Banner trang chủ

Vườn quốc gia Xuân Thủy nhận bằng khen của Thủ tướng

23/01/2014

     Vườn Quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) vừa tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập (2003 - 2013) và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

     Trong 10 năm qua, Vườn đã thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, các loài động thực vật đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước, đặc biệt là các loài thủy sinh và các loài chim nước, chim di trú; phục vụ công tác nghiên cứu khoa học; giáo dục môi trường cho cộng đồng và phát triển du lịch sinh thái. Mỗi năm, cộng đồng dân cư địa phương có thu nhập hàng trăm tỷ đồng từ các mô hình nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Trong đó, hiệu quả nhất là khai thác các loài tôm, cua, cá tự nhiên ở vùng triều; mô hình nuôi ngao quảng canh ở Cồn Lu - Cồn Ngạn.

     Ngoài ra, cùng với sự hỗ trợ và tư vấn của các Tổ chức phi chính phủ và các quỹ bảo tồn, Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã triển khai nhiều chương trình, dự án như Chương trình liên minh đất ngập nước (WAP); Dự án phát triển cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học tại Việt Nam; Dự án tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích…

     Ghi nhận những nỗ lực của Vườn , Thủ tướng Chính phủ đã trao Bằng khen về những thành tích đã đạt được trong 10 năm qua trong công tác bảo tồn hệ sinh thái.

 

Ông Nguyễn Viết Cách - Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy

nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

 

     Voọc mũi hếch ở Khau Ca chiếm gần nửa số cá thể toàn cầu

     Theo nguồn tin từ Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), qua khảo sát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch Khau Ca thuộc tỉnh Hà Giang, tổ chức này ghi nhận số lượng cá thể voọc mũi hếch đang dần phục hồi với trên 110 cá thể.

     Trên phạm vi toàn cầu, theo số liệu của FFI, voọc mũi hếch chỉ có khoảng 250 cá thể và đang có nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắn và mất môi trường sống. Trong khi đó, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch Khau Ca đang là nơi trú ngự an toàn của khoảng một nửa số lượng cá thể trên toàn cầu. Đây cũng là khu vực thuận lợi cho quá trình sinh sản và phát triển của quần thể voọc quý, hiếm.

 

PV

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1/2014

 

 

Ý kiến của bạn