Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Nhận thức, hành vi liên quan đến sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã ở Hà Nội

27/12/2014

     Việc khai thác, buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) ở Việt Nam đang là một mối quan tâm lớn của các cơ quan quản lý cũng như các tổ chức bảo tồn đa dạng sinh học. Cho đến nay đã có khá nhiều nghiên cứu về vấn đề khai thác và sử dụng ĐVHD ở Việt Nam, tuy nhiên, mới chỉ có rất ít các nghiên cứu làm rõ động cơ, cách thức tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD cũng như vấn đề niềm tin và thái độ của người tiêu dùng đối với sản phẩm đặc thù này.

     Để góp phần hoàn thiện các văn bản chính sách và giải pháp quản lý hiệu quả, Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) phối hợp với Viện Xã hội học (Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức nghiên cứu về Kiến thức, thái độ và hành vi liên quan đến sử dụng sản phẩm từ ĐVHD ở Hà Nội dựa trên hai phương pháp định lượng, định tính và dữ liệu từ cuộc khảo sát trên 1.000 người trong độ tuổi 20-69. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 11/2013 đến tháng 4/2014 trên địa bàn nội thành Hà Nội, bao gồm 10 quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân.

     1. Một số kết quả chính của nghiên cứu

     Hành vi sử dụng và tiêu thụ các sản phẩm ĐVHD: Trong nghiên cứu này, sử dụng, tiêu thụ ĐVHD là hành vi dùng thức ăn, đồ uống, thuốc, đồ trang trí làm từ các động vật hay loài sau: tê tê, hổ, voi, tê giác, rùa, linh trưởng, gấu chim, công, đại bàng, mèo rừng, báo, họ hương nai, rắn, trăn, cá sấu, bò sát có chân khác, không phân biệt đó là vật gây nuôi hay săn bắt trong môi trường tự nhiên. Việc xác định các động vật này cũng hoàn toàn do người trả lời (NTL) tự nhận định. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng và tiêu thụ sản phẩm ĐVHD là hiện tượng tương đối phổ biến trong nhóm tuổi từ 20-69 trong khu vực đô thị Hà Nội. Tỷ lệ NTL đã từng sử dụng các loại thực phẩm, làm thuốc và đồ trang trí từ ĐVHD tương ứng là 69%, 67% và gần 12%.

     Trong số ĐVHD được tiêu thụ làm thực phẩm, rắn/trăn là loài thường được sử dụng (49%); hươu cũng chiếm một tỷ lệ khá cao (29%). Có một tỷ lệ đáng kể những người đã từng tiêu thụ thực phẩm làm từ động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao như tê tê (7,6%), rùa (12,4%) và các loài linh trưởng (5,7%). Đối với thuốc chữa bệnh, các loài như gấu, hổ và rắn, trăn được sử dụng nhiều nhất (49%, 21% và 30%). Đối với đồ trang trí trong nhà, chim, cá sấu được sử dụng khá phổ biến (3,4% và 3%) bên cạnh tỷ lệ số người được hỏi sử dụng hổ và voi (1,7%).

      Phân tích việc sử dụng từ góc độ nhân khẩu học, nghiên cứu cho thấy, nam giới có tỷ lệ sử dụng thực phẩm ĐVHD cao hơn nữ giới nhưng lại ít sử dụng đồ trang trí từ ĐVHD. Đối với các sản phẩm thuốc thì tỷ lệ sử dụng theo giới tính không có sự chênh lệch lớn, nữ giới chủ yếu sử dụng các loại cao và bài thuốc đông y trong khi nam giới thường xuyên uống các loại rượu ngâm và coi đó là thuốc tăng cường sức khỏe. Một phát hiện khác là nhóm tuổi trẻ nhất (20-34) có tỷ lệ sử dụng thuốc từ ĐVHD thấp nhất (22,5%) nhưng lại là nhóm có tỷ lệ sử dụng thực phẩm cao nhất (34%). Trong khi đó, việc sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD, nhất là thực phẩm, tỷ lệ thuận với mức thu nhập và trình độ học vấn.

     Ăn thịt thú rừng và uống các loại rượu ngâm với các sản phẩm từ ĐVHD là một hoạt động mang tính xã hội cao, thường theo nhóm. Đa số NTL sử dụng thực phẩm từ ĐVHD với bạn bè và chỉ số ít sử dụng cùng với đồng nghiệp hay cấp trên. Điều này cho thấy mời ăn thực phẩm từ ĐVHD không phải là một hình thức phổ biến trong công việc, đàm phán hợp đồng, kinh doanh. Tuy nhiên thu nhập và đời sống ngày càng được nâng cao sẽ là mối quan ngại lớn đối với tình trạng gia tăng tiêu dùng các sản phẩm từ ĐVHD. Xét về địa điểm thì nhà hàng/khách sạn là những nơi phổ biến nhất của người Hà Nội để tìm kiếm thực phẩm ĐVHD, trong khi đó các loại thuốc thường được sử dụng ở nhà hơn là tại các hiệu thuốc y học cổ truyền.

