Banner trang chủ

Voi Tây Nguyên: Quần thể suy giảm đe dọa sự tồn vong

11/05/2020

    Voi là loài vật gắn bó với người dân Tây Nguyên từ bao đời, được coi là một trong những biểu tượng văn hóa của vùng đất này. Trước đây Tây Nguyên là nơi có nhiều voi sinh sống, tuy nhiên do tác động của con người trong những năm gần đây, quần thể voi Tây Nguyên ngày càng suy giảm. Nếu không có những biện pháp bảo tồn quyết liệt và hữu hiệu hơn, thì có lẽ trong thời gian không xa nữa, hình ảnh đàn voi vốn thân thuộc với người Tây Nguyên sẽ chỉ còn trong tiềm thức. Với thông tin tập hợp từ báo chí, cổng thông tin bộ ngành liên quan cũng như địa phương trong 5 năm trở lại đây, cùng kết quả khảo sát của các chuyến đi thực địa và phỏng vấn chuyên gia, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã xuất bản tài liệu mang tên “Voi Tây Nguyên: Quần thể suy giảm đe dọa sự tồn vong” nhằm phân tích thực trạng bảo tồn voi ở Tây Nguyên, đồng thời đưa ra các khuyến nghị với hy vọng góp một phần cải thiện bức tranh bảo tồn voi nơi đây.

 

 

Voi giảm đáng báo động

    Khu vực Tây Nguyên gồm năm tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng với tổng diện tích tự nhiên 54.641 km2, dân số 5,8 triệu người. Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2018, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là 2.557.322 ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng đạt 46%. Tây Nguyên là một trong những vùng có tính đa dạng sinh học rất cao của Việt Nam. Khu vực này có 6 vườn quốc gia, 5 khu bảo tồn thiên nhiên, 2 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm nằm trong Sách Đỏ của thế giới và Việt Nam.

    Trong khoảng gần hơn 30 năm trở lại đây, số lượng voi Việt Nam nói chung và voi Tây Nguyên suy giảm nhanh theo từng năm. Những năm 1990, ước tính số voi hoang dã của Việt Nam còn khoảng 1.500 - 2000 cá thể (Anh, N. Q. H. và Lê Quốc Thiện, 2019). Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chỉ còn khoảng 124 đến 148 cá thể voi hoang dã, phân bố trên 8 tỉnh bao gồm Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước. Trong đó, chỉ có 3 sinh cảnh còn trên 10 cá thể voi là Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát và vùng phụ cận (tỉnh Nghệ An) còn 13 - 15 cá thể; VQG Cát Tiên, Khu BTNN và Văn hóa Đồng Nai, Công ty Lâm nghiệp TNHHMTV La Ngà (tỉnh Đồng Nai) còn 14 cá thể; và VQG Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk) còn khoảng 80 - 100 cá thể. Ở tỉnh có số lượng voi hoang dã lớn nhất cả nước là Đắk Lắk hiện có 5 quần thể: nhỏ nhất gồm 5 - 10 cá thể, lớn nhất có 32 - 36 cá thể, phân bố chủ yếu ở VQG Yok Đôn. (Bộ NN&PTNT, 2018). Về voi nuôi (voi thuần dưỡng), theo thống kê năm 2018, cả nước có 91 voi nuôi tại 11 tỉnh thành. Trong khi con số này của năm 2000 là 165 (Bộ NN&PTNT, 2013). Riêng tỉnh Đắk Lắk, nơi được coi là “thủ phủ” của voi thuần dưỡng, số voi cũng giảm mạnh. Cụ thể, trong thời gian 1979 - 1980 tỉnh Đắk Lắk có 502 con voi thuần dưỡng; năm 1990 có 299 con; năm 1997 còn 169 con và  năm 2000 chỉ còn 138 con, giảm 364 con trong vòng 20 năm (từ 1980 - 2000) (Bộ NN&PTNT, 2013). Đến năm 2018, con số voi nuôi của Đắk Lắk, giảm gần 100 cá thể so với năm 2000, chỉ còn 45.

