Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất giải pháp giảm thiểu, loại bỏ việc sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại

21/06/2023

Tóm tắt:

    Hiện nay, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, việc sử dụng túi ni lông, các sản phẩm nhựa trong hoạt động kinh doanh và tiêu dùng khá phổ biến, với tiện ích đem lại, các sản phẩm từ nhựa và ni lông đã trở thành những vật dụng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người ở nhiều quốc gia. Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất giải pháp giảm thiểu, loại bỏ việc sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại” thực hiện từ 01/2020 đến tháng 12/2022 đã đạt được các yêu cầu về nội dung, chất lượng, tiến độ và mục tiêu nghiên cứu đề ra.

Từ khóa: Túi ni lông, sản phẩm nhựa, môi trường, thương mại.

Ngày nhận bài: 10/1/2023. Ngày sửa chữa: 16/1/2023. Ngày duyệt đăng: 20/1/2023.

Research on scientific basis, propose solutions to reduce, eliminate the use and emission of non-biodegradable plastic bags, single-use plastic products at markets, supermarkets and shopping centers

Abstract:

Currently, the use of plastic bags and products in business and consumption activities is quite popular in the world and aslo in Viet Nam, with the benefits they brought, plastic products have become familiar items of the daily life in various countries.

The project "Research on scientific basis, propose solutions to reduce, eliminate the use and emission of non-biodegradable plastic bags, single-use plastic products at markets, supermarkets and shopping centers” conducted by MSc. Nguyen Hoang Khiem, Department of Domestic Market, Ministry of Industry and Trade, from January 2020 to December 2022, has achieved the requirements for content, quality, progress and research objectives.

Keywords: Plastic bags, plastic products, environment, trade.

JEL Classificatinons: O44, Q59, R11.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

    Hiện nay, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, việc sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa trong hoạt động kinh doanh và tiêu dùng khá phổ biến bởi các tiện ích mà chúng đem lại. Khi thải ra môi trường, một chiếc túi ni lông có thể mất tới 500 -1000 năm mới phân hủy hoàn toàn được. Vì vậy cho đến nay, có khoảng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên Trái đất. Việc lạm dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng 1 lần đã để lại nhiều hệ lụy tiêu cực đến sức khỏe con người, môi trường và hệ sinh thái..., cản trở mục tiêu phát triển bền vững mà cộng đồng quốc tế và các nước đặt ra.

    Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, lượng chất thải nhựa và túi ni lông ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Tính riêng các loại túi ni lông, ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi/năm. Túi ni lông hiện vẫn là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu để đóng gói và vận chuyển hàng hóa ở các siêu thị, Trung tâm thương mại, chợ truyền thống… Việc sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần hiện vẫn còn phổ biến có nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nhận thức về tác hại do rác thải nhựa của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối và người tiêu dùng chưa đầy đủ; công tác tuyên truyền chưa được tổ chức một cách thường xuyên và hiệu quả chưa cao; chưa hình thành hệ thống phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường; việc thực thi các giải pháp, chính sách nhằm giảm thiểu, loại bỏ sử dụng, phát thải túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần và cũng như các chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hàng hóa sử dụng bao bì thân thiện với môi trường trong hệ thống phân phối bán lẻ còn thiếu và nhiều khoảng trống...

    Để thực hiện những mục tiêu và định hướng về giảm thiểu, loại bỏ túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, thay thế bằng sản phẩm thân thiện môi trường tại các chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại, cần thiết phải nghiên cứu tìm ra các giải pháp, xây dựng chính sách áp dụng rộng rãi từ khâu sản xuất, phân phối cho tới hoạt động tiêu dùng trong hệ thống phân phối bán lẻ. Với những lý do trên, đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất giải pháp giảm thiểu, loại bỏ việc sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại” tập trung giải quyết một số nội dung chính như sau: (1) Cơ sở lý luận và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế trong việc giảm thiểu, loại bỏ sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; (2) Đánh giá thực trạng chính sách về giảm thiểu, loại bỏ sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm sử dụng nhựa sử dụng một lần ở nước ta; (3) Điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị và Trung tâm thương mại ở nước ta; (4) Quan điểm, định hướng và đề xuất giải pháp giảm thiểu, loại bỏ việc sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại ở nước ta trong thời gian tới.

