

     Đi đôi với những việc làm trên, công tác tuyên truyền được chú trọng với nhiều hình thức như tổ chức các buổi đối thoại “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” giữa lãnh đạo huyện, xã với nhân dân, từ đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để từng bước giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, phát động các phong trào thi đua “Lâm Đồng chung sức xây dựng NTM” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tạo sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm, đồng thuận và hưởng ứng thực hiện của toàn thể nhân dân, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Công tác quản lý và BVMT nông thôn trên địa bàn các xã được quan tâm, nhiều vùng đã xây dựng và hình thành mô hình cảnh quan Xanh - Sạch - Đẹp, từ đó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

     Công cuộc xây dựng NTM tại Lâm Đồng đang đi đúng hướng, đã bao trùm, bao phủ toàn diện về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cũng như mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, BVMT, quốc phòng và an ninh trật tự... Thành quả xây dựng NTM tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung là minh chứng rõ nét, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân, gắn với lợi ích thiết thực của đại bộ phận nhân dân, làm đổi thay toàn diện đời sống người dân nông thôn.

 

Lê Thị Ngọc

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)

 

 

Ý kiến của bạn