     Động cơ sử dụng sản phẩm từ các loại ĐVHD

     Trong số những người đã sử dụng thực phẩm từ ĐVHD, 64% cho rằng họ sử dụng vì được mời hoặc được cho/biếu; trên 34% NTL cho rằng "mới lạ" là lý do khiến họ sử dụng thực phẩm ĐVHD; 24% nghĩ rằng những loại thực phẩm ngon và chỉ có 8% tin rằng những thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe của họ. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ người cho rằng họ sử dụng các loại thực phẩm từ ĐVHD để chữa bệnh hoặc vì nó là thời thượng. Đây là một chỉ báo đáng chú ý về các biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân.

     Đối với sản phẩm thuốc, "mục tiêu chữa bệnh", "bồi bổ sức khỏe", và "do được cho/biếu/mời" là ba lý do chính của việc sử dụng loại sản phẩm này (71%, 27% và 21% tương ứng). Mục tiêu chữa bệnh là lý do phổ biến và chủ yếu nhất của hành vi sử dụng thuốc từ ĐVHD. Điều này xuất phát từ nhận thức được hình thành và củng cố bởi niềm tin lưu truyền trong dân gian về công dụng của loại sản phẩm đặc biệt này. Do vậy, tỷ lệ người sử dụng thuốc từ ĐVHD vì lời khuyên của bác sỹ hay theo các tài liệu sách báo chiếm tỷ lệ thấp, trong khi tỷ lệ dùng dựa vào kinh nghiệm dân gian hay theo lời khuyên từ bạn bè, đồng nghiệp lại khá cao (59% và 57%). Hai lý do chủ yếu khiến người dân sử dụng các sản phẩm trang trí từ ĐVHD là “thấy đẹp, thích” và “được cho/biếu”. Những yếu tố khác như “đem lại sự may mắn, thịnh vượng”, “thú chơi thời thượng, quyền lực” lại thường không phải là những lý do chính.

     Nhận thức và thái độ đối với việc tiêu thụ ĐVHD

     Theo ý kiến của đa số NTL, việc sử dụng sản phẩm từ ĐVDH làm thực phẩm hay thuốc là khá phổ biến ở Việt Nam và việc bảo vệ ĐVHD là vấn đề cấp bách hiện nay nhằm tránh khỏi sự tuyệt chủng bởi chúng có giá trị đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái không thể thay thế. Trong số các ĐVHD nghiên cứu đưa ra thì tỷ lệ NTL cho rằng hổ, tê giác là hai động vật đang trong diện nguy cấp cần được bảo vệ cao nhất (94%), tiếp đến là voi (87%), gấu (85%) và khoảng từ 40% đến 80% cho các động vật còn lại. Có thể thấy, tùy thuộc vào từng loại động vật mà có mức độ nhận định khác nhau về độ nguy cấp cần được bảo vệ. Các ĐVHD khó nuôi trong môi trường nhân tạo thường được người dân nhận thức là những loài đang trong diện nguy cấp cần được bảo vệ hơn những loài ĐVHD đang được nuôi khá phổ biến.

 

 

Các loại rượu ngâm với ĐVHD luôn được các quý ông
ưa chuộng vì công dụng tăng cường sức khỏe

 

     Tỷ lệ người dân biết tên các văn bản pháp luật quan trọng liên quan đến vấn đề bảo vệ các loài ĐVHD và môi trường sống của chúng là không cao, và cũng ít người hiểu rõ nội dung các văn bản này. Có tới hơn 1/3 NTL cho rằng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì hành vi tiêu thụ ĐVHD không bị xử phạt. Cũng theo cảm nhận của đa số người dân, quy định pháp luật, hoặc việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, chưa đủ mức để răn đe trong khi việc thực thi pháp luật lại chưa được nghiêm minh và điều đó có thể là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tiêu thụ, sử dụng ĐVHD phổ biến ở Việt Nam.

     Các yếu tố ảnh hưởng đến việc tiêu thụ ĐVHD

     Những phát hiện từ nghiên cứu này cho thấy bốn nhóm yếu tố có ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng và tiêu thụ ĐVHD của người dân. Thứ nhất là nhận thức, thái độ và niềm tin vào công dụng của các sản phẩm từ ĐVHD, đặc biệt là các sản phẩm chữa bệnh và tăng cường sức khỏe. Thứ hai là nhận thức của người dân về các ĐVHD thuộc diện nguy cấp và cần được bảo vệ không phải là quá thấp nhưng mức độ nhận thức chưa đủ để có thể ngăn chặn tình trạng khai thác và sử dụng ĐVHD khá phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Thứ ba là nguồn cung cấp sản phẩm từ ĐVHD, mặc dù có giá không rẻ và không thể bảo đảm chất lượng, sản phầm từ ĐVHD vẫn thường được cung cấp trên thị trường một cách đa dạng, phong phú và công khai. Bạn bè và các mạng lưới xã hội dựa trên nền tảng gia đình có tác động rất lớn đến việc cung cấp thông tin cũng như phát triển nguồn cung sản phẩm từ ĐVHD. Thứ tư là yếu tố pháp luật, nhận thức về pháp luật bảo vệ ĐVHD ở Hà Nội còn khá hạn chế. Đa số người dân biết việc săn bắn, buôn bán ĐVHD là phi pháp, nhưng vẫn có nhiều người cho rằng, pháp luật không quy định xử phạt người tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD. Bên cạnh đó việc thực thi pháp luật không nghiêm minh chưa đủ tính răn đe để ngăn chặn hiệu quả những hành vi vi phạm. Điều này có lẽ cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến của tình trạng tiêu thụ, sử dụng ĐVHD phổ biến ở Việt Nam.