2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

    Nhựa là một vật liệu nhẹ, hợp vệ sinh và bền, có thể được đúc theo nhiều cách khác nhau và được sử dụng trong rất nhiều ứng dụng. Hầu hết nhựa không có khả năng phân hủy sinh học mà chúng chỉ bị phân hủy quang học thành các mảnh nhỏ được gọi là vi nhựa. Các sản phẩm nhựa được đề cập trong nghiên cứu này là loại nhựa có nguồn gốc hóa thạch chứ không đề cập đến loại nhựa có nguồn gốc sinh học. Trong các sản phẩm nhựa sử dụng một lần thì túi ni lông là sản phẩm đứng đầu thế giới về độ phổ biến đối với người tiêu dùng và được coi là biểu tượng của văn hóa “dùng một lần”.

    Trong nỗ lực bảo vệ Trái đất khỏi rác thải nhựa, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng các quy định nhằm hạn chế tiến tới cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần như cốc, đĩa, dao dĩa thìa,.. và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Lệnh cấm nhựa dùng 1 lần đã và đang có hiệu lực trên nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Từ năm 2020 đã có đến 170 quốc gia đã cam kết “giảm đáng kể” việc sử dụng nhựa tính từ thời điểm hiện tại đến năm 2030.

    Đề tài đã tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới trong việc giảm thiểu, loại bỏ việc sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các hệ thống phân phối. Kinh nghiệm thu được từ các quốc gia bao gồm cả thành công và thất bại, gồm có các nước thành công trong việc thoả thuận tự nguyện giảm thiểu túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần như Áo, Hàn Quốc; các nước thành công trong việc đánh thuế và thu phí sử dụng túi nhựa như Ireland, Nhật Bản; các nước thành công trong việc thực hiện lệnh cấm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy gồm Antigua và Barbuda, Ôxtrâylia, Mỹ; các nước thất bại trong việc thực hiện lệnh cấm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy như Rwanda, Nam Phi, Bangladesh và các nước có đặc điểm tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan.

3. PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH NGHIÊN CỨU

- Phương pháp nghiên cứu tài liệu, kế thừa các kết quả nghiên cứu trước đây: Thu thập hệ thống các tài liệu thứ cấp nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về giảm thiểu, loại bỏ sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị và Trung tâm thương mại tại Việt Nam.

- Phương pháp thu thập các tài liệu thứ cấp, dịch tài liệu: Tìm và biên dịch các tài liệu về kinh nghiệm của các nước trong việc giảm thiểu, loại bỏ sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần để rút ra các bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.

- Phương pháp thống kê, phân tích, tổng hợp: Xử lý, phân tích và tổng hợp các thông tin, số liệu thu thập được và đánh giá thực trạng sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại ở Việt Nam.

- Phương pháp so sánh, đối chứng, dự báo: Sử dụng để đánh giá thực trạng, so sánh và dự báo giữa các thời kỳ phát triển khác nhau.

- Phương pháp điều tra, khảo sát: Nhằm củng cố, cập nhật thông tin, số liệu thực tiễn phục vụ cho việc phân tích, đánh giá thực trạng sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại ở Việt Nam. Phương pháp điều tra, khảo sát thực tế được tiến hành trên cơ sở phiếu điều tra được xây dựng sẵn, phỏng vấn, trao đổi, làm việc với các tổ chức, đơn vị quản lý các chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại, chủ thể tham gia kinh doanh và người tiêu dùng tại các chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại.

 - Phương pháp hội thảo, xin ý kiến chuyên gia: Tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo tham vấn ý kiến của các nhà quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia môi trường làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các Bộ/ngành liên quan, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan để bổ sung và hoàn thiện báo cáo kết quả nghiên cứu cuối cùng.

4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

    Đề tài đã thực hiện việc điều tra, khảo sát thực tế về tình hình sử dụng, phát thải túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong hệ thống phân phối bán lẻ gồm chợ, siêu thị và Trung tâm thương mại ở nước ta giai đoạn hiện nay. Ba đối tượng khảo sát: (1) người tiêu dùng; (2) doanh nghiệp và hộ kinh doanh; (3) cơ quan và tổ chức quản lý ở 6 tỉnh thành trên cả nước bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và Đăk Lăk. Qua khảo sát có thể thấy, một số nét thực trạng sau:

    Về số lượng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần bị thải bỏ, do giá thành của các sản phẩm nhựa dùng 1 lần hiện vẫn còn thấp so với mức sẵn lòng chi trả của người tiêu dùng, nên lượng chất thải nhựa vẫn phát sinh nhiều. Theo kết quả khảo sát, có đến 26% người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ thải bỏ dưới 3 món mỗi tuần, và chỉ có 7% người cho biết họ không thải bỏ đồ nhựa dùng 1 lần. Số lượng các đồ nhựa dùng 1 lần thải bỏ bởi người tiêu dùng được trình bày cụ thể trong biểu đồ dưới đây.

