02/09/2013
Ông Nguyễn Ngọc Ninh
Trưởng đại diện Tổ chức GRET tại Việt Nam
Năm 2009, với sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển và chuyển giao công nghệ Pháp (GRET), Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ địa phương hỗ trợ Phát triển nông nghiệp - nông thôn phía Bắc Việt Nam (NERAD) được thành lập. Mạng lưới NERAD hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và môi trường, với mục tiêu chính tạo cơ hội tham gia và nâng cao vị thế của cộng đồng trong công tác BVMT. Để nâng cao nhận thức, xây dựng chính sách môi trường tại các địa phương, từ năm 2011 - 2014, GRET đã hỗ trợ Mạng lưới NERAD và 5 đối tác tại các địa phương (Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Phú Thọ) triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ mạng lưới các tổ chức dân sự xã hội địa phương nhằm nâng cao năng lực cho cộng đồng về lồng ghép môi trường vào chương trình phát triển xã hội tại Việt Nam (SYNERGIES). Tạp chí Môi trường đã phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Ninh - Trưởng đại diện GRET tại Việt Nam về các hoạt động của Dự án.
PV: Được biết, SYNERGIES là một trong những Dự án có hiệu quả về tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT cộng đồng, ông có thể giới thiệu đôi nét về Dự án?
Ông Nguyễn Hữu Ninh: Dự án SYNERGIES được Tổ chức GRET hỗ trợ Mạng lưới NERAD và 5 địa phương triển khai tại Việt Nam từ năm 2011-2014. Dự án bao gồm 3 Hợp phần: Phát triển năng lực cho Mạng lưới NERAD và 5 tổ chức địa phương; Liên kết với các thành phần địa phương hỗ trợ chính sách và phát triển môi trường; Hỗ trợ củng cố Mạng lưới NERAD và kênh truyền thông với mạng lưới cấp quốc gia. Để triển khai Hợp phần 2, Dự án đã đề ra mục tiêu nâng cao năng lực BVMT cho các tổ chức địa phương, khuyến khích đối thoại giữa cộng đồng, chính quyền địa phương và các bên liên quan để lựa chọn các mô hình BVMT thích hợp. Dự án được thực hiện trong 2 giai đoạn (từ tháng 3/2011- tháng 9/20011); (từ tháng 10/2011- tháng 10/2012).
Ngoài ra, Dự án còn tổ chức các hội thảo truyền thông về môi trường như: Phát huy sáng kiến cộng đồng trong BVMT; kinh nghiệm nâng cao năng lực môi trường ở một số địa phương. Dự kiến kết quả của Dự án sẽ đóng góp tích cực cho chính sách và hoạt động BVMT tại vùng nông thôn thông qua việc nâng cao nhận thức cho người dân, vận động các cơ quan chính quyền địa phương tham gia hoạt động cộng đồng về BVMT.
PV: Quá trình triển khai Dự án gặp những khó khăn nào thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Ninh: Trong quá trình triển khai, Dự án gặp phải một số khó khăn như: Việc thực thi các chính sách, quy định, chế tài về BVMT ở cấp địa phương trong cả nước mang lại hiệu quả thấp. Đơn cử như ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ… tình trạng khai thác quá mức tài nguyên hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong khi tại các địa phương này thiếu các mô hình sản xuất sạch để tham khảo, áp dụng cho việc lập kế hoạch BVMT; Sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động môi trường còn hạn chế và chưa chủ động; Người dân còn thiếu ý thức về BVMT, tại nhiều địa phương, công tác phân loại rác tại nguồn rất khó thực thi, thói quen xả chất thải bừa bãi vì mục đích sinh kế diễn ra phổ biến; Còn nhiều những bất cập giữa những phương pháp sản xuất cũ và kinh nghiệm truyền thống với các phương pháp mới…
Để khắc phục tình trạng trên, Dự án đã đề ra các giải pháp phát huy các sáng kiến cộng đồng trong BVMT tại các địa phương, cụ thể: Tổ chức các hoạt động đào tạo, truyền thông, nâng cao năng lực cho các lãnh đạo xã, thôn và cộng đồng dân cư, hợp tác xã và các tổ nhóm; Hỗ trợ cộng đồng áp dụng các sáng kiến giải quyết các vấn đề môi trường tại địa phương; Chính quyền và người dân cùng bàn bạc, phân tích thực trạng, xác định các vấn đề môi trường tại địa phương, lựa chọn các giải pháp phù hợp với nguồn lực, rút ra các bài học kinh nghiệm; Xây dựng các chính sách môi trường lồng ghép vào kế hoạch cấp xã; Khuyến khích cộng đồng đề xuất các sáng kiến về BVMT.
PV: Một trong những mô hình thành công của Dự án là mô hình Tổ tự quản BVMT tại địa phương, ông có thể cho biết kết quả của mô hình?
Ông Nguyễn Hữu Ninh: Trước tiên là lựa chọn áp dụng các mô hình theo tiêu chí vùng tác động và các lĩnh vực. Cụ thể theo vùng tác động là Khu vực đồng bằng (Hưng Yên) - lĩnh vực nông nghiệp sinh thái; Khu vực đô thị (Vĩnh Yên) - môi trường dân cư; Khu vực miền Trung (Thanh Hóa, Phú Thọ) - thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua 1 năm triển khai Dự án, hầu hết các mô hình đều mang lại hiệu quả cao, nhận thức của cộng đồng địa phương về môi trường được nâng cao. Điển hình như mô hình Tổ tự quản về môi trường đã được thành lập tại xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Tổ tự quản do người dân trong thôn bầu ra, mỗi tổ gồm 12 người. UBND xã ra quyết định thành lập tổ và phê duyệt quy chế hoạt động theo Luật BVMT năm 2005. Tổ có trách nhiệm tổ chức các buổi lao động công ích, quét dọn đường làng, ngõ, xóm, thu gom, hướng dẫn người dân đổ rác đúng nơi quy định; Vận động người dân trong thôn đóng góp kinh phí, mua sắm trang thiết bị như thùng đựng rác, túi phân loại rác thân thiện với môi trường; Tổ chức các lớp tập huấn quy trình phân loại rác, kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi an toàn về môi trường; Giám sát thực hiện các hương ước, chế tài BVMT; Thực hiện các dịch vụ môi trường như: định kỳ phun thuốc xử lý môi trường, cung ứng các loại chế phẩm sinh học…
Việc áp dụng các mô hình Tổ tự quản về BVMT đã mang lại hiệu quả, môi trường nông thôn được cải thiện, đường làng, ngõ xóm được vệ sinh sạch sẽ, trong lành, cống rãnh được khai thông, rác thải được thu gom; Ý thức của người dân về BVMT được nâng cao. Dự án đã phát huy được nguồn lực sẵn có và đóng góp nhất định trong việc xây dựng các kế hoạch liên quan đến môi trường cấp xã. Dự kiến sắp tới Dự án sẽ nhân rộng việc áp dụng mô hình này trong cả nước.
PV: Xin cám ơn ông .
CHÂU LOAN (Thực hiện)
Nguồn: Tạp chí MT, số 5/2013