26/01/2015
Trong thời gian qua, Việt Nam đã hoàn thiện hồ sơ đề cử cao nguyên LangBiang (Lâm Đồng) là Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới. Hiện hồ sơ đã được đệ trình UNESCO (có trụ sở tại Pari, Pháp) xem xét phê duyệt. Nếu được công nhận, cao nguyên LangBiang sẽ là khu DTSQ thứ 9 của Việt Nam. Đồng thời đây cũng sẽ là mô hình phát triển bền vững của địa phương trong việc kết hợp hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, giữa sử dụng hợp lý tài nguyên với nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Các chức năng cơ bản của các vùng trong Khu DTSQ đề cử
Dựa trên khái niệm khu DTSQ và tiêu chí khoa học cho việc thiết lập, khu DTSQ đề cử LangBiang dự kiến có diện tích 275.439 ha, được phân thành 3 vùng: vùng lõi (34.943 ha), vùng đệm (72.232 ha) và vùng chuyển tiếp (168.264 ha). Vùng lõi của KDTSQ gồm toàn bộ VQG Bidoup Núi Bà. VQG Bidoup Núi Bà bao gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái nằm trong vùng lõi khu sinh quyển. Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt được xác định là phân khu ưu tiên cho bảo tồn. Phân khu phục hồi sinh thái được xác định là những khu rừng có giá trị bảo tồn cao, là sinh cảnh của các loài thú quý hiếm trong VQG. Ngoài bảo tồn ĐDSH, vùng lõi khu sinh quyển góp phần phát triển kinh tế cho người dân địa phương, đặc biệt là người dân tộc K’ho, thông qua chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Đồng thời, vùng lõi của khu sinh quyển thực hiện chức năng hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục của khu vực, quốc gia và quốc tế.
Vùng đệm của khu sinh quyển bao gồm các vùng kế cận với vùng lõi, đóng góp vào sự bảo tồn ở vùng lõi. Phần lớn diện tích vùng đệm là các khu rừng phòng hộ và rừng trồng, bên cạnh các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, vì vậy vùng đệm có vai trò hỗ trợ cho bảo tồn ở vùng lõi, đồng thời phát triển kinh tế cộng đồng sinh sống nơi đây. Với địa hình và sinh cảnh đẹp, vùng đệm cũng là nơi phát triển du lịch sinh thái. Vùng đệm còn là nơi phân bố của các dân tộc bản địa, đặc biệt là người K’ho với những nét văn hóa đặc trưng trong đó có văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Các bản sắc văn hóa bản địa đang được bảo tồn và phát triển. Ngoài ra, cùng với vùng lõi, vùng đệm còn hỗ trợ và là nơi thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục, đặc biệt là các nghiên cứu về phát triển bền vững.
Vùng chuyển tiếp bao gồm các phần diện tích nằm trên địa bàn TP. Đà Lạt và các huyện lân cận tiếp giáp với vùng đệm của khu sinh quyển. Đây là các trung tâm phát triển kinh tế của vùng, trong đó các hoạt động du lịch sinh thái tại vùng lõi và vùng đệm, là những hoạt động đóng góp lớn nhất vào nền kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó, các hoạt động nông nghiệp (đặc biệt là trồng rau và hoa cung cấp cho nhu cầu địa phương và các trung tâm kinh tế phía Nam và Nam Trung bộ) và lâm nghiệp (trồng rừng) mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống của người dân. Các hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa, đặc biệt là cồng chiên Tây Nguyên, cũng được thúc đẩy và nối kết với các hoạt động du lịch tại vùng chuyển tiếp. Ngoài ra, vùng chuyển tiếp cũng hỗ trợ cho thực hiện các dự án phát triển bền vững và hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục, nhất là giáo dục môi trường.
