12/09/2014
Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) là một trong những nội dung quan trọng trong củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh của mỗi quốc gia. Một trong những nguyên tắc xây dựng và phát triển CNQP được xác định trong Pháp lệnh CNQP (năm 2008) phải: "Phù hợp với khả năng phát triển kinh tế của đất nước, có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước hiện đại, bảo đảm bí mật, an toàn, hiệu quả và BVMT". Như vậy, với vai trò là lĩnh vực hoạt động đặc thù của quân đội, một bộ phận của công nghiệp quốc gia, BVMT trong phát triển CNQP hiện nay đã và đang trở thành vấn đề cấp thiết, là nội dung quan trọng để xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Thực tế hiện nay, với tính chất đặc thù của CNQP là duy trì sự tồn tại, hoạt động của các nhà máy sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí - khí tài quân dụng, các xưởng đóng tàu, nhà máy cơ khí, hóa chất, quang điện - điện tử, thuốc phóng, thuốc nổ, cao su, thử nghiệm vũ khí, các kho tàng bảo quản cơ sở vật chất quốc phòng (kho vũ khí, vật liệu nổ…) và các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ quân sự… đều có những tác động nhất định đến môi trường sinh thái ở những mức độ khác nhau.
Thực trạng hoạt động BVMT trong phát triển CNQP
Những năm qua, hoạt động BVMT trong phát triển CNQP đã được các cấp, các ngành trong Quân đội cũng như từng cơ sở CNQP quan tâm và thu được những kết quả đáng kể: Tiến hành thường xuyên việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm, hiểu biết về BVMT; Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng đều được quán triệt, học tập Luật BVMT, nhiệm vụ BVMT trong quân đội; Nhiều nơi đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về BVMT. Một số xí nghiệp sản xuất, cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ quân sự đã điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng, quan trắc môi trường quân sự và tham gia quan trắc môi trường quốc gia, nghiên cứu công nghệ xử lý môi trường. Các cơ sở sản xuất CNQP đã có nhiều phương án quản lý, xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ các hoạt động quân sự; xây dựng báo cáo tình hình tác động môi trường, kiểm soát, giám sát ô nhiễm môi trường và triển khai các hoạt động cải thiện chất lượng môi trường; ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, khai thác sử dụng hợp lý TN&MT các khu kinh tế quốc phòng, cũng như hoạt động quân sự nói chung; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước để giải quyết nhiều sự cố môi trường; hợp tác quốc tế về BVMT; xây dựng và tổ chức lực lượng làm nòng cốt trong phòng chống thiên tai và khắc phục sự cố môi trường… Những kết quả đạt được trong hoạt động BVMT quân sự của các cơ sở CNQP đã góp phần giảm thiểu đảng kể tình trạng ô nhiễm, đảm bảo môi trường xanh, sạch cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh, quốc phòng.
Nhà máy Z175 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đầu tư công nghệ xử lý nước thải
với quy trình công nghệ hiện đại
Tuy nhiên, với tính chất là hoạt động công nghiệp đặc thù, công tác BVMT trong hoạt động CNQP cũng đang gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện như: Quy hoạch phát triển CNQP bền vững gắn với BVMT một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Việc lồng ghép giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị đơn vị với việc thực hiện Luật BVMT 2005 và các quy định BVMT khác của Nhà nước còn nhiều bất cập. Trình độ trang thiết bị, công nghệ sản xuất quốc phòng và BVMT, cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm cho hoạt động nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm vũ khí, khí tài quân dụng nhìn chung còn lạc hậu… Do vậy, trong quá trình sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến phát triển CNQP đã phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường, thậm chí có các chất thải nguy hại đặc thù quân sự gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; việc tiến hành các giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu, khắc phục sự cố môi trường có nơi chưa được xử lý dứt điểm. Ngoài ra, hoạt động BVMT ở một số nhà máy, xí nghiệp vẫn chưa được quan tâm; trình độ nhận thức về BVMT của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và chiến sĩ còn hạn chế.
Đề xuất giải pháp BVMT trong phát triển CNQP
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ BVMT trong phát triển CNQP cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm BVMT ở mọi cấp, từ lãnh đạo, chỉ huy đến từng chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trong các cơ sở CNQP. Theo đó, cần tuyên truyền, giáo dục cho các cơ sở CNQP nắm chắc vị trí, vai trò của quân đội đối với nhiệm vụ BVMT là quan trọng, là "một nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình"; nắm vững các văn bản quy định của Nhà nước liên quan đến BVMT, như: Luật BVMT 2005, các Nghị định, Quyết định, Chỉ thị của Chính phủ giao nhiệm vụ cho quân đội tham gia BVMT... Các cấp, ngành, cơ sở CNQP cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn thông qua: tuyên truyền miệng, các hội thi, hội thao, các hoạt động văn hóa văn nghệ…; lồng ghép giáo dục về BVMT trong các Chỉ thị, Nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển CNQP. Kịp thời biểu dương, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt về công tác BVMT đối với các đơn vị, doanh nghiệp CNQP có doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp, đạt quy chuẩn về môi trường thời kỳ hội nhập và đủ điều kiện cấp chứng chỉ ISO 14001/2004; kiên quyết đấu tranh phê phán những việc làm sai trái, những hành vi phá hoại môi trường sinh thái, thực hiện quy định "Người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền xử lý BVMT".
