Banner trang chủ

Hành trình 5 năm chung tay giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương

18/05/2025

    Ngày 18/5/2025, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Tổ chức WWF-Việt Nam tổ chức tổng kết Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” giai đoạn 2020 - 2025.

    Nhiều mô hình sáng tạo, hướng đến kinh tế tuần hoàn

    Trong bối cảnh ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với môi trường biển toàn cầu, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc tham gia các nỗ lực khu vực và quốc tế nhằm giải quyết vấn đề này. Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam làm chủ dự án và phối hợp triển khai cùng Tổ chức WWF-Việt Nam từ năm 2020 đến nay. Qua 5 năm thực hiện, Dự án đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, từ việc thúc đẩy trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, tổ chức các chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi xã hội, đến triển khai các mô hình quản lý rác thải tại 10 tỉnh, thành phố và 3 khu bảo tồn biển. Những kết quả này không chỉ đóng góp thiết thực cho nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhưa đại dương đến năm 2023 theo quyết định 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Tổng kết Dự án

    Theo bà Nguyễn Mỹ Hằng, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Phó Giám đốc ban QLDA, thông qua 03 chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được tổ chức thực hiện ở cấp quốc gia nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề rác nhựa tăng rõ rệt. Số người tiêu dùng được hỏi có hành vi tránh sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tăng 10,3%. Theo đó, 114 trường học tại các địa điểm Dự án triển khai tài liệu chương trình giáo dục ngoại khóa về giảm rác thải nhựa cho học sinh. Nội dung bài giảng và học liệu liên quan về rác thải nhựa đại dương đã được xây dựng và đưa vào giảng dạy chính thức trong 05 chương trình đào tạo cấp Cử nhân tại trường ĐH Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, và trường ĐH Khoa học, ĐH Huế.

Ông Văn Ngọc Thịnh, Tổng giám đốc WWF-Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao kết quả Dự án mang lại

    Bên cạnh đó, nhiều kết quả nghiên cứu của Dự án được sử dụng trong nội dung các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện quản lý chất thải nhựa, EPR và kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022. Dự án đã hoàn thành 34 chương trình nghiên cứu/khảo sát đã được triển khai; 15 ấn phẩm đã được phát hành với các thông tin tổng hợp/khuyến nghị quản lý hiệu quả chất thải nhựa và bao bì… Hoàn thành 02 nghiên cứu về “Báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022”, dựa trên mô hình DPSIR (Động lực - Áp lực - Hiện trạng - Tác động - Đáp ứng); Nghiên cứu “Xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn đánh giá và nhận diện các doanh nghiệp thương mại điện tử xanh, mô hình thương mại điện tử bền vững, không bao bì nhựa khó phân hủy”.

    Đối với đô thị giảm nhựa, có 9 địa phương đã ký cam kết và ban hành KHHĐ trở thành Đô thị Giảm nhựa - đến 2025 giảm 30% rác nhựa thất thoát ra môi trường so với năm địa phương thực hiện đánh giá ban đầu. Trong số đó, 08 thành phố/quận (huyện) tham gia Dự án đã triển khai các hoạt động quản lý rác thải nhựa, tập trung vào các giải pháp giảm phát thải rác nhựa một lần, phân loại rác tại nguồn, tăng cường hiệu quả thu gom và xử lý vào năm 2025. Mỗi địa phương đều có ít nhất 03 giải pháp chính bền vững, khả thi để nhân rộng hoặc mở rộng quy mô. Đến tháng 12/2024, 15.423 hộ gia đình được đào tạo về phân loại rác.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam trao quà lưu niệm cho bà Marianne Henkel,

Giám đốc Chương trình Châu Á của  WWF-Đức và ông Hoàng Xuân Huy, Giám đốc Đối ngoại, WWF-Việt Nam