Đặc trưng đDSH của cao nguyên LangBiang
Khu DTSQ đề cử Langbiang có vùng lõi là VQG Bidoup Núi Bà là một trung tâm ĐDSH của cả nước, đứng đầu trong danh sách ưu tiên cao về bảo tồn ĐDSH cấp quốc gia. ĐDSH khu vực này vô cùng phong phú, trong đó có nhiều loài quí hiếm trong sách Đỏ Việt Nam và quốc tế. Vùng lõi này tạo nên hành lang ĐDSH duy trì sự toàn vẹn và tổng thể các hệ sinh thái nhiệt đới còn sót lại của vùng Nam Trường Sơn nói riêng và của quốc gia nói chung.
VQG Bidoup - Núi Bà nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, thuộc phần phía Nam Tây nguyên, trên độ cao từ 1.200 - 2.200 m so với mực nước biển, là khu rừng chứa đựng giá trị cao về cảnh quan tự nhiên, ĐDSH, với nhiều nguồn gen động thực vật quý hiếm, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng á nhiệt đới với các kiểu rừng: Kiểu phụ rừng kín hỗn hợp cây lá rộng, lá kim ẩm á nhiệt đới; Kiểu phụ rừng rêu (rừng lùn đỉnh núi); Kiểu rừng thưa cây lá kim (thông 3 lá) hơi khô á nhiệt đới núi thấp; Kiểu rừng tre nứa và rừng hỗn giao tre với lá rộng; Kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới, núi vừa.
VQG Bidoup - Núi Bà có hệ thực vật phong phú với tổng số 1940 loài thực vật thuộc 825 chi và 180 họ thuộc 4 ngành với 3 loài thực vật đặc hữu, 64 loài thực vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) trong đó có 53 loài có giá trị bảo tồn cao (5 loài rất nguy cấp và 48 loài nguy cấp); Có 94 loài có tên trong Danh Lục IUCN 2010 trong đó có 14 loài có giá trị bảo tồn cao (2 loài rất nguy cấp và 12 loài nguy cấp). Đặc biệt, trong đó có nhiều loài thực vật hạt trần và nhiều loài hạt kín thuộc họ Lan như thông hai lá dẹt, đa tử trà hương, viễn chí, thanh đạm tuyết ngọc, rita trung bộ; nhất điểm hồng, kim điệp; thông 5 lá, trầm hương...
Về hệ động vật có 748 loài thuộc 507 giống, 123 họ, 6 lớp với 3 loài đặc hữu, 45 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) trong đó có 19 loài có giá trị bảo tồn cao gồm 3 loài rất nguy cấp và 16 loài nguy cấp. Có 60 loài có tên trong Danh Lục Đỏ IUCN (2010) trong đó có 9 loài có giá trị bảo tồn cao đều thuộc bậc nguy cấp. Điển hình như gấu chó, báo gấm, bò tót, hổ Đông Dương, chà vá chân đen, vượn đen má vàng, chim mi langbiang, khướu đầu đen má xám... Đặc biệt, khu vực này còn có 30 loài với địa danh địa phương phân bố tự nhiên trong khu rừng này, được la tinh hóa như mẫu chuẩn, như: 9 loài đặt tên theo Đà Lạt; 14 loài đặt tên theo Langbiang; 7 loài đặt tên theo Bidoup.
Trong vùng đề cử có 22 loài đặc hữu Việt Nam gồm 8 loài thực vật bậc cao có mạch và 14 loài động vật gồm: 3 loài thú (chuột đồng núi cao, chuột chù zai xép, dơi mũi ống, 2 loài chim và khiếu đầu đen má xám; 2 loài bò sát (thạch sùng ngón vằn lưng, ; 4 loài Lưỡng cư (Leptobranchium leucops, ếch cây cựa (Rhacophorus calcaneus), êch cây chư yang sin (R. chuyangsinensis), Theloderma palliatum) và 3 loài cá nước ngọt (cá bám đá (Schistura carbonaris), (S. dalatensis) và (S. yersini)).