Hai là, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển CNQP theo hướng bền vững gắn với BVMT sinh thái. Trong thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện Quy hoạch xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TW. Để thực hiện hiệu quả việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển CNQP, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, mà nòng cốt là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương (như: Bộ KH&CN, Bộ TN&MT, Cục Khoa học công nghệ và môi trường - Bộ Quốc phòng, địa bàn đóng quân của các cơ sở CNQP…); hoàn thành việc khảo sát, đánh giá năng lực trong công tác BVMT một số cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNQP dân sinh để phục vụ việc lập quy hoạch. Trong các đề án của quy hoạch, kế hoạch phát triển CNQP cần phải được tính toán kỹ lưỡng, có kèm theo các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể về BVMT; dự báo, đánh giá những tác động tiêu cực, những sự cố môi trường có thể xảy ra đối với môi trường sinh thái khi thực hiện các hoạt động phát triển CNQP; tập trung đầu tư có trọng điểm một số cơ sở CNQP hệ thống quan trắc, BVMT, xử lý chất thải độc hại…
Ba là, xây dựng các tiêu chí cụ thể về BVMT sinh thái đối với các khu vực sản xuất, sửa chữa, thử nghiệm vũ khí, khí tài, trang bị của cơ sở CNQP. Đây chính là hành lang pháp lý quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các cơ sở CNQP. Việc thực hiện đầy đủ các tiêu chí về BVMT sinh thái là một nội dung thi đua, bình xét khen thưởng hàng năm của các cơ sở CNQP. Đối với các cơ sở sản xuất, sửa chữa quốc phòng đang hoạt động phải tăng cường công tác an toàn, ngăn ngừa ô nhiễm công nghiệp. Thường xuyên đánh giá tác động môi trường, tăng cường quan trắc, giám sát môi trường, từng bước đưa kiểm toán môi trường vào quy trình sản xuất. Đối với các dự án công nghiệp quốc phòng mới phải được lựa chọn tiếp nhận công nghệ tiên tiến, tiêu tốn ít nhiên, nguyên liệu và giảm thiểu chất thải. Khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ nhằm giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường theo hướng phát triển bền vững. Tất cả các cơ sở sản xuất quốc phòng cần xây dựng "Kế hoạch an toàn, dự phòng và xử lý sự cố môi trường" và tổ chức diễn tập, thực hành hàng năm. Các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng…) cần xây dựng hệ thống giám sát môi trường trong các nhà máy quốc phòng, phổ biến và khuyến khích các cơ sở sản xuất ứng dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14000 và các phương pháp quản lý tiên tiến vào hoạt động sản xuất quốc phòng, giảm sự cố kỹ thuật, bảo đảm an toàn sản xuất; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành các chính sách và tổ chức xứ lý triệt để các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tổ chức lại hoặc chuyển đổi công nghệ sản xuất đối với các cơ sở không trực tiếp phục vụ quốc phòng gây ô nhiễm môi trường…
Bốn là, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và đào tạo cán bộ, chuyên gia về lĩnh vực BVMT. Các cấp, ngành và cơ sở CNQP cần tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc, xử lý ô nhiễm môi trường theo công nghệ tiên tiến, hiện đại. Ưu tiên cơ chế và tài chính phát triển nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ BVMT (công nghệ xanh, công nghệ sạch, thân thiện môi trường) ở các trung tâm, cơ sở nghiên cứu, các nhà máy CNQP. Chú trọng xây dựng một số phòng thí nghiệm nghiên cứu về môi trường phục vụ cho các hoạt động quân sự; ứng dụng các công trình nghiên cứu về sử dụng nguồn năng lượng sạch, về xử lý nguồn nước và xử lý chất thải quân sự bằng các công nghệ phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng đơn vị CNQP. Phát triển Trung tâm Khoa học Kỹ thuật - Công nghệ Quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga để đảm đương được vai trò là cơ quan "Tổ chức nghiên cứu khoa học BVMT quân sự đầu đàn của quân đội và mạnh của quốc gia". Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác BVMT ở các cơ sở sản xuất quốc phòng, các cơ quan nghiên cứu, thiết kế và công nghệ, các cơ quan tham mưu chiến lược, cán bộ chỉ huy và quản lý kỹ thuật...
Tóm lại, BVMT trong phát triển CNQP là vấn đề rất cấp thiết, là nội dung quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội, các cơ sở CNQP cần quán triệt triển khai đầy đủ các nội dung cơ bản về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từng đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, cùng với thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ cần kết hợp chặt chẽ với công tác BVMT; mở rộng hợp tác, tăng cường phối hợp hoạt động BVMT với các bộ, ngành, địa phương và quốc tế nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động BVMT ở đơn vị mình, phấn đấu xứng đáng là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong hoạt động BVMT, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
ThS. Nguyễn Tuấn Dũng, ThS. Đào Khánh Hùng
Học viện Hậu cần
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 8/2014