Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng và tính năng cơ lý của bê tông cốt sợi từ nhựa phế thải

01/12/2022

    TÓM TẮT

    Bài báo trình bày kết quả khảo sát các yếu tố ảnh hưởng (hàm lượng nhựa phế thải PA; tỷ lệ nước/chất kết dính; tỷ lệ chất liên diện; đặc tính nhựa PA (tỷ trọng, kích thước)) đến tính năng cơ lý của bê tông cốt sợi PA. Kết quả nghiên cứu cho thấy, với tỷ lệ nước/chất kết dính < 0.28, bê tông cốt sợi có độ bền cơ lý đáp ứng yêu cầu kỹ thuật sử dụng, khi tỷ lệ này >  0.28, tính công tác (độ chảy lan) quá lớn, ảnh hưởng đến thi công và sự thất thoát xi măng trong bê tông. Độ bền uốn giảm khi tỷ lệ nước/chất kết dính tăng nhưng không đáng kể đối với tỷ lệ < 0.28. Ngược lại, với tỷ lệ > 0.28, độ bền uốn giảm khá nhanh. Đối với hàm lượng sợi < 2%, độ bền nén gần như không có thay đổi nhiều, hàm lượng > 2% thì độ bền nén giảm nhanh. Hàm lượng phụ gia liên diện tăng từ 0,5 - 2,0% thì tính chất cơ lý (cả độ bền nén và độ bền uốn) tăng đáng kể. Khi hàm lượng phụ gia liên diện > 2,0%, tính chất cơ lý của bê tông sợi gần như không thay đổi nhiều. Khi đường kính sợi nhựa PA phế thải tăng từ 0,02 - 0,05 mm, độ bền nén của bê tông cốt sợi giảm, độ bền uốn tăng. Tuy nhiên, khi đường kính sợi nhựa tăng > 0,03 mm, độ bền nén giảm nhanh hơn, trong khi độ bền uốn tăng đều. Khi chiều dài sợi > 6 mm, độ bền nén giảm nhanh, độ bền uốn tăng không đáng kể. Như vậy, có thể xác định được điều kiện tối ưu khi phối trộn sợi nhựa PA phế thải để sản xuất bê tông cốt sợi như sau: Tỷ lệ nước/chất kết dính là 0.28; hàm lượng sợi nhựa PA là 3.0%; tỷ lệ chất liên diện là 2%; đường kính sợi nhựa phế thải là 0,03 mm; chiều dài sợi nhựa là 6 mm.

    Từ khóa: Bê tông nhẹ, sợi nhựa PA, tính năng cơ lý.

    Nhận bài: 7/11/2022; Sửa chữa: 17/11/2022; Duyệt đăng: 24/11/2022.

    1. Đặt vấn đề

    Bê tông cốt sợi là loại vật liệu kết hợp giữa bê tông và sợi chịu lực bên trong, nhằm tăng cường các tính chất vượt trội của bê tông về độ bền, độ dẻo, chống va đập, đứt gãy… Các loại bê tông sợi có tính chất khác nhau, tùy thuộc vào vật liệu làm sợi như amiang, thép, thủy tinh, các bon, nhựa.

    Hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm bê tông cốt sợi đi từ sợi nhựa nguyên sinh hay sợi nhựa phế thải mà chủ yếu là nhựa polyethylene (PP), Polyethylene Terephthalate (PET). Trong khi đó, rác thải nhựa dạng sợi, vải dệt từ các cơ sở may công nghiệp thải ra rất lớn, chưa có giải pháp tái chế sử dụng. Sợi nhựa Polyamide (PA), còn được gọi là ni lông, được sử dụng nhiều trong may mặc, có độ bền cơ học, nhiệt và hóa học khá cao.

