08/05/2019
Từ cuối năm 2015, công viên Chăm sóc và Bảo tồn Động vật Vinpearl Safari Phú Quốc (Vinpearl Safari) chính thức đi vào hoạt động với quy mô 380 ha. Hiện Vinpearl Safari có hơn 3.000 cá thể, thuộc 150 chủng loài, được sưu tầm, bảo tồn từ các ĐVHD quý, hiếm địa phương, đồng thời quy tụ từ nhiều vùng địa sinh học đặc trưng trên thế giới như Nam Phi, châu Âu, Ôxtrâylia, Mỹ... Mới đây, sự ra đời của cá thể tê giác con đầu tiên tại Vinpearl Safari vào ngày 3/4/2019 đã chứng tỏ, nơi đây không chỉ là môi trường lý tưởng để bảo tồn, mà còn giúp các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam và trên thế giới sinh sôi, phát triển.
Chào đón cá thể tê giác con đầu tiên
Tê giác sơ sinh là con đầu lòng của một cặp bố mẹ tê giác trắng châu Phi. Tê giác bố mẹ được đưa về Vinpearl Safari trong cùng một thời điểm và nhanh chóng kết đôi, phối giống và sinh sản hoàn toàn tại vườn thú Safari. Trong suốt thai kỳ kéo dài hơn 16 tháng, tê giác mẹ và các con tê giác trong đàn sống hòa thuận, dưới sự chăm sóc kỹ lưỡng, tận tình của nhân viên vườn thú. Từng bữa ăn, giấc ngủ của tê giác mẹ luôn được theo dõi sát sao để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, ổn định tinh thần cho cả hai mẹ con. Ngoài thức ăn chính là cỏ tươi, tê giác được cung cấp các loại thực phẩm khác như: cỏ khô, bắp trái, rau lang, cám viên, cà rốt, khoai lang và thường xuyên được bổ sung vitamin, muối khoáng…
Theo các nhân viên vườn thú, cá thể nghịch ngợm này đã nhanh chóng chào đời chỉ sau 30 phút tê giác mẹ có dấu hiệu chuyển dạ. Đây là một cuộc vượt cạn vô cùng thuận lợi bởi thông thường, mỗi ca sinh con của tê giác sẽ kéo dài vài tiếng đồng hồ. Mặc dù công cuộc sinh con của tê giác mẹ vô cùng suôn sẻ, nhưng các nhân viên chăm sóc và bác sĩ Vinpearl Safari rất hồi hộp theo dõi quá trình hai mẹ con phục hồi sau sinh. Khi tê giác con đứng dậy đi lại được, tìm vú mẹ và bú no độc lập thì ca sinh nở xem như đã thành công đến 80%. Lý do là tê giác mẹ sau khi sinh con rất hung dữ, con người gần như không thể tiếp cận để hỗ trợ, nên việc tê giác con tự bú mẹ được trong 2 tiếng sau sinh là tiến triển đáng mừng nhất.
Hai tiếng sau sinh, tê giác con có thể đứng lên và tìm bầu sữa mẹ
Sau những giây phút nín thở chờ đợi, cuối cùng cả vườn thú như vỡ òa khi tê giác con loạng choạng đứng lên đi tìm bầu sữa mẹ. Chỉ mất vài chục phút tập hít thở bầu không khí mới mẻ, tê giác con đã nhanh chóng “làm quen” và được mẹ cho bú no nê. Thành viên tê giác vừa chào đời có màu da đen sẫm khá ấn tượng trong khi cả bố và mẹ đều có màu da xám trắng. Được biết, trải qua quá trình sinh trưởng từ 2 - 3 năm, màu da tê giác sẽ nhạt dần và trở về với diện mạo “di truyền” của đàn.
“Ngôi nhà xanh” của các loài ĐVHD
Loài tê giác trắng châu Phi vừa mới sinh con tại Vinpearl Safari có điều kiện sinh sản tương đối dễ trong điều kiện sống tự nhiên. Mỗi tê giác cái trưởng thành có thời gian mang thai từ 16 - 18 tháng và sinh sản với mật độ 3 - 4 năm/lứa. Tại các vườn thú, tỷ lệ tê giác sinh con cũng không cao, do xác suất ghép đôi và điều kiện môi trường sống không đáp ứng các tập tính sinh hoạt của cả đàn.
Tại Việt Nam, mặc dù có rất nhiều vườn thú nuôi dưỡng loài tê giác trắng này từ hàng thập kỷ trước, tuy nhiên, Vinpearl Safari là vườn thú hiếm hoi có ca sinh con tự nhiên thành công của tê giác trắng châu Phi. Đây là một trong 2 tê giác con được sinh ra tại Việt Nam trong khoảng 1 thập kỷ qua. Ở công viên Vinpearl Safari này, có đàn tê giác hơn 20 cá thể, đáp ứng điều kiện ghép đôi và sinh sống tại 16 ha diện tích rừng tự nhiên, với điều kiện phúc lợi động vật được đánh giá là tốt nhất khu vực và tiệm cận với tiêu chuẩn thế giới. Hiện nay, ngoài tê giác mẹ đã hạ sinh, Vinpearl Safari còn một số cá thể khác đang mang thai và dự kiến sẽ sinh con trong năm 2019.
Hơn 3 năm qua, Vinpearl Safari đã trở thành địa chỉ được ghi tên vào “giấy khai sinh” cho hàng trăm thế hệ F1 của các loài động vật, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm, với đội ngũ nhân viên chăm sóc và bác sĩ của vườn thú có hơn 10 kinh nghiệm chăm sóc các loài ĐVHD. Các chuyên gia cũng thường xuyên nghiên cứu mô hình bảo tồn ĐVHD và được cử đi nhiều nước để học hỏi, nâng cao khả năng chuyên môn.
Từ năm 2018 đến nay, Vinpearl Safari đã chào đón 367 "thành viên nhí" thuộc các loài ĐVHD, trong đó có rất nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm. Cá thể tê giác vừa chào đời là thành viên nhí thứ 367 trong ngôi nhà Vinpearl Safari. Nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng và bị đe dọa trong môi trường tự nhiên đã sinh sôi thành bầy đàn tại đây, tiêu biểu như: Hổ Belgan, sư tử châu Phi, linh dương Bongo, linh dương sừng thẳng Arap, linh dương sừng mác, linh dương đen Ấn Độ, linh dương đen lớn, voọc bạc, vượn má vàng, vượn cáo đuôi khoang…
Hiện nay, Vinpearl Safari đã tham gia làm thành viên của Hiệp hội Vườn thú Đông Nam Á (SEAZA), Hiệp hội vườn thú Việt Nam (VZA), Hệ thống thông tin loài quốc tế, nhằm đảm bảo cho động vật nuôi thả trong quần thể có được phúc lợi tốt nhất. Mỗi năm, với việc chào đón hàng trăm thành viên mới, Vinpearl Safari khẳng định vai trò dẫn dắt và từng bước trở thành hình mẫu về chăm sóc, bảo tồn động vật và tổ chức sinh trưởng cho nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm. Vinpearl Safari đã chứng tỏ được rằng, Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực kiến tạo môi trường sống hoang dã và trở thành “ngôi nhà xanh” cho nhiều loại động vật quý, hiếm trên thế giới.
Nguyễn Thị Phú Hà
WWF tại Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)