Biểu đồ 1. Số lượng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần bị thải bỏ

    Về mức độ sẵn sàng chi trả cho các giải pháp thay thế túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng 1 lần, kết quả khảo sát cho thấy có đến 67% người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ sẵn sàng chi trả cho các giải pháp thân thiện môi trường thay thế cho túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng 1 lần, trong đó chỉ có 8% là đã thực hiện thay thế. Còn lại 34% người tiêu dùng cảm thấy điều kiện kinh tế còn khó khăn nên sẽ không sẵn sàng chi trả được, bởi các giải pháp thay thế hiện nay giá thành vẫn còn cao hơn nhiều so với đồ nhựa dùng 1 lần giá rẻ, lại được phát miễn phí.

Biểu đồ 2. Mức độ sẵn sàng chi trả cho các giải pháp thay thế túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng 1 lần

    Về tình hình tiêu thụ túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, Kết quả khảo sát các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại trên địa bàn 6 tỉnh thành là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có đến 41% đơn vị được hỏi cho biết nguồn nhập hàng túi ni lông và nhựa dùng 1 lần là từ đơn vị phân phối mang đến. Chi tiết về nguồn và tần suất nhập hàng túi ni lông và nhựa dùng 1 lần được thể hiện trong biểu đồ sau.

Biểu đồ 3. Tần suất nhập hàng túi ni lông và nhựa dùng 1 lần của các hộ kinh doanh

    Kết quả khảo sát cho thấy nhu cầu tất cả các loại sản phẩm nhựa dùng 1 lần của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có xu hướng tăng trong thời gian tới với tỷ lệ lựa chọn khá cao, chi tiết trong biểu đồ sau:

Biểu đồ 4. Nhu cầu sử dụng túi ni-lông trong thời gian tới

5. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

    Dựa trên thực trạng sử dụng, thải bỏ túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại chợ, siêu thị và trung tâm thương mại và bài học kinh nghiệm, những vấn đề cấp bách cần giải quyết trong thời gian tới, bao gồm:

    Thứ nhất, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cho các đối tượng là người tiêu dùng, nhà bán lẻ, nhà sản xuất về tác hại của túi ni lông đối với nền kinh tế, môi trường và sức khỏe cộng đồng, cũng như có những định hướng trong vấn đề sản xuất và sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.

    Thứ hai, xây dựng và triển khai các chính sách, biện pháp quản lý tổng hợp, thực hiện song hành nhiều giải pháp cụ thể, từ hướng dẫn và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là tại các chợ, trung tâm thương mại hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy và thay thế bằng các loại vật liệu thân thiện với môi trường.

    Thứ ba, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ tái sử dụng, tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy, đồ nhựa sử dụng một lần thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.

    Thứ tư, tìm kiếm sự hợp tác quốc tế và áp dụng các mô hình tiên tiến về quản lý chất thải nhựa nói chung và tại các chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại nói riêng. Bổ sung thêm nguồn kinh phí và khuyến khích xã hội hóa công tác phân loại tại nguồn, tái chế chất thải rắn sinh hoạt và hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy.

    Thứ năm, xây dựng lộ trình các nhiệm vụ, hoạt động cụ thể cần thực hiện nhằm hạn chế sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, đồng thời thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể phân hủy nhanh trong điều kiện tự nhiên (như vật liệu gỗ, mây, tre…).

    Thứ sáu, đẩy mạnh thực thi công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu và phân phối và sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, đặc biệt tại các cơ sở bán lẻ như chợ, Trung tâm thương mại và siêu thị trên địa bàn cả nước.

Trên cơ sở khung lý luận và thực tiễn như trên, đề tài đề xuất hệ thống một số nhóm giải pháp chủ yếu sau:

    Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật và cơ chế, chính sách của nhà nước đối với hoạt động sản xuất;

    Thứ hai, tăng cường quản lý đối với các hoạt động phát thải, thu gom, xử lý túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại;

    Thứ ba, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp cận, chuyển đổi công nghệ về quản lý sản xuất, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phát triển các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần;

    Thứ tư, khuyến khích, hỗ trợ thương nhân, hộ kinh doanh tại các cơ sở hạ tầng thương mại nhằm từng bước giảm thiểu tiến tới loại bỏ sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần và thay thế bằng các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường;

    ​Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sản xuất các sản phẩm túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần;

    ​Thứ sáu, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đến cộng đồng và người dân về tác hại của túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người.