    Nhựa PA có đặc tính nổi bật là độ cứng cao, độ bền tốt, khả năng chống ăn mòn tốt, chịu nhiệt độ thấp, dễ gia công, độ trơn bóng cao, không độc, dễ pha màu. Loại nhựa này làm việc tốt trong nền nhiệt từ -40oC tới 110oC mà không bị biến dạng hay hư hại đến kết cấu sản phẩm. Vì vậy, bê tông cốt sợi nhựa PA có khả năng đáp ứng về độ bền cơ nhiệt.

    Trong thời gian qua đã có nhiều nghiên cứu tái sử dụng sợi nhựa chính phẩm, phế thải làm vật liệu cốt để sản xuất bê tông cốt sợi trên thế giới [1 - 6] và tại Việt Nam [7 - 9]. Kết quả các công trình nghiên cứu cho thấy, các sợi ngắn, gián đoạn thường được dùng trong bê tông cốt sợi, vì vậy, liên kết sợi với các thành phần của bê tông là không liên tục. Những đặc điểm hình học khác như là tỷ lệ chiều dài/đường kính, thể tích sợi, hướng và các kỹ thuật chế tạo, có ảnh hưởng lớn tới tính chất của bê tông. Vai trò của sợi chủ yếu là tăng tính dai cho bê tông bằng cách ngăn chặn vết nứt gẫy ngay từ ban đầu, tức là nó làm chậm lại sự lan truyền đứt gãy qua các phần tử đá xi măng giòn, tạo ra từng cấp truyền dứt gãy chậm riêng biệt. Vì vậy, cường độ chịu kéo cũng như biến dạng cuối cùng của bê tông được tăng lên nhiều lần so với bê tông thường. Tuy nhiên, rất ít công trình nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng cũng như tính năng cơ lý của bê tông cốt sợi từ nhựa phế thải.

    Với sự hỗ trợ kinh phí của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai, Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) đang triển khai Đề tài“Nghiên cứu xử lý rác thải nhựa làm nguyên liệu phối trộn bê tông trong xây dựng thân thiện với môi trường”. Sợi nhựa PA là đối tượng nghiên cứu chính của nội dung Đề tài này.

    Bài báo lần đầu tiên trình bày kết quả nghiên cứu mới về các yếu tố ảnh hưởng (hàm lượng nhựa phế thải PA; tỷ lệ nước/chất kết dính; tỷ lệ phụ gia liên diện; đặc tính nhựa PA (đường kính, chiều dài sợi)) đến tính năng cơ lý của bê tông cốt sợi PA.

    2. Phương pháp nghiên cứu

    2.1. Phương pháp kiểm tra đánh giá tính chất bê tông sợi

    Thông số thử nghiệm, mẫu thử nghiệm và phương pháp thử nghiệm bê tông cốt sợi từ nhựa phế thải được tóm tắt trong Bảng 1.

    Bảng 1. Thông số thử nghiệm, mẫu thử nghiệm và phương pháp thử nghiệm

STT

Thông số thử nghiệm

Kích thước mẫu thử nghiệm (*)

Phương pháp thử nghiệm

1

Độ bền nén

Khuôn mẫu hình lập phương với kích thước 150 x 150 x 150 mm

TCVN 3118:1993 Bê tông nặng - Phương pháp xác định cường độ nén

2

Độ bền uốn

Khuôn mẫu hình trụ chữ nhật với kích thước 400 x 100 x 100 mm

TCVN 3119:1993 Bê tông nặng - Phương pháp xác định cường độ kéo khi uốn

3

Độ hút nước

Khuôn mẫu hình trụ tròn với kích thước D150 x H150 mm

TCVN 3113:1993 Bê tông nặng - Phuơng pháp xác định độ hút nước

    Ghi chú: (*) Mẫu thử nghiệm được chế tạo trong phòng thí nghiệm theo TCVN 3015: 1993 “Hỗn hợp bê tông nặng và bê tông nặng - lấy mẫu, chế tạo, bảo dưỡng mẫu thử”

    Mẫu bê tông được đúc thành các viên, mỗi thí nghiệm tạo 3 viên. Mẫu được dưỡng hộ theo tiêu chuẩn trong thời gian 28 ngày sau khi bê tông được đóng rắn, sau đó đem thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm là kết quả đo trung bình của 3 viên.

