26/01/2015
Trong những năm gần đây, song song với tăng tưởng kinh tế, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sinh thái như: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm đất, nước, không khí, suy giảm đa dạng sinh học, mất rừng... Giải quyết những vấn đề này luôn cần những giải pháp sáng tạo và đột phá, trong đó những phong trào của thanh niên là những nhân tố mạnh mẽ để lan tỏa nhận thức và hành động tích cực vì môi trường và Kinh tế xanh.
Giới trẻ - động lực của nền kinh tế xanh
Phong trào môi trường ngày nay không chỉ còn là của các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ mà là của tất cả mọi người, trong đó có giới trẻ. Giới trẻ đã kết nối và dành được quyền cất lên tiếng nói trong các hội nghị của Liên hợp quốc. Chỉ từ một ý tưởng đến từ Sydney năm 2007, Chiến dịch Giờ Trái đất đã thu hút 154 quốc gia trên thế giới tham gia. Tính đến năm 2014, Việt Nam có 63 tỉnh, TP tham gia với hàng triệu người mà phần lớn trong số đó là giới trẻ. Đặc biệt, sự hưởng ứng của giới trẻ trong Phong trào 350.org Vietnam từ ngày 24/9/2011 được đánh giá là đứng thứ 2 trong số gần 200 nước tham gia về mức độ lan tỏa.
Các hoạt động nâng cao nhận thức mà Việt Nam đã thực hiện thời gian qua bắt đầu có ảnh hưởng tới lựa chọn của thanh niên. Trong thời đại của Internet và các mạng xã hội, một chiến dịch tẩy chay có thể bắt đầu chỉ bằng một tin nhắn yahoo hay một chia sẻ trên facebook. Vedan là một ví dụ rất cụ thể, sản phẩm của hãng này đã bị tẩy chay thông qua những lời kêu gọi trên mạng xã hội sau khi vụ việc xả nước thải ra sông Thị Vải của Nhà máy Vedan bị phát hiện.
Những chiếc lõi giấy kết hợp với dây thừng tạo thành những bức rèm thời trang tại quán cà phê Giấy
Hiện nay, các sản phẩm gắn mác “xanh”, “sinh thái” hay các sản phẩm có nguồn gốc từ vật liệu tái chế đang trở thành xu hướng tiêu dùng hấp dẫn đối với giới trẻ. Không chỉ là sự quan tâm đến sức khỏe, sử dụng các sản phẩm này cũng là một cách để thanh niên thể hiện sự quan tâm đối với công tác BVMT.
Vai trò tiên phong của các doanh nghiệp trẻ
Yếu tố “trẻ” là một đặc điểm phổ biến của nhiều doanh nghiệp đang tiên phong trong lĩnh vực BVMT. Yếu tố này không chỉ nói về thời gian thành lập doanh nghiệp mà bao hàm cả những con người làm việc trong doanh nghiệp.
Công ty TNHH và TM BOO (một thương hiệu thời trang Việt Nam) là một ví dụ trong việc đưa ra các sản phẩm xanh nhằm nâng cao nhận thức BVMT của nhân viên trong Công ty và cộng đồng. Thành lập từ năm 2003, nhưng đến năm 2007, Công ty đã thành lập phòng dự án môi trường và chuyển đổi hoàn toàn túi ni lông sang túi giấy. Chuỗi cửa hàng của BOO đã thành công với việc trở thành một điểm sáng xanh trong nhiều cửa hàng thời trang đang bùng nổ. Liên tục đầu tư và cùng thực hiện các sự kiện - cuộc thi về môi trường, đưa các thông điệp vào sản phẩm, xanh hóa văn phòng là một trong những Chiến lược của hãng thời trang. Tất cả những điều trên được thực hiện thành công chỉ đơn giản bởi người sở hữu BOO là một thanh niên thế hệ 8x, có sự quan tâm đặc biệt đến các vấn đề môi trường. Điều này cho thấy, ngày càng có nhiều thanh niên khởi nghiệp bằng con đường kinh doanh xanh, kéo theo đó là ngày càng có nhiều doanh nghiệp “xanh” từ khi mới ra thành lập. Các quán cà phê sinh thái như “RuA” tại Hà Nội và EcoDrink, cà phê Giấy tại TP. Hồ Chí Minh…
Một trong những ví dụ của những người trẻ tuổi đang ngày càng ảnh hưởng tới xu hướng “xanh hóa” doanh nghiệp là Tập đoàn FPT - Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam. Mặc dù lãnh đạo của Tập đoàn không phải là những người trẻ tuổi, nhưng các thế hệ nhân viên mới, đặc biệt là với nguồn nhân lực trẻ từ trường Đại học của chính mình, thân thiện với môi trường trở thành một nét văn hóa của Tập đoàn. Câu lạc bộ EHE do chính các nhân viên của Tập đoàn sáng lập góp phần quan trọng vào việc hình thành nét văn hóa xanh thông qua các hoạt động đạp xe đi làm, tiết kiệm năng lượng…
Như vậy, cần có sự quan tâm cho giới trẻ để phát triển nền Kinh tế xanh tại Việt Nam. Mặc dù chưa được đầu tư đúng mức, giới trẻ Việt Nam và thế giới đã chứng minh được vai trò của mình trong một tương lai kinh tế mới, ở cả vai trò là người tiên phong cũng như động lực của nên kinh tế. Chúng ta có quyền tin tưởng vào quyết tâm và năng lực của giới trẻ, nhưng Nhà nước và các tổ chức giáo dục cần chú trọng vào việc đầu tư cho các doanh nhân tương lai, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp.
Trương Văn Thịnh
Đại học Quốc gia Hà Nội
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2014