Banner trang chủ

Hợp tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế biển đảo

17/05/2025

    Ngày 17/5/2025 tại Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tổ chức Hội thảo “Hợp tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế biển đảo” và tổng kết Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Quốc phòng; Bộ Tài chính; Bộ Ngoại giao; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc địa bàn Dự án; Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương, địa phương.

 Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam phát biểu tại khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng: Hội nghị là dịp để chia sẻ tầm nhìn, nguồn lực, sáng kiến và trách nhiệm nhằm xây dựng một mạng lưới liên kết hiệu quả giữa các địa phương ven biển và các huyện đảo, từ đó hình thành một hệ sinh thái phát triển bền vững, dựa trên nền tảng “kinh tế xanh – môi trường sạch – quốc phòng vững mạnh”. Trong đó tập trung thảo luận các nội dung thiết thực như: Xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh phù hợp với điều kiện từng đảo; Tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là kiểm soát và giảm thiểu rác thải nhựa, bảo tồn hệ sinh thái biển; Thiết lập cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và nguồn lực giữa các đảo, giữa đảo với đất liền để tạo thành chuỗi giá trị biển hiệu quả. Quan trọng nhất, là các chính sách nhằm cải thiện đời sống người dân trên đảo, bảo đảm sinh kế bền vững, đồng thời giữ vững chủ quyền và an ninh vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Định hướng phát triển bền vững kinh tế huyện đảo, gắn với bảo vệ quốc phòng, an ninh, môi trường

    Báo cáo tại Hội thảo, ông Lại Đức Ngân, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Kiểm soát tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, trong tổng số 12 huyện đảo, nhiều đảo như Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Phú Quý, và Trường Sa không chỉ là điểm tựa chiến lược về quốc phòng, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo và duy trì an ninh trật tự khu vực. Đồng thời, các huyện đảo còn là nơi phát triển các ngành kinh tế biển như đánh bắt hải sản, du lịch sinh thái, và nghiên cứu khoa học, bảo vệ và bảo tồn các hệ sinh thái biển. Hiện nay, các khu vực huyện đảo, thành phố đảo đang đối mặt với vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, suy giảm các hệ sinh thái biển dưới tác động của các hoạt động kinh tế - xã hội và các hiện tượng liên quan đến biến đổi khí hậu. Rác thải nhựa, ô nhiễm từ du lịch và nuôi trồng thủy sản làm suy giảm chất lượng hệ sinh thái biển; nước biển dâng, xâm nhập mặn và bão lũ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân và cơ sở hạ tầng huyện đảo. Những điều đó đặt ra các thách thức trong việc quản lý, kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường tại các huyện đảo.

    Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020, trong đó định hướng tập trung xây dựng nhanh hệ thống kế cấu hạ tầng trên các đảo, như giao thông, cấp điện, cấp - thoát nước, hạ tầng thông tin - truyền thông; coi đây là khâu đột phá chính để thu hút đầu tư và khuyến khích dân ra định cư lâu dài trên các đảo, vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển đảo; tập trung phát triển một số ngành chủ lực, có lợi thế. 

    Bên cạnh đó, thực hiện quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 và các quy định có liên quan; các địa phương có huyện đảo, thành phố đảo đã tiến hành thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tại một số huyện đảo; lập hồ sơ tài nguyên hải đảo. Một số địa phương đã hoàn thành công tác lập hồ sơ quản lý tài nguyên đảo cho các huyện đảo như Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng); ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã điều tra, đánh giá tổng thể được 10 đảo/cụm đảo gồm: Cô Tô - Vĩnh Thực, Vân Đồn, Bạch Long Vỹ, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Phú Quý, Côn Đảo, Hòn Khoai, Thổ Chu, Quần đảo Trường Sa, theo đó, đã điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về kết quả điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường và tai biến thiên nhiên; điều tra, đánh giá và định hướng khai thác sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường của các đảo, cụm đảo này.

    Ngoài ra, theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2025, trong các nguyên tắc tổ chức sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã đã có nêu “Chuyển các huyện đảo, thành phố đảo hiện nay thành đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi là đặc khu. Theo đó, hình thành 11 đặc khu thuộc tỉnh từ 11 huyện đảo (11 huyện đảo, gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo). Riêng đối với thành phố Phú Quốc tỉnh Kiên Giang, cấp có thẩm quyền đã đồng ý chủ trương tách xã Thổ Châu thuộc thành phố Phú Quốc để thành lập 01 huyện riêng, theo đó nghiên cứu thành lập 02 đặc khu: Phú Quốc và Thổ Châu”. Như vậy, có thể thấy sẽ hình thành 13 đặc khu đảo trên toàn cả nước sau khi được sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp; đấy là cơ sở để các huyện đảo, thành phố đảo tiếp tục đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế gắn liền với các mục tiêu bảo vệ quốc phòng, an ninh, môi trường.