    Tất cả các mẫu đo được thực hiện tại Phòng thí nghiệm độ bền nhiệt đới của Viện Nhiệt đới môi trường.

    2.2. Giải pháp kỹ thuật triển khai thực nghiệm

    Công thức bê tông nền Mac 200 và bê tông cốt sợi để khảo sát được mô tả như Bảng 2.

    Bảng 2. Hàm lượng thành phần bê tông nền và bê tông cốt sợi để khảo sát

Nguyên liệu bê tông

Đơn vị tính

Hàm lượng thành phần tính cho 1 m3 bê tông Mac 200

Hàm lượng thành phần tính cho 1 m3 bê tông cốt sợi

Ghi chú

Nước

lít

195

195

Thay thế một phần cốt đá dăm bằng cốt sợi PA từ rác thải và bổ sung phụ gia liên diện.

Cát vàng

m3

0,466

0,466

Xi măng

kg

320

320

Đá dăm

m3

0,847

0,805 - 0,843

Phụ gia liên diện

%

0

Từ 0,5 - 5,0

Sợi nhựa PA

%

0

Từ 0,5 - 5,0

    Thí nghiệm đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố tới tính chất cơ lý và chất lượng bê tông cốt sợi như sau:

    Nhóm thí nghiệm 1: Nghiên cứu tỷ lệ thành phần tối ưu của nước/chất kết dính; sợi nhựa PA phế thải; phụ gia liên diện lên tính chất và chất lượng bê tông cốt sợi nhựa:

    - Xác định thành phần bê tông chuẩn theo Mac 200.

    - Khảo sát sự thay đổi tính chất bê tông cốt sợi nhựa theo tỷ lệ nước/chất kết dính: Cố định hàm lượng sợi 3%; kích thước sợi < 6 mm; thay đổi tỷ lệ nước/chất kết dính từ 0,20 - 0,38.

    - Khảo sát hàm lượng sợi theo thể tích: Cố định tỷ lệ nước/chất kết dính theo tỷ lệ tối ưu đã xác định ở trên và khảo sát hàm lượng hạt sợi phế thải 0,5 - 5,0%.

    - Khảo sát hàm lượng phụ gia liên diện: Cố định các thành phần cơ bản đã nghiên cứu và thay đổi hàm lượng phụ gia liên diện từ 0,5 - 5,0%.

    Nhóm thí nghiệm 2: Nghiên cứu ảnh hưởng của đường kính, chiều dài sợi đến chất lượng bê tông cốt sợi nhựa.

    - Khảo sát đường kính sợi trong bê tông cốt sợi nhựa: Tỷ lệ sợi và tỷ lệ nước/chất kết dính cố định theo các nghiên cứu trên, đường kính sợi thay đổi 0,02 - 0,05 mm.

    - Khảo sát chiều dài sợi trong bê tông cốt sợi: Hàm lượng sợi theo thể tích, tỷ lệ nước/xi măng và đường kính sợi được cố định theo các nghiên cứu trên, chiều dài sợi khảo sát trong khoảng 2 - 12 mm.

    3. Kết quả và bàn luận

    ​3.1. Nghiên cứu tỷ lệ thành phần tối ưu của nước/chất kết dính, sợi nhựa PA phế thải, phụ gia liên diện lên tính chất và chất lượng bê tông cốt sợi

    3.1.1. Khảo sát tỷ lệ nước/chất kết dính:

    Tiến hành 10 thí nghiệm với tỷ lệ nước/chất kết dính thay đổi từ 0,20 - 0,38% (cố định hàm lượng nhựa PA 3%; chiều dài sợi nhựa PA < 6 mm; đường kính sợi nhựa 0,03 mm). Mỗi thí nghiệm tạo 3 mẫu bê tông cốt sợi để đo tính năng cơ lý: Độ bền nén (Mpa); độ bền uốn (Mpa); độ hút nước (%). Kết quả đo đạc được trình bày tại Hình 1.