Voi rừng mất sinh cảnh

   Theo các chuyên gia, để bảo tồn voi hoang dã, vấn đề sống còn là duy trì sinh cảnh của chúng. Thế nhưng, trong những năm qua, những cánh rừng già nguyên sinh, sinh cảnh cố hữu của voi, đã và đang bị khai thác tràn lan, ngày càng suy giảm về diện tích, suy thoái về chất lượng hoặc bị xâm lấn bởi hoạt động của con người. Theo kết quả kiểm kê rừng của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), trong bảy năm (từ năm 2008 - 2014) diện tích rừng tự nhiên tại Tây nguyên mất hơn 358.700 ha, tương đương mỗi năm mất hơn 51.200 ha rừng. Trong đó, rừng giảm 94.814 ha (chiếm 26,4%) do chuyển đổi trồng cao su, cây công nghiệp và cây ăn quả; giảm 33.706 ha (chiếm 9,39%) do chuyển đổi xây dựng thủy điện, công trình giao thông và công trình công cộng và 88.603 (chiếm 24,6%) do phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương dãy... (Trung Tân, 2015).

   Tài liệu cũng chỉ ra, nhu cầu của con người về ngà voi, lông đuôi voi làm đồ trang sức đang thúc đẩy nạn săn bắt trái phép voi để lấy ngà và các bộ phận. Các tổ chức bảo tồn lớn trên thế giới coi buôn bán ngà và các sản phẩm từ voi là nguy cơ lớn bậc nhất, đe dọa xóa sổ loài này. Một nghiên cứu xuất bản năm 2016 của tổ chức Save the Elephants nêu rõ, trong 49 cửa hàng họ khảo sát tại Buôn Ma Thuột có tới 24 cửa hàng bày bán ngà và các sản phẩm từ voi với tổng số 1965 mặt hàng có “các nhãn viết bằng tiếng Việt ghi rõ nguyên liệu cũng như giá cả”. Khảo sát tại Buôn Đôn của tổ chức này cũng cho thấy 16/23 cửa hàng đồ gỗ truyền thống có bày bán tổng số 703 món đồ lưu niệm bằng ngà hoặc được làn từ các bộ phận khác của voi, giá bán từ khoảng 200 nghìn đến 8 triệu đồng mỗi món (Vigne, U. và Martin, E., 2016). Khảo sát thị trường buôn bán bán ngà voi trái phép của Traffic năm 2017 cũng cho thấy “Các cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), Buôn Ma Thuột và Bản Đôn có số lượng mặt hàng bày bán cao nhất, một số cửa hàng bày bán hơn 150 sản phẩm ngà voi/cửa hàng. Hai khu vực (Bản Đôn và Lắk) có số lượng cửa hàng bày bán ngà voi thấp nhưng số lượng mặt hàng ngà voi bày bán cao” (Nguyen, M., Indenbaum, R. và Willemsen, M., 2018).

Chính sách đã có nhưng triển khai bảo tồn chưa hiệu quả

   Bảo tồn voi là vấn đề được Việt Nam quan tâm, thể hiện qua các chương trình, đề án, kế hoạch hành động bảo tồn voi từ rất sớm. Tuy nhiên, những nỗ lực này được đánh giá là vẫn chưa đủ để ngăn đà suy giảm của quần thể voi. Từ những năm 90, theo Quyết định số 1204/NN-LN-QĐ ngày 16/7/1996 của Bộ NN&PTNT, Chương trình hành động bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 1996  - 1998 đã được thực hiện. Theo đó, mục tiêu của chương trình là bảo tồn voi tại các vùng trọng điểm tỉnh Đắk Lắk thông qua các hoạt động như rà soát lại hệ thống rừng đặc dụng, xây dựng mới các khu bảo tồn thiên nhiên, tăng cường đầu tư, trợ giúp kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho nơi sống của voi; xây dựng, bổ sung những quy định pháp luật nhằm ngăn chặn việc săn bắt, mua bán động vật hoang dã và các sản phẩm liên quan; chỉ đạo các địa phương giải quyết cụ thể những vụ xung đột voi với người; tuyên truyền bảo tồn voi trên phương tiện thông tin đại chúng… (Bộ NN&PTNT, 2013). Nối tiếp là Kế hoạch hành động khẩn trương bảo tồn voi đến năm 2010 theo Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 16/05/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Kế hoạch này cũng thu được một số kết quả, trong đó có việc xây dựng hoàn thiện Dự án bảo tồn voi tại các tỉnh có số lượng quần thể voi lớn nhất là Đắk Lắk, Đồng Nai và Nghệ An; đồng thời thành lập Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk nhằm hỗ trợ công tác chăm sóc, hỗ trợ sinh sản cho đàn voi. (Bộ NN&PTNT, 2013).