    Riêng tại Côn Đảo, giảm 96,7% lượng RTN thất thoát ra môi trường so với khảo sát cơ sở vào năm 2020. Hơn 176 tấn RTN được thu gom, trong đó đã loại bỏ 151,8 tấn rác nhựa đại dương tồn đọng trên các hệ sinh thái biển (rạn san hô, bãi biển). Lắp đặt 15 mô hình “Ngôi nhà Xanh” tại 10 khu dân cư và 5 điểm tham quan. 6/6 trường học trên địa bàn huyện áp dụng mô hình “Trường học Giảm nhựa” với 1.800 học sinh được nâng cao nhận thức, thực hành phân loại rác và giảm nhựa, góp phần cắt giảm từ 30-70% lượng rác nhựa phát sinh trong trường học. Hơn 50 tấn rác hữu cơ được thu gom, tái chế và tuần hoàn nhờ vào mô hình xử lý rác hữu cơ (từ chợ, nhà hàng và hộ gia đình). Quy định không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần tại các điểm tham quan di tích, du lịch. Đến tháng 12/2024, có hơn 31.000 “Giỏ lễ Xanh” được áp dụng tại điểm tham quan di tích, góp phần loại bỏ hoàn toàn rác thải là vàng mã và cắt giảm 7,7 tấn mút xốp. 145 cơ sở kinh doanh ký cam kết giảm nhựa dùng 1 lần, 10 đơn vị tham gia thí điểm thực hành “Sổ tay Hướng dẫn giảm nhựa và quản lý rác thải hướng đến kinh tế tuần hoàn” tại Côn Đảo.

    Tăng cường sự kết nối, hành động trong hành trình giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

    Bà Marianne Henkel, đại diện Chương trình Châu Á (WWF- Đức) khẳng định quan hệ đối tác giữa Việt Nam và WWF thông qua dự án này là một ví dụ điển hình về thành công có thể đạt được từ sự hợp tác hiệu quả giữa các tổ chức phi Chính phủ và Chính phủ trong nỗ lực bảo tồn các hệ sinh thái biển và thúc đẩy phát triển bền vững. WWF-Đức thực sự tự hào khi đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, một thách thức không chỉ ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương mà còn là vấn đề của cả thế giới. Qua đây, WWF Đức cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ Việt Nam bảo vệ các hệ sinh thái biển và thúc đẩy nền kinh tế biển xanh bền vững.

Bà Marianne Henkel - Giám đốc Chương trình Châu Á của  WWF-Đức trao quà lưu niệm cho ông Nguyễn Hồng Hải,

Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo

    Ông Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam đánh giá, trong hơn 30 năm qua, WWF đã trở thành một trong những tổ chức đi đầu trong công tác bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, với sứ mệnh thúc đẩy một tương lai mà con người và thiên nhiên có thể chung sống hài hòa. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đồng hành cùng các đối tác để mở rộng các mô hình thành công, cũng như tăng cường sự kết nối của Việt Nam trong các mạng lưới khu vực và toàn cầu.

    Chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm và bài học triển khai Dự án tại tỉnh Phú Yên, bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thực hiện các mô hình thí điểm về phân loại rác, xử lý rác sau phân loại phù hợp với từng đối tượng và quy mô, là cơ sở thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Phú Yên về triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Dự án cũng đã triển khai xóa các điểm nóng về rác thải trên địa bàn tỉnh liên tục từ năm 2021-2025, thu hàng trăm nghìn tấn rác, góp phần giảm thất thoát rác thải nhựa ra môi trường. Trong quá trình triển khai, dự án Giảm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Yên còn thực hiện các mô hình chống thất thoát rác thải nhựa từ hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Các mô hình được thực hiện từ năm 2023-2024, đã đặt nền móng ban đầu và có nhiều kết quả khả quan, địa phương đang tiếp tục duy trì và nhân rộng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo trao tặng hộ chiếu các VQG Việt Nam cho 7 đại biểu tham dự Hội nghị

    Ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo chia sẻ hành trình giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ năm 2020 - 2024, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng và hiệu quả như: Khóa học kỹ năng kể chuyển bằng Video; Tập huấn phần mềm SMART phục vụ  giám sát rác thải đại dương tại bãi biển, rạn san hô; Kết hợp tuần tra rừng, ghi nhận vi phạm xâm hại tài nguyên thiên nhiên. Xây dựng mô hình Trạm kiểm lâm Vườn Quốc gia giảm thiểu sử dụng nhựa 1 lần; Lắp đặt thùng rác than thiện với môi trường tại Trạm bảo vệ rừng. Lắp đặt camera giám sát ghe, thuyền xả thải sai quy định; áp dụng chế tài tại 5 đảo thuộc Khu bảo tồn biển Cô Đảo.

    Huy động tình nguyện viên địa phương đồng hành giám sát rác thải biển tại Vườn Quốc gia Côn Đảo. Theo đó, đối với việc giám sát rác nhựa biển trên bãi biển và rạn san hô từ năm 2020-2024 cho thấy, rác thải nhựa chiếm 95% về số lượng, 92% về khối lượng. Với thành phần chính là dây thừng, lưới nhỏ, phao xốp, chai nhựa, chủ yếu từ hoạt động đánh bắt thủy sản gần bờ và xa bờ….

Ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo trao tặng lưu niệm cho đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và WWF-Việt Nam

    Với vai trò chủ dự án, ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam thay mặt Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trân trọng cảm ơn những đóng góp quý báu của các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các địa phương – những người đang ngày ngày nỗ lực gìn giữ, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vùng đảo thân yêu của Tổ quốc. Theo Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn, kết quả của Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” cho thấy khi có sự đồng lòng giữa nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và cộng đồng địa phương, chúng ta hoàn toàn có thể biến các thách thức môi trường thành cơ hội phát triển. Nhưng để tạo nên những chuyển biến thực chất, rất cần hành động tiếp nối và sự cam kết lâu dài. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cam kết sẽ cùng các địa phương, tổ chức WWF và các đối tác cùng nhân dân trên đảo triển khai các mô hình kinh tế biển xanh tiêu biểu; Mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư có chọn lọc. Đồng thời, nâng cao năng lực cộng đồng cư dân đảo, để họ trở thành trung tâm của phát triển bền vững. Qua đó, để mỗi hòn đảo của Việt Nam không chỉ là pháo đài chủ quyền, mà còn là hình mẫu của phát triển hài hòa, xanh và bền vững.

Phạm Tuyên

MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT CỦA DỰ ÁN

    * Thu gom 10.631 m3 rác nhựa trong giai đoạn 2021-2024, trong đó có khoảng 3.500m3 rác nhựa đại dương (bao gồm cả các chiến dịch dọn vệ sinh bãi biển, thu gom rác trên rạn san hô).

    * 2.951 hộ gia đình được tập huấn và hướng dẫn về phân loại rác tại nguồn, trong đó hơn 60% số hộ gia đình được tập huấn đã thực hành phân loại rác và giảm nhựa tại nguồn.

    * Gần 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch được đào tạo và 178 đơn vị ký cam kết thực hành giảm nhựa trong hoạt động kinh doah giám sát rác nhựa đại dương trên bãi biển 2 lần mỗi năm, góp phần thực hiện thành công Chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa tại Việt Nam giai đoạn 2019-2023.

    * Mô hình Cơ sở phục hồi tài nguyên (MRF) tại Cù Lao Chàm góp phần xử lý rác hữu cơ từ 200 hộ gia đình (chiếm 1/3 dân số) trên đảo.

    * Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020-2030.

    * Lượng RTN thất thoát ra môi trường đến cuối năm 2023 so với mức khảo sát cơ sở năm 2020 của ba đảo theo thứ tự từ cao đến thấp lần lượt là Cù Lao Chàm (giảm 139,2%), Côn Đảo (giảm 96,7%) và Phú Quốc (giảm 21,6%).

    * Hơn 1.000 ngư dân được tuyên truyền vận động và hơn 100 tàu cá cam kết mang rác về bờ.

Ý kiến của bạn