    Tuy nhiên hiện nay, các khu vực huyện đảo, thành phố đảo đang đối mặt với vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, suy giảm các hệ sinh thái biển dưới tác động của các hoạt động kinh tế - xã hội và các hiện tượng liên quan đến biến đổi khí hậu. Rác thải nhựa, ô nhiễm từ du lịch và nuôi trồng thủy sản làm suy giảm chất lượng hệ sinh thái biển; nước biển dâng, xâm nhập mặn và bão lũ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân và cơ sở hạ tầng huyện đảo. Những điều đó đặt ra các thách thức trong việc quản lý, kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường tại các huyện đảo.

Cam kết hành động vì tương lai của các vùng biển đảo

    Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 139/QH15 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa 15 về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra những định hướng chiến lược, nhấn mạnh vai trò then chốt của các đảo trong mở rộng không gian phát triển quốc gia theo hướng biển. Đây chính là cơ sở quan trọng để chúng ta thúc đẩy phát triển kinh tế đảo một cách bài bản, có tầm nhìn, gắn với bảo tồn giá trị thiên nhiên và tăng cường tiềm lực QP-AN. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận thực tế rằng trong thời gian qua, sự thiếu gắn kết giữa phát triển đất liền với các đảo, giữa các đảo với nhau đã khiến tiềm năng to lớn của các đảo chưa được phát huy đúng mức. Bên cạnh đó, các thách thức đến từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển, khai thác tài nguyên thiếu bền vững, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương đang từng ngày đe dọa sự sống và tương lai của các vùng biển đảo. Nếu không kịp thời hành động, chúng ta có nguy cơ đánh mất những giá trị quý giá từ thiên nhiên kỳ vĩ, hệ sinh thái độc đáo cho đến các giá trị văn hóa - lịch sử đặc sắc đã hun đúc nên hồn cốt dân tộc trên các đảo suốt bao thế hệ.

Ông Thibault Ledecq - Cố vấn trưởng Bảo Tồn, WWF Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

    Theo ông Thibault Ledecq - Cố vấn trưởng Bảo tồn, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam): Hệ sinh thái biển của Việt Nam bao gồm các rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn, được ví như “hệ thống phòng vệ tự nhiên” ven biển. Rạn san hô với hơn 400 loài, từng phát triển mạnh tại các vùng biển như Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo, tuy nhiên đang có dấu hiệu suy giảm cả về diện tích lẫn chất lượng. Những hệ sinh thái này không chỉ đóng vai trò sinh học, mà còn giúp hấp thụ carbon, bảo vệ bờ biển trước nước biển dâng và hỗ trợ sinh kế cho hàng triệu người dân ven biển. Tuy nhiên, đi cùng với tiềm năng là những thách thức ngày một gia tăng. Áp lực từ phát triển kinh tế thiếu bền vững, khai thác quá mức, ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương và tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu đã và đang làm suy giảm nghiêm trọng các hệ sinh thái biển. Ước tính, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 3,1 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó một phần trôi nổi ngoài đại dương, khiến Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia có lượng rác nhựa thải ra biển lớn nhất thế giới (theo IUCN 2022). Những thách thức này đặt ra yêu cầu cấp bách về hành động tập thể, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng khoa học, doanh nghiệp đến chính các cộng đồng dân cư ven biển.

    WWF cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng để triển khai các chương trình toàn diện: từ thiết lập các khu bảo tồn biển diện rộng có hành lang di cư cho rùa biển và thú biển, đến mô hình sinh kế gắn với nghề cá có trách nhiệm, tăng cường quản lý rác thải nhựa, và bảo tồn các hệ sinh thái hấp thụ carbon như rừng ngập mặn và thảm cỏ biển góp phần vào cam kết trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và ông Nguyễn Văn Đa, Giám đốc Sở NN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì phiên thảo luận

    Cũng tại Hội thảo, nhiều mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường đến từ các chuyên gia, nhà khoa học; kinh nghiệm từ các huyện đảo được chia sẻ như: Kinh nghiệm bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xanh tại huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị); bảo tồn lịch sử, gìn giữ thiên nhiên và phát triển kinh tế xanh tại Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); Phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tại huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng); Xử lý rác thải sinh hoạt tại huyện Phú Quý (Bình Thuận)…

    Thông qua Hội thảo này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cam kết sẽ đồng hành cùng các địa phương, các tổ chức quốc tế và cộng đồng để hiện thực hóa những mục tiêu nêu trên, góp phần xây dựng hệ thống đảo Việt Nam phát triển bền vững, hiện đại, giàu bản sắc và hội nhập mạnh mẽ.

Phạm Đình

 
Ý kiến của bạn