04/06/2021
Ngày 27/5/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 484/KHTC-QT gửi các đơn vị trực thuộc Bộ về việc tổ chức các hoạt động của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021.
Theo đó, thực hiện Công văn số 2298/BTNMT-TTTNMT ngày 14/5/2021 của Bộ TN&MT về việc tổ chức các hoạt động của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021, Bộ Tài chính đề nghị thủ trưởng các đơn vị, hệ thống trực thuộc Bộ triển khai tổ chức một số hoạt động hưởng ứng chuỗi sự kiện quan trọng nêu trên. Cụ thể, triển khai thực hiện đồng bộ các chiến lược, đề án, nhiệm vụ và giải pháp về tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan; Quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại theo Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 8/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại... Các đơn vị tổ chức, tham gia thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ phục hồi hệ sinh thái. Đối với hệ sinh thái rừng, thực hiện các dự án trồng cây xanh; triển khai các hoạt động hỗ trợ quá trình tái sinh tự nhiên, phục hồi hệ sinh thái rừng theo phương pháp tiếp cận cảnh quan...
Đối với hệ sinh thái hồ, sông suối, thu gom rác hai bên bờ và trên mặt nước; trồng các cây bản địa xung quanh/hai bên hồ, sông suối và tạo hành lang di chuyển cho các loài động vật hoang dã; xây dựng kế hoạch tuyên truyền nhằm khai thác đúng mức và đúng cách các loài thủy sản... Đối với hệ sinh thái biển và ven biển, thu gom rác thải trong môi trường; phục hồi thảm thực vật trên mặt nước và sống trong nước; triển khai hoạt động đánh bắt hải sản bền vững...; bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen; đặc biệt là áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Công văn số số 484/KHTC-QT cũng nhấn mạnh, hiện nay, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, do đó các đơn vị cần căn cứ vào tình hình thực tế, tổ chức tuyên truyền phù hợp với quy định hiện hành về phòng, chống dịch (sáng tạo, đổi mới cách thức thực hiện, hình thức truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin); có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng và để kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học. Các đơn vị, hệ thống thuộc Bộ có thể tổ chức các hội thảo, tọa đàm theo hình thức trực tuyến như: Tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; giới thiệu các mô hình, giải pháp phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác tuyên truyền về Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học...
Bên cạnh đó, có thể tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế như: Làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng không sử dụng túi ni lông khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa dùng một lần... Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc: không săn bắt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; không khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng nền kinh tế tuần hoàn chất thải, chống rác thải nhựa trên cạn và đại dương. Khuyến khích treo băng rôn, panô, áp phích được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp. Các cơ quan truyền thông cần tăng thời lượng đưa tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021; Giới thiệu các hoạt động nổi bật, phổ biến các mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả, đăng tải trên cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, phát hiện, biểu dương và khen thưởng những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu...
Châu Loan