6. KẾT LUẬN

    Tóm lại, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần trong cuộc sống hiện đại, nhưng đã đến lúc cần phải nhìn lại việc tiêu thụ và thải bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân huỷ bởi chúng đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến các sinh vật, môi trường, cảnh quan và sức khoẻ con người. Đề tài "Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất giải pháp giảm thiểu, loại bỏ việc sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại" được thực hiện nhằm góp phần vào nỗ lực chống rác thải nhựa của Việt Nam.

    Đề tài đã tiến hành điều tra, khảo sát thực tế tình hình sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong hệ thống phân phối bán lẻ (gồm chợ, siêu thị và Trung tâm thương mại) ở nước ta giai đoạn hiện nay. Đối tượng khảo sát là người tiêu dùng, doanh nghiệp và hộ kinh doanh, cơ quan và tổ chức quản lý ở 6 tỉnh thành trên cả nước (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Đăk Lăk). Trên cơ sở đó, đề tài đã đánh giá thực trạng sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại chợ, siêu thị và Trung tâm thương mại và rút ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết trong thời gian tới.

    Ngoài ra, thông qua các kinh nghiệm quốc tế thu thập được về cấm/hạn chế sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa, nhóm nghiên cứu đã rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam và đề xuất giải pháp giảm thiểu, loại bỏ việc sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại ở nước ta trong thời gian tới.

    Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các nhiệm vụ, hoạt động cần triển khai nhằm giảm thiểu, loại bỏ sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại ở nước ta trong thời gian tới.

    Đề tài chỉ ra các vấn đề lý luận và thực tiễn giúp Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý tại các địa phương có những giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu, tiến tới loại bỏ túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, thay thế bằng các sản phẩm khác dễ phân hủy, thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh và tiêu dùng tại các cơ sở kinh doanh thương mại. Không những thế, kết quả nghiên cứu của đề tài còn giúp cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, các hộ kinh doanh cá thể phân phối bán lẻ hàng hóa, người tiêu dùng tham gia các hoạt động kinh doanh tại các chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại trên địa bàn cả nước có thể xem xét vận dụng, chuyển đổi phương thức kinh doanh, thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu, tiến tới loại bỏ túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, thay thế bằng các sản phẩm khác dễ phân hủy, thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh và tiêu dùng trong thời gian tới.

Nguyễn Hoàng Khiêm

Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2023)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.

Andrea Chothia (2016), SA’s plastic bag tax diverted https://www.iol.co.za/business-report/economy/sas-plastic-bag-tax- diverted-2045284

2.

Australian Capital Territory Government, Australia (2011). Plastic bag ban. https://www.environment. act.gov.au/waste/plastic-bag-ban

3.

Babin, Janet (2017). New York City Reinstates Styrofoam Ban. WNYC News, 13 May. http://www. wnyc.org/story/new-york-city-reinstates-styrofoam- ban/

4.

Báo cáo chất thải quốc gia (2020) trang 4 https://www.environment.gov.au/protection/waste/national-waste-reports/2020

5.

BIOPOLYMER (2021), Nỗ lực cấm nhựa dùng 1 lần trên thế giới https://biopolymer.vn/tin-tuc-su-kien/cam-nhua-dung-1-lan-tren-the-gioi/

6.

Bộ Công thương (2020), Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu nhựa từ hơn 30 thị trường. http://vsi.gov.vn/vn/tin-cong-nghiep-ho-tro/viet-nam-nhap-khau-nguyen-lieu-nhua-tu-hon-30-thi-truong--c7id1661.html

7.

Buchanan, Kelly (2021), Australia: Ban on Single-Use Plastic Products Enacted in Australian Capital Territory https://www.loc.gov/item/global-legal-monitor/2021-05-10/australia-ban-on-single-use-plastic-products-enacted-in-australian-capital-territory/

8.

California Office of Environmental Health Hazard Assessment (1986), Proposition 65: Safe Drinking Water and Toxic Enforcement Act of 1986 https://oehha.ca.gov/proposition-65

9.

Convery, Frank, Simon McDonnell, and Susana Ferreira (2007). The most popular tax in Europe? Lessons from the Irish plastic bags levy. Environmental Resource Economy, Vol. 38, pp 1-11.

Ý kiến của bạn