Banner trang chủ

Đánh giá vai trò và tiềm năng các hệ thống sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam

19/05/2025

    Ngày 19/5/2025, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường phối hợp với Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức Hội thảo “Đánh giá vai trò và tiềm năng các hệ thống sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính (KNK) ở Việt Nam”. Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường Trần Công Thắng tham dự và chủ trì Hội thảo.

    Hội thảo còn có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành, đại diện các cơ quan Chính phủ, các bên liên quan trong ngành lúa gạo, hợp tác xã nông dân và đối tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

    Lúa gạo là một trong những ngành hàng chủ lực quốc gia của Việt Nam và giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực Nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung, ngoài đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, cũng như đóng góp cho an ninh lương thực khu vực và quốc tế, lúa gạo còn là ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm kê khí mê tan năm 2020 của Cục Biến đổi khí hậu, canh tác lúa gây ra phát thải khí mê tan chiếm 40% phát thải khí mê tan quốc gia và 66,4% lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và các hình thức sử dụng đất khác (AFOLU). Vì vậy, canh tác lúa có vị trí quan trọng trong chiến lược giảm phát thải KNK, đặc biệt là khí mê tan đảm bảo cho lộ trình thực hiện cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); cam kết cắt giảm 30% khí mê tan vào năm 2030 so với lượng phát thải khí mê tan 2020 và cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường Trần Công Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Trần Công Thắng nhấn mạnh, trong thời gian qua, Việt Nam đang đẩy mạnh các nỗ lực giảm phát thải KNK trong lĩnh vực nông nghiệp với trọng tâm là phát triển hệ thống sản xuất lúa bền vững, phát thải thấp. Đây là một phần quan trọng trong thực hiện các biện pháp giảm phát thải KNK trong nông nghiệp. Các chương trình, dự án cụ thể như Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VNSAT)”, Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Đồng thời, Viện trưởng Trần Công Thắng hy vọng, thông qua Hội thảo sẽ giúp các đại biểu nắm bắt được thực trạng và tiềm năng giảm phát thải KNK từ hệ thống sản xuất lúa ở Việt Nam; một số dự án do Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đang triển khai tại Việt Nam liên quan đến giảm phát thải KNK. 

    Theo TS. Jongsoo Shin, Giám đốc khu vực châu Á của Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực toàn cầu. Việt Nam có tiềm năng lớn trong vai trò dẫn đầu chuyển đổi xanh cho ngành lúa gạo. Dự án mới này sẽ giúp xác định các cơ chế chính sách và thể chế hiệu quả, mang lại lợi ích kép trong việc giảm phát thải các-bon, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao sinh kế cho nông dân.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận chuyên đề của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và biến đổi khí hậu như: Thực trạng và tiềm năng giảm phát thải từ ngành lúa Việt Nam trong khuôn khổ NDC; Cơ hội và thách thức trong phát triển hệ thống sản xuất lúa phát thải thấp tại Việt Nam; Ra mắt nghiên cứu “Tận dụng sức mạnh tổng hợp cho hệ thống sản xuất lúa phát thải thấp tại Việt Nam”; Giới thiệu Chương trình Hành động vì khí hậu ASEAN - EU – Cộng hòa Liên bang Đức (CAP); Kết quả khảo sát và thử nghiệm: Kiến thức và mức độ áp dụng các thực hành sản xuất lúa phát thải thấp tại Việt Nam.    

    Đồng thời, các đại biểu tại Hội thảo cũng đã thảo luận, trao đổi về những thách thức và cơ hội trong phát triển hệ thống sản xuất lúa phát thải thấp tại Việt Nam; Các chương trình đang hỗ trợ sản xuất lúa bền vững; Vai trò của đối tác công - tư trong việc thúc đẩy giảm phát thải các-bon và thích ứng với biến đổi khí hậu trong hệ thống sản xuất lúa; Đóng góp của các dự án vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm phát thải KNK và phát triển hệ thống sản xuất lúa phát thải thấp của Việt Nam.

Hồng Nhung

Ý kiến của bạn