Chim mi langbiang, một trong những loài chim quý nhất thế giới đang ở tình trạng nguy cấp toàn cầu
Như vậy, đây là khu bảo tồn có độ đa dạng cao về các sinh cảnh tự nhiên, bao gồm diện tích các hệ sinh thái trên cạn và diện tích các hệ sinh thái thủy sinh, các sinh cảnh rừng của VQG vẫn còn có cấu trúc 3 tầng rừng, chứa đựng đầy đủ các sinh cảnh rừng tự nhiên làm nơi cư trú, kiếm ăn của động vật hoang dã, tạo sự kết nối liên tục một dải rừng tự nhiên với khu vực Tây Langbiang, mở rộng vùng hoạt động của các loài động vật rừng. Ngoài ra, sự đa dạng về sinh cảnh tự nhiên với các loại rừng hỗn giao gỗ - lồ ô, rừng cây bụi, trảng cỏ đã góp phần tạo nên sự phong phú các loài bò sát, ếch nhái, côn trùng và các loài thực vật. Các sinh cảnh đất ngập nước như hồ, sông, suối xen kẽ với rừng vừa tạo cảnh quan đẹp, tạo sự chuyển tiếp các hệ sinh thái, đồng thời là nơi phân bố của các loài cá và các sinh vật thủy sinh khác. Đó là nền tảng quan trọng cho công tác bảo tồn thiên nhiên.
Gắn kết con người với thiên nhiên
Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, K’ho, Rơmăm, Êđê, Giarai... Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ.
Trong Danh mục các thành phần dân tộc ở Việt Nam do Tổng cục thống kê công bố vào năm 1979, người K’ho có 6 nhóm địa phương: Srê, Nộp, Cơ don, Cil (Chil), Làc (Lạt, Lạch), T’ring (Trinh). Trong đó, ba nhóm Cil, Làc và T’ring có địa bàn cư trú truyền thống tập trung chủ yếu trên cao nguyên LangBiang, thuộc khu vực vườn quốc gia Bidoup Núi Bà ngày nay. Trong cộng đồng các dân tộc còn lưu giữ những nét văn hóa, các tập tục, tín ngưỡng vô cùng độc đáo, mang nhiều ý nghĩa về lịch sử và nhân văn.
Biểu diễn cồng chiêng của nhóm cộng đồng dân tộc K’ho
Đời sống lao động sản xuất của các đồng bào dân tộc chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Chính vì vậy, các tri thức dân gian về lao động sản xuất phần nhiều là về việc làm nương rẫy. Việc canh tác rẫy hay ruộng của người Làc, Cil và T’ring phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Hệ thống công cụ lao động sản xuất và phương thức canh tác truyền thống chưa cho phép họ chủ động trong các công đoạn sản xuất. Chính vì vậy, việc sử dụng kinh nghiệm đã được tích luỹ từ thế hệ này sang thế hệ khác trở thành một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo ra kết quả lao động tích cực.
Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc này còn có tri thức về nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng. Dệt vải là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời và đóng vai trò quan trọng trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người K’ho. Nghề dệt của người K’ho không những cung cấp những sản phẩm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, góp phần nâng cao nguồn thu nhập gia đình mà còn giúp họ bảo tồn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Thông qua tấm vải dệt, người phụ nữ K’ho đã gửi gắm tâm hồn, tình cảm cũng như sự cảm nhận về thế giới tự nhiên, con người qua những hoa văn sinh động, đó là những vật dụng gần gũi, thân thương gắn bó trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ như cầu thang nhà sàn, cán xà gạc, con thuyền, mũi chông, cổ nỏ… và thế giới tự nhiên như vầng trăng, cây cỏ, chim muông…
Chính vì vậy, tìm hiểu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa K’ho trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên là phát huy tri thức kinh nghiệm trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước và bảo vệ tài nguyên đất trong đời sống xã hội của các nhóm Làc, Cil, T’ring ở khu vực đề cử khu DTSQ.
Đỗ Thị Huyền
(TTX Việt Nam)
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2014