    Với tỷ lệ nước/chất kết dính < 0.28, bê tông cốt sợi có độ bền cơ lý đáp ứng yêu cầu kỹ thuật sử dụng, mặc dù khi tỷ lệ này tăng thì tính năng cơ lý cũng giảm theo. Tuy nhiên, khi tỷ lệ này > 0.28, tính công tác (độ chảy lan) quá lớn, ảnh hưởng đến thi công và sự thất thoát xi măng trong bê tông.

    Độ bền uốn giảm khi tỷ lệ nước/chất kết dính tăng nhưng không đáng kể đối với tỷ lệ < 0.28. Ngược lại, khi tỷ lệ > 0.28, độ bền uốn giảm khá nhanh.

    Độ hút nước của bê tông hầu như không thay đổi và dao động quanh mức 0,40 - 0,45%.

    3.1.2. Khảo sát hàm lượng sợi:

    Tiến hành 10 thí nghiệm với hàm lượng sợi nhựa PA thay đổi từ 0,5 - 5,0%. Mỗi thí nghiệm tạo 3 mẫu bê tông sợi để đo tính năng cơ lý: Độ bền nén (Mpa); độ bền uốn (Mpa); độ hút nước (%). Kết quả đo đạc được trình bày tại Hình 2.

Hình 1. Kết quả khảo sát tỷ lệ nước/chất kết dính

Hình 2. Kết quả khảo sát hàm lượng sợi

    Khi hàm lượng sợi tăng từ 0,5 - 5,0% diễn biến tính chất cơ lý của bê tông sợi có nhiều thay đổi mà không phải tăng hoặc giảm tuyến tính.

    Đối với hàm lượng sợi < 2%, độ bền nén gần như không thay đổi nhiều và có giá trị trung bình khoảng 19,0 - 19,5 Mpa (tương đương với bê tông Mac 200). Trong khi đó, độ bền uốn tăng từ khoảng 2,5 Mpa - 3,5 Mpa. Nguyên nhân là do các sợi nhựa phế thải hỗ trợ thêm như một phần cốt chịu lực trong vật liệu composite. Mặc dù vậy, với hàm lượng sợi > 2% thì độ bền nén giảm nhanh.

    Trong quá trình thử nghiệm hàm lượng sợi nhận thấy, độ hút nước có giảm nhưng không đáng kể (từ 0,45% xuống còn 0,40%), ứng với hàm lượng sợi từ 0,5% - 5,0%. Nguyên nhân do sự có mặt của sợi (sau khi đã thấm no nước từ hỗn hợp bê tông và không còn khả năng hút nước) sẽ chiếm 1 phần thể tích của bê tông, mà bê tông có độ hút nước cao hơn nhiều lần so với sợi nhựa phế thải.

    3.1.3. Khảo sát hàm lượng phụ gia liên diện cho bê tông sợi:

    Tiến hành 10 thí nghiệm với tỷ lệ phụ gia liên diện thay đổi từ 0,5 - 5,0% (cố định hàm lượng sợi nhựa PA 3,0%; kích thước sợi nhựa PA < 6 mm; tỷ lệ nước/chất kết dính là 0.28). Mỗi thí nghiệm tạo 3 mẫu bê tông cốt sợi để đo tính năng cơ lý: Độ bền nén (Mpa); độ bền uốn (Mpa); độ hút nước (%). Kết quả đo đạc được trình bày tại Hình 3.