     Xu hướng tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD

     Khoảng 19% NTL có ý định bắt đầu hoặc tiếp tục sử dụng thực phẩm làm từ ĐVHD, 34% sử dụng thuốc, 17% sử dụng đồ trang trí. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ trả lời “chưa biết sẽ dùng hay không” là khá cao bởi điều đó phụ thuộc vào nhu cầu trong tương lai và cơ hội tiếp cận. Ý định sử dụng ĐVHD của NTL trong tương lai chủ yếu là các loài bò sát, cá sấu, hổ, hươu nai, rắn, trăn và các loài chim. Có thể nhận thấy là “tiềm năng” tiêu thụ và sử dụng sản phẩm từ ĐVHD ở thị trường Hà Nội là rất lớn, nhất là đối với hai loại thực phẩm và thuốc.

     2. Một số khuyến nghị và đề xuất

     Nghiên cứu này cho thấy hành vi tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD phục vụ cho nhu cầu ăn uống, chữa bệnh, trang trí ở Hà Nội là khá phổ biến. Kết quả phân tích tình trạng và các yếu tố tác động đến hành vi sử dụng, tiêu thụ sản phẩm ĐVHD gợi ý rằng, chiến lược cơ bản để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này là tập đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi nhận thức hành vi cùng với việc tăng cường thực thi nghiêm minh các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ ĐVHD.

     Các biện pháp truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi: Đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị đa dạng sinh học không thể thay thế của các loài ĐVHD và các quy định của pháp luật về việc săn bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ và sử dụng ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD, đặc biệt nhấn mạnh việc sử dụng, tiêu thụ ĐVHD cũng là một hành vi trái pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Một trong những yếu tố chi phối mạnh nhất đến hành vi tiêu dùng các sản phẩm từ ĐVHD đó là niềm tin vào công dụng của chúng đối với sức khỏe và đời sống con người đã bám rễ chặt, được truyền từ nhiều thế hệ, do đó các thông điệp truyền thông cần phải nhấn mạnh đến việc chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh được công dụng chữa bệnh của các sản phẩm từ ĐVHD, có thể mời các bác sỹ, chuyên gia uy tín nói về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền về những tác động tiêu cực của sản phẩm từ ĐVHD đến bản thân người sử dụng.

     Tăng cường vai trò các phương tiện truyền thông: Đẩy mạnh các biện pháp truyền thông thông qua các phương tiện truyền hình, internet... Mặt khác, cần nghiêm cấm mọi giới thiệu, quảng bá về việc sử dụng sản phẩm từ ĐVHD trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Một trong những phát hiện rất quan trọng của nghiên cứu này là vai trò của nhóm bạn bè, người thân trong việc cung cấp các thông tin về sản phẩm ĐVHD đồng thời là nguồn cung trực tiếp phổ biến các loại sản phẩm này đối với những người tiêu dùng. Cần có các hình thức truyền thông sáng tạo như truyền thông tại cộng đồng, các câu lạc bộ, các buổi mít tinh, tuần hành tại khu dân cư về bảo tồn ĐVHD, thu hút sự tham gia của người dân.

     Tăng cường thực thi pháp luật: Nghiên cứu cho thấy việc tiếp cận nhiều sản phẩm từ ĐVHD ở Hà Nội là khá dễ dàng. Điều này chứng tỏ việc ngăn chặn tình trạng mua bán các sản phẩm từ ĐVHD ở Hà Nội còn chưa chặt chẽ. Để thay đổi được tình trạng hiện nay theo hướng tích cực, điều ưu tiên hàng đầu và công tác thực thi pháp luật nghiêm minh, không chỉ với hành vi săn bắt, buôn bán mà cả việc sử dụng và tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD. Cần tăng cường hợp tác giữa các cơ quan chức năng. Các cơ quan thực thi pháp luật nên trao đổi thông tin và phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan truyền thông để công bố công khai rộng rãi các kết quả của các chiến dịch thực thi pháp luật, bảo vệ ĐVHD, truy tố tội phạm xâm hại ĐVHD, giúp nâng cao nhận thức về pháp luật và thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan chức năng với các tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân là rất quan trọng nhằm tăng cường quy mô và các biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu hành vi mua bán, sử dụng ĐVHD bất hợp pháp.

 

            Nam Việt

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2014

 

 

 

Ý kiến của bạn