13/03/2015
Theo thống kê của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), năm 2013, dân số Việt Nam là 90 triệu người và dự kiến năm 2015 sẽ là 9,3 triệu người. Dân số tăng nhanh, nguồn lao động trẻ dồi dào (chiếm 70% tổng dân số), là lực lượng chính ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ số phát triển kinh tế của đất nước, đồng thời là đội ngũ tiên phong trong công tác BVMT nói chung và truyền thông môi trường nói riêng. Hiện nay, các mạng lưới, câu lạc bộ, nhóm thanh niên, sinh viên hoạt động trong công tác truyền thông môi trường đã tăng lên nhanh chóng, với nhiều hoạt động thiết thực như hướng dẫn trẻ em miền núi cách ứng phó với lũ lụt, cùng dân bản xây dựng hệ thống lọc nước, thiết kế bếp nhiên liệu thay củi; Dạy trẻ em miền biển cách bảo vệ nguồn nước, trồng rừng ngập mặn, xây dựng “mảng tường xanh”... Bên cạnh đó, sáng kiến của thanh niên về các giải pháp BVMT ngày càng đa dạng, được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực và đang phát triển lên quy mô rộng hơn. Do vậy, rất cần có những cuộc thi và sự ủng hộ của các tổ chức nhà nước, doanh nghiệp, trường học… để thế hệ trẻ có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo, thực sự là những công dân tích cực trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT, góp phần đưa đất nước tiến thêm một bước trên trường quốc tế.
Lễ trao giải thưởng Cuộc thi “Tuổi trẻ với sáng kiến vì môi trường bền vững”
Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, ngày 1/8/2014, Tổng cục Môi trường phối hợp với Mạng lưới Thế hệ xanh Việt Nam tổ chức Cuộc thi “Tuổi trẻ với sáng kiến vì môi trường bền vững”. Cuộc thi là sân chơi lành mạnh, bổ ích để thanh thiếu niên Việt Nam phát triển tư duy, sáng tạo, đưa ra các ý tưởng hay, nhằm khuyến khích cộng đồng sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tiêu hao năng lượng, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên, nhiên liệu có phát sinh chất thải, gây ô nhiễm môi trường...
Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo tầng lớp thanh thiếu niên với gần 2.000 tác phẩm của 2.500 tác giả đến từ 30 tỉnh, thành phố, các câu lạc bộ, nhóm thanh niên, trong đó một lượng lớn tác phẩm đến từ các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên cả nước. Các tác phẩm dự thi phong phú và đa dạng về thể loại, tập trung vào các nội dung chính: Truyền thông, giáo dục về tác động của ô nhiễm môi trường, qua đó kêu gọi cộng đồng cùng chung tay BVMT; Thu gom, xử lý rác thải, chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất cũng như sinh hoạt; Bảo tồn đa dạng sinh học; Giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả; Giảm ô nhiễm môi trường nước, bảo vệ sinh thái biển… Sau hai tháng làm việc công tâm, khách quan, Ban Giám khảo đã lựa chọn được 20 tác giả, tác phẩm tiêu biểu để trao giải. Dự án “Hệ thống biogas từ thức ăn thừa và trồng rau sạch bằng bãi thải biogas” của tác giả Thủy Ngọc Phong và Trần Văn Tuyên (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) đã giành giải Nhất; 2 giải Nhì thuộc về Dự án “Đi và Mở - Nghệ thuật trình diễn vì cộng đồng” của Nhóm Đi và Mở; Dự án “Nhà tiêu hợp vệ sinh chi phí thấp cho người dân vùng lũ và vùng nổi Đồng bằng sông Cửu Long” của nhóm tác giả đến từ Trường ĐH Cần Thơ. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 3 giải Ba, 10 giải Khuyến khích cho các tác phẩm và 4 giải Khuyến khích cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Tuy số lượng giải thưởng ít, giá trị không cao nhưng đã thu hút sự tham gia của rất nhiều bạn trẻ, khẳng định sự quan tâm, ý thức, trách nhiệm của giới trẻ đối với môi trường. Không thụ động, không trông chờ, thay vào đó, giới trẻ đã chủ động và tích cực hành động để khẳng định vai trò, vị thế của mình trong sự nghiệp phát triển bền vững đất nước gắn với BVMT. Đó là những chia sẻ của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng tại Lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi ngày 18/12/2014.
Sau Cuộc thi, nhiều tác phẩm đã được triển khai thí điểm tại một số khu vực và đạt được những thành công nhất định như: Dự án Đi và Mở - Sáng tạo vì cộng đồng; Vở nhạc kịch đầu tiên theo phong cách Broadway “Dòng sông chảy ngược” được hội diễn tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội ngày 30/8/2014, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương; Hệ thống biogas từ thức ăn thừa và trồng rau sạch bằng bã thải biogas được áp dụng ngay tại căng tin Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và bước đầu đã có hiệu quả tích cực.
Bảo Bình
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015