02/01/2020
Tại Lễ trao giải Cống hiến về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD), ông Ngô Đức Thụ, công tác tại Tòa án nhân dân quận Tân Bình đã vinh dự được nhận Giải thẩm phán xuất sắc nhất. Bằng sự công tâm của một vị thẩm phán, ông Ngô Đức Thụ đã xét xử thành công nhiều vụ án hình sự liên quan đến hành vi buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) và ban hành bản án có ảnh hưởng tích cực với hệ thống tư pháp. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Đức Thụ về những đóng góp của ông trong công tác bảo vệ ĐVHD.
PV: Ông có thể cho biết, tình hình buôn bán ĐVHD diễn ra trên địa bàn quận Tân Bình nói riêng và TP. Hồ Chí Minh nói chung?
Ông Ngô Đức Thụ: Những năm gần đây, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói chung và quận Tân Bình nói riêng đã trở thành một trong những “điểm nóng” về buôn bán ĐVHD với thủ đoạn ngày càng tinh vi, không chỉ xảy ra ở phạm vi trong nước, mà còn vận chuyển sản phẩm ĐVHD từ nước ngoài về Việt Nam qua đường hàng không. Trong 5 năm trở lại đây, TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận 74 vụ buôn bán ĐVHD, được cơ quan thực thi pháp luật phát hiện, bắt giữ, xử lý vi phạm. Riêng Tòa án nhân dân quận Tân Bình từ năm 2015 - 2019 đã thụ lý, xét xử 5 vụ án. Số liệu này cho thấy, việc vi phạm pháp luật về buôn bán ĐVHD vẫn luôn tồn tại và xảy ra trên địa bàn.
PV: Ông đã tham gia xét xử bao nhiêu vụ án liên quan đến ĐVHD và ông có suy nghĩ gì về tình trạng buôn bán ĐVHD hiện nay ở Việt Nam ?
Ông Ngô Đức Thụ: Từ năm 2016 đến nay, tôi đã xét xử 3 vụ án về buôn bán ĐVHD, cụ thể: Năm 2016 xét xử bị cáo có hành vi buôn bán 9 cá thể rái cá vuốt bé (Aonyx cinerea), thuộc họ rái cá - Lutranidae và cá thể voọc chà và chân đen (Pygathrix nigripes); Năm 2017, xét xử bị cáo có hành vi buôn bán 2 cá thể cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus Bonhote), thuộc họ cu li - Loricidae, bộ Linh trưởng - Primate; Năm 2018, xét xử bị cáo có vận chuyển 12 khúc sừng của tê giác trắng (Ceratotherium simum) có tổng khối lượng là 7.260 gam từ Angola về Việt Nam nhằm mục đích bán kiếm lời.
Trong 3 lần xét xử nêu trên, thì vụ án xét xử năm 2016 để lại trong tôi nhiều suy nghĩ trăn trở nhất. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, từ những chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được cho thấy, bị cáo công khai buôn bán ĐVHD ngay cả trên mạng xã hội Facebook; quá trình cho bị cáo tại ngoại, bị cáo vẫn có hành vi tiếp tục đăng bài công khai buôn bán ĐVHD, có thái độ thách thức các cơ quan làm công tác bảo vệ ĐVHD. Trong phần xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận có hành vi buôn bán ĐVHD, nhận thức được hành vi buôn bán ĐVHD là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn cố tình thực hiện vì cho rằng việc đó là bình thường, không làm xâm hại đến ai, không nhận thức được mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, ngang nhiên thách thức cơ quan pháp luật và nghĩ rằng hình phạt chỉ là phạt tiền hoặc nặng nhất là án treo. Điều đó cho thấy, một thực trạng hiện nay là mọi người không nhận thức được tầm quan trọng của việc BVMT, bảo vệ các loài ĐVHD đang có nguy cơ tuyệt chủng; đồng thời cũng phản ánh việc tuyên truyền về công tác bảo vệ ĐVHD chưa được mọi người quan tâm. Do đó, Hội đồng xét xử đã quyết định đưa ra bản án với mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo là 5 năm tù nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa và đó cũng là một cách tuyên truyền có tính hiệu quả. Bị cáo sau đó kháng cáo và bản án của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên án giữ nguyên mức hình phạt của Tòa án nhân dân quận Tân Bình và bắt giam bị cáo ngay tại phiên tòa.
PV: Là người có nhiều kinh nghiệm trong xét xử các vụ án hình sự liên quan đến ĐVHD, theo ông, những hình phạt được quy định hiện nay đã đủ nghiêm khắc, tạo sự răn đe cho đối tượng vi phạm? Ông có đề xuất giải pháp gì để việc xét xử và thực thi pháp luật ở Việt Nam nghiêm minh, hiệu quả, góp phần bảo vệ ĐVHD ở Việt Nam?
Ông Ngô Đức Thụ: So với khung hình phạt quy định tại Điều 190, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, thì Điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là cao hơn, nghiêm khắc hơn với khung hình phạt cao nhất là từ 7 - 12 năm và quy định thêm với cả pháp nhân thương mại có hành vi phạm tội. Điều này cho thấy, vấn đề bảo vệ ĐVHD đã được các nhà làm luật thực sự quan tâm và đánh giá cao. Tuy nhiên, việc tạo sự răn đe đối với các đối tượng vi phạm và cộng đồng xã hội còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ý thức chấp hành pháp luật của mỗi công dân, ý thức bảo vệ ĐVHD, hiệu quả công tác tuyên truyền trong cộng đồng xã hội…, chứ không chỉ có hình phạt nặng là tạo được sự răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Ông Ngô Đức Thụ (đứng giữa) nhận Giải thưởng từ Ban Tổ chức
Để việc thực thi pháp luật nghiêm minh và hiệu quả, góp phần bảo vệ ĐVHD ở Việt Nam, theo tôi, cần phải hoàn thiện và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách trong bảo vệ ĐVHD, nhằm hạn chế những bất cập và sự thiếu nhất quán trong thực hiện pháp luật về bảo vệ ĐVHD. Đồng thời, cần huy động các nguồn lực trong nước, quốc tế để thực thi các Hiệp ước, cam kết quốc tế về bảo tồn các loài ĐVHD qua hợp tác trong khu vực và trên thế giới; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng có trách nhiệm và quyền hạn về bảo vệ ĐVHD; xây dựng cơ chế liên ngành, phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống tội phạm về hành vi buôn bán ĐVHD; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế triển khai các hoạt động về giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD, thông qua việc cung cấp kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi và khuyến khích các tiêu chuẩn xã hội mới đối với việc không tiêu dùng các sản phẩm từ ĐVHD; tạo sinh kế cho người dân, nhất là người dân sống gần các khu vực có rừng để giảm áp lực từ việc săn bắn trái phép ĐVHD, khuyến khích người dân chấp hành tốt pháp luật về bảo vệ ĐVHD, tham gia bảo vệ và bảo tồn các loài ĐVHD. Điều quan trọng nhất là có các phương pháp, cách thức tuyên truyền đơn giản, dễ hiểu, hấp dẫn để thu hút sự quan tâm của mọi người đối với công tác bảo vệ ĐVHD.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông về cuộc trao đổi!
Nguyễn Hằng (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2019)