    Qua kết quả thử nghiệm cho thấy, với hàm lượng phụ gia liên diện tăng từ 0,5 - 2,0 % thì tính chất cơ lý (cả độ bền nén và độ bền uốn) tăng đáng kể. Độ bền nén tăng từ 11,5 Mpa - 19,5 Mpa (70%); độ bền uốn tăng từ 2,1 Mpa - 3,5 Mpa (67%). Nguyên nhân là do phụ gia liên diện giúp tạo bề mặt liên diện trên sợi nhựa phế thải và làm cho tính tương hợp, gắn kết với bê tông tốt hơn.

    Tuy nhiên, với hàm lượng phụ gia liên diện > 2% tính chất cơ lý của bê tông sợi gần như không thay đổi nhiều. Giải thích cho hiện tượng này là do bề mặt sợi đã thấm điều phụ gia liên diện, đạt đến bão hòa, khi đó, hàm lượng phụ gia liên diện tăng vẫn không giúp cho sợi và bê tông liên kết tốt hơn.

    3.2. Nghiên cứu ảnh hưởng của đường kính, chiều dài sợi nhựa tới chất lượng bê tông sợi nhựa

    3.2.1. Ảnh hưởng của đường kính sợi tái chế:

    Tiến hành 4 thí nghiệm với đường kính sợi nhựa PA thay đổi từ 0,02 - 0,05 mm (cố định hàm lượng sợi nhựa PA là 3,0%; tỷ lệ nước/chất kết dính là 0.28; tỷ lệ phụ gia liên diện 2%). Mỗi thí nghiệm tạo 3 mẫu bê tông cốt sợi để đo tính năng cơ lý: Độ bền nén (Mpa); độ bền uốn (Mpa); độ hút nước (%). Kết quả đo đạc được trình bày tại Hình 4.

Hình 3. Kết quả khảo sát hàm lượng chất phụ gia liên diện đến tính chất bê tông

  Hình 4. Kết quả khảo sát ảnh hưởng của đường kính sợi

    Kết quả khảo sát cho thấy, khi đường kính sợi nhựa PA phế thải tăng từ 0,02 - 0,05 mm, độ bền nén của bê tông cốt sợi giảm, độ bền uốn tăng. Tuy nhiên, khi đường kính sợi nhựa tăng > 0,03 mm, độ bền nén giảm nhanh hơn, trong khi độ bền uốn tăng đều. Như vậy, đường kính sợi nhựa tối ưu là 0,03 mm.

    3.2.2. Ảnh hưởng của chiều dài sợi tái chế:

    Tiến hành 6 thí nghiệm với chiều dài sợi nhựa PA thay đổi từ 2 - 12 mm (cố định hàm lượng sợi nhựa PA là 3,0%; tỷ lệ nước/chất kết dính là 0.28; tỷ lệ phụ gia liên diện 2 %; đường kính sợi 0,03 mm). Mỗi thí nghiệm tạo 3 mẫu bê tông nhẹ để đo tính năng cơ lý: Độ bền nén (Mpa); độ bền uốn (Mpa); độ hút nước (%). Kết quả đo đạc được trình bày tại Hình 5.

 

Hình 5. Kết quả khảo sát ảnh hưởng của chiều dài sợi đến tính chất bê tông

    Kết quả khảo sát cho thấy, khi chiều dài sợi > 6 mm, độ bền nén giảm nhanh, độ bền uốn tăng không đáng kể. Như vậy, chiều dài tối ưu đối với sợi nhựa là 6 mm.