   Tiếp đến, năm 2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 940/QĐ-TTg ngày 29/7/2012 về Phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam. Tháng 5/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020” tại Quyết định số763/ QĐ-TTg, với tổng kinh phí khái toán 278 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước và các tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ (Thủ tướng Chính phủ, 2013). Theo Bộ NN&PTNT, tính đến năm 2018, sau 3 năm thực hiện, Đề án đã đạt được một số kết quả như tình trạng săn bắn, giết hại voi giảm; số lượng cá thể voi có tín hiện phát triển tăng; xung đột voi/người cũng được hạn chế. (Bộ NN&PTNT, 2018). Ở cấp địa phương, Đắk Lắk vào cuộc khá sớm, năm 2010, UBND tỉnh phê duyệt Dự án Bảo tồn voi tại Đắk Lắk giai đoạn 2010 - 2015 với tổng kinh phí 61 tỷ đồng. Dự án được triển khai nhằm quản lý bền vững quần thể voi hoang dã, phát triển đàn voi nhà, bảo tồn bản sắc văn hoá bản địa, tuyên truyền giáo dục về môi trường sinh thái. Đến năm 2013, UBND tỉnh phê duyệt “Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020” với tổng kinh phí gần 85 tỷ đồng (thay cho Dự án trước đó).

Cần đẩy nhanh hoạt động bảo tồn voi trước khi quá muộn

    Quần thể voi ở Việt Nam, cả hoang dã và voi nhà đều đang đối mặt với rất nhiều nguy cơ có thể dẫn đến việc suy giảm quần thể nhanh chóng, thậm chí là tuyệt chủng. Bảo tồn voi, vì vậy là vấn đề cấp bách và cần huy động nguồn lực để thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, có hiệu quả và bền vững. Để bảo vệ và phát triển quần thể voi Tây Nguyên, một số hoạt động/giải pháp sau cần được ưu tiên thực hiện: Xét nghiệm mẫu phân để thống kê chi tiết các khu vực có voi ở Tây Nguyên nhằm xác định tương đối chính xác số lượng cá thể, cấu trúc giới tính, cấu trúc tuổi. Đồng thời, cần đánh giá tình trạng sinh cảnh và khả năng bảo tồn tại chỗ của các đàn voi. Áp dụng công nghệ hiện đại như đeo vòng cổ gắn chíp điện tử để giám sát di chuyển của voi.  Nghiên cứu khả năng thiết lập hành lang sinh cảnh liên kết vùng hoạt động của các đàn voi nhỏ, tính tới khả năng di dời các đàn/cá thể ở những địa phương khác trong nước có quá ít cá thể voi để bổ sung cho các đàn voi ở khu vực trọng điểm là VQG Yok Đôn - Ea Súp.

   Nghiên cứu tập tính di chuyển theo mùa, vùng hoạt động, chất lượng sinh cảnh (nơi trú ẩn, trữ lượng thức ăn, nguồn nước, nguồn khoáng, mức độ tác động). Voi là loài di cư nên cần soạn thảo và ký kết cơ chế bảo tồn xuyên biên giới giữa Việt Nam và Campuchia để đảm bảo quản lý hiệu quả hành lang di chuyển của chúng. Đánh giá mức độ xung đột và các nguyên nhân gây ra xung đột giữa voi và người, xây dựng các biện pháp hạn chế xung đột giữa voi và người. Tổng kết kinh nghiệm giải quyết xung đột giữa voi-người trên thế giới thành tài liệu hướng dẫn tiếng Việt và tuyên truyền cho người dân các khu vực thường xảy ra xung đột để giảm thiểu tối đa số vụ và thiệt hại. Có thể tính tới biện pháp xây hào, xây dựng hàng rào điện ngăn voi, chuyển đổi sang các giống cây trồng không thu hút voi... để hạn chế xung đột. Đồng thời thúc đẩy công tác tuyên truyền pháp luật để nâng cao ý thức bảo tồn của người dân. Bảo tồn sinh cảnh của voi nhằm bảo tồn và phát triển số lượng cá thể voi hoang dã hiện có tại tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt cần giữ được nguyên vẹn 173.000 ha diện tích cư trú, di chuyển, kiếm ăn của quần thể voi này. Ngăn chặn các hành vi săn bắn, giết hại voi trái pháp luật thông qua việc đẩy mạnh thực thi pháp luật, xử lý thích đáng các hành vi săn bắt, buôn bán các sản phẩm và dẫn xuất của voi. Với đàn voi nhà, cần quy hoạch khu chăn thả, chăm sóc sức khỏe, sinh sản tại huyện Lắk (150 ha) và huyện Buôn Đôn (200 ha) - 2 huyện duy nhất còn phân bố voi nhà trong tỉnh. Tăng cường năng lực cứu hộ, chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ sinh sản phát triển quần thể voi.

 

Mai Hương

Ý kiến của bạn