    4. Kết luận

    Bài báo đã trình bày kết quả nghiên cứu mới về các yếu tố ảnh hưởng (hàm lượng nhựa phế thải PA; tỷ lệ nước/chất kết dính; tỷ lệ phụ gia liên diện; đặc tính nhựa PA (đường kính, chiều dài sợi)) đến tính năng cơ lý của bê tông cốt sợi PA. Cụ thể như sau :

    - Ảnh hưởng của tỷ lệ nước/chất kết dính: Với tỷ lệ nước/chất kết dính < 0.28, bê tông cốt sợi có độ bền cơ lý đáp ứng yêu cầu kỹ thuật sử dụng, mặc dù khi tỷ lệ này tăng thì tính năng cơ lý giảm theo. Độ bền uốn giảm khi tỷ lệ nước/chất kết dính tăng nhưng không đáng kể đối với tỷ lệ < 0.28. Ngược lại, với tỷ lệ > 0.28, độ bền uốn giảm khá nhanh.

    - Ảnh hưởng của hàm lượng sợi: Đối với hàm lượng sợi < 2% thì độ bền nén gần như không thay đổi nhiều và có giá trị trung bình khoảng 19,0 - 19,5 Mpa (tương đương với bê tông Mac 200). Trong khi đó, độ bền uốn tăng từ khoảng 2,5 Mpa - 3,5 Mpa. Độ hút nước giảm từ 0,45% xuống còn 0,40%, ứng với hàm lượng sợi từ 0,5% - 5,0%.

    - Ảnh hưởng của chất phụ gia liên diện: Hàm lượng phụ gia liên diện tăng từ 0,5 - 2,0% thì tính chất cơ lý (cả độ bền nén và độ bền uốn) tăng đáng kể. Khi hàm lượng phụ gia liên diện > 2,0%, tính chất cơ lý của bê tông sợi gần như không thay đổi nhiều.

    - Ảnh hưởng của đường kính sợi nhựa: Khi đường kính sợi nhựa PA phế thải tăng từ 0,02 lên 0,05 mm, độ bền nén của bê tông cốt sợi giảm, độ bền uốn tăng. Khi đường kính sợi nhựa tăng > 0,03 mm, độ bền nén giảm nhanh hơn, trong khi độ bền uốn tăng đều. Khi chiều dài sợi > 6 mm, độ bền nén giảm nhanh, độ bền uốn tăng không đáng kể.

    Như vậy, có thể xác định được điều kiện tối ưu khi phối trộn sợi nhựa PA phế thải để sản xuất bê tông cốt sợi như sau: Tỷ lệ nước/chất kết dính là 0.28; hàm lượng sợi nhựa PA là 3.0%; tỷ lệ chất liên diện là 2%; đường kính sợi nhựa phế thải là 0,03 mm; chiều dài sợi nhựa là 6 mm.

    Lời cảm ơn: Các tác giả bài báo xin chân thành cảm ơn Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai đã tài trợ kinh phí thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xử lý rác thải nhựa làm nguyên liệu phối trộn bê tông trong xây dựng thân thiện với môi trường”. Bài báo này là một phần kết quả nghiên cứu của Đề tài nêu trên.

1Phùng Anh Đức, 1Vũ Thành Nam, 1Võ Hồng Phong, 1Phạm Minh Sơn, 1Phùng Chí Sỹ

 2Nguyễn Đình Chinh, 2Trần Phương Chiến, 2Nguyễn Văn Dũng

1Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC)

2Viện Nhiệt đới môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt IV/2022)

RESEARCH FACTORS AFFECTING THE QUALITY AND PHYSICO-MECHANICAL PROPERTIES OF FIBER REINFORCED CONCRETE FROM WASTE PLASTIC

1Phung Anh Duc, 1Vu Thanh Nam, 1Vo Hong Phong, 1Pham Minh Son, 1Phung Chi Sy

  2Nguyen Dinh Chinh, 2Tran Phuong Chien, 2Nguyen Van Dung

1Environmental Technology Center (ENTEC)

2Institute of Tropicalization and Environment

    Abstract

    This paper presents the survey results of influencing factors (content of waste PA plastic, ratio of water/binder, ratio of cross-linked additives, properties of PA plastic (density, size)) on the physico-mechanical properties of PA fiber reinforced concrete. Research results show that with the ratio of water/binder < 0.28 fiber reinforced concrete has the physico-mechanical strength to meet the technical requirements for use, when this ratio is > 0.28 workability (flowability) is too large, that affects the construction and the loss of cement in the concrete. The flexural strength decreased as the water/binder ratio increased but it was not significant for the ratio < 0.28. In contrast to the ratio > 0.28, the flexural strength decreased quite quickly. For the fiber content < 2%, the compressive strength is almost unchanged, the content is higher than 2%, the compressive strength decreases rapidly. When the content of cross-linked additives increases from 0,5 to 2,0%, the physico-mechanical properties (both compressive strength and flexural strength) increase significantly. When the cross-linked additive content > 2,0%, the physico-mechanical properties of fiber concrete are almost unchanged. When the diameter of waste PA plastic fiber increased from 0,02 to 0,05 mm, the compressive strength of fiber reinforced concrete decreased and the flexural strength increased. However, when the diameter of plastic fiber increases > 0,03 mm, the compressive strength decreases faster, while the flexural strength increases steadily. When the fiber length > 6 mm, the compressive strength decreased rapidly, the flexural strength increased insignificantly.Thus, the optimal conditions can be determined when mixing waste PA plastic fibers to produce fiber-reinforced concrete as follows: The ratio of water/binder is 0.28, the PA fiber content is 3.0%, the ratio of the cross-linked additive is 2%, the diameter of the waste plastic fiber is 0,03 mm, the length of the plastic fiber is 6 mm.

    Keywords: Lightweight concrete, PA plastic fiber, physico-mechanical properties.

    Tài liệu tham khảo

    [1]. Hadj Mostefa Adda, Merdaci Slimane (2019). Study of Concretes Reinforced by Plastic Fibers Based on Local Materials, International Journal of Engineering Research in Africa, ISSN: 1663 - 4144, Vol. 42, pp 100 - 108.

    [2]. Baldenebro-Lopez, F.J., Castorena-Gonzalez, J.H., Velazquez-Dimas, J.I., Ledezma-Sillas, J.E., Gómez-Esparza, C.D., Martinez-Sanchez, R., Herrera-Ramirez,J.M.. “Influence of continuous plastic fibers reinforcement arrangement in concrete strengthened”, IOSR Journal of Engineering (IOSRJEN), Vol.04(04), PP 15 - 23,2014.

    [3]. Fraternali et al. “Experimental study of thermo-mechanical properties of recycled PET fiber- reinforced concrete”, Composites Structures. pp. 2368 - 2374, 2011.

    [4]. Foti D.“ Preliminary analysis of concrete reinforced with waste bottles PET fibers. ”Construction and Building Materials. pp. 1906 - 1915,2011.

    [5]. Kshiteesh.G., yotsana, J. “Use of Plastic as Partial Replacement of Fine Aggregate in Fibre Reinforced Concrete”.IOSR Journal of Mechanical and Civil Engineering,71 - 74,2017.

    [6]. Manhal,.A.J. and Farah P. “Strength and Behavior of Concrete Contains Waste Plastic”, Journal of Ecosystem & Ecography, 6(02), pp2-4,2016.

[7]. Nguyễn Văn Chánh và Trần Văn Miền. Nghiên cứu chế tạo bêtông cốt sợi trên nền vật liệu xây dựng địa phương. Khoa kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.

[8]. Nguyễn Tiến Bình (2005). Nghiên cứu chế tạo bê tông cốt sợi siêu mảnh Polypropylene dung cho sửa chữa công trình trong điều kiện khí hậu nóng ẩm Việt Nam. Viện Khoa học công nghệ xây dựng.

[9]. Trần Việt Hưng, Lê Quỳnh Nga (2018). Nghiên cứu đặc tính co ngót của bê tông cốt sợi polypropylen Fortaferro. Trường Đại học Giao thông vận tải.

Ý kiến của bạn