Banner trang chủ

Vườn quốc gia Tà Đùng chú trọng bảo vệ rừng và các nguồn gen sinh vật nguy cấp, quý hiếm

16/07/2020

    Vườn quốc gia (VQG) Tà Đùng thuộc địa bàn xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, với diện tích 20.937,7 ha, trong đó có 16.176,65 ha đất có rừng. Trong thời gian qua, VQG Tà Đùng đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn các nguồn gen sinh vật nguy cấp, quý hiếm, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Để tìm hiểu rõ hơn về công tác này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Khương Thành Long - Giám đốc VQG Tà Đùng.

 

Ông Khương Thành Long - Giám đốc VQG Tà Đùng

 

PV: Ngày 8/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 185/QĐ-TTg công nhận Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Đùng thành VQG Tà Đùng, vậy chức năng, nhiệm vụ mới của VQG là gì, thưa ông?

Ông Khương Thành Long: Ngày 8/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 185/QĐ-TTg công nhận Khu BTTN Tà Đùng thành VQG Tà Đùng. Theo đó, VQG Tà Đùng có tổng diện tích tự nhiên là 20.937,7ha, với 3 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái và dịch vụ - hành chính.

   VQG Tà Đùng có chức năng bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn các nguồn gien sinh vật nguy cấp, quý hiếm, mẫu chuẩn hệ sinh thái (HST) rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp và rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới của vùng sinh thái Tây Nguyên; cung ứng các dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo an ninh môi trường; phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Đồng Nai, sông Krông Nô - Sêrêpok để cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất điện năng và công, nông nghiệp của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam (miền Đông Nam Bộ); giảm phát thải khí nhà kính; lưu giữ nguồn gen; cung ứng hiện trường cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, thăm quan, du lịch sinh thái (DLST), giáo dục môi trường. Đồng thời, huy động các nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, tăng nguồn thu dựa trên nguyên tắc bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng đặc dụng gắn với trách nhiệm của người sử dụng lợi ích từ các HST rừng; đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn.

    Ngoài ra, VQG Tà Đùng còn có nhiệm vụ bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có; khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng; làm giàu rừng tự nhiên; gây ươm các loài cây bản địa, đặc hữu quý hiếm để trồng rừng mới, nâng độ che phủ và đảm bảo an ninh môi trường; nâng cao khả năng phòng hộ của rừng về giữ nước, hạn chế xói mòn, lũ lụt, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân vùng hạ lưu; thực hiện chính sách về dịch vụ môi trường; tổ chức nghiên cứu khoa học về bảo tồn, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về BVMT và đa dạng sinh học. Mặt khác, VQG cũng tổ chức các hoạt động quản lý bảo vệ, bảo tồn và phát triển các nguồn gien quý, hiếm; cứu hộ động vật hoang dã; khai thác các tiềm năng, lợi thế về DLST, cảnh quan, dịch vụ môi trường và các giá trị đa dạng sinh học để tăng nguồn thu cho VQG.

PV: VQG được ví như “Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên” mang tên Tà Đùng? Ông có thể giải thích về cái tên này?

Ông Khương Thành Long: Sở dĩ Tà Đùng được ví như “Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên” bởi vì cảnh quan rộng lớn, vô tận của VQG. Nằm ở khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai, việc tích nước của hồ chứa thuộc công trình Thủy điện Đồng Nai 3 tại VQG Tà Đùng với diện tích mặt hồ là 3.400 - 5.700 ha đã tạo nên HST hồ - đảo với hơn 47 đảo, bán đảo lớn, nhỏ, với cảnh quan hết sức độc đáo.

    Ngoài ra, VQG Tà Đùng nằm ở dãy núi giữa 2 cao nguyên Đắk Nông và Di Linh, vì vậy, khí hậu mang tính chất cao nguyên nhiệt đới ẩm, mát mẻ quanh năm, phù hợp với phát triển DLST, nghỉ dưỡng. Nhằm khai thác tiềm năng và tạo sức hút với du khách, từ năm 2014, UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt Quy hoạch Khu DLST - văn hóa Tà Đùng, với tổng mức đầu tư 174 tỷ đồng. Định hướng quy hoạch các tuyến, điểm và sản phẩm du lịch rất đa dạng, gồm vui chơi, giải trí trên các hồ, đảo, cụm thác dưới tán rừng; du lịch thể thao - mạo hiểm mặt nước, mạo hiểm rừng bảo tồn, dã ngoại; DLST kết hợp nghỉ dưỡng; du lịch tín ngưỡng... 

    Sâu trong VQG Tà Đùng còn có rất nhiều dòng suối mát lạnh. Đó là suối Đắk N’teng, Đắk P’lao chảy qua những tảng đá tạo nên những dòng thác hùng vĩ như thác Bảy tầng, Mặt trời, Đắk Plao… Dòng nước mát lạnh với những cây cổ thụ phủ bóng mát rợp trời, cùng những tảng đá tự nhiên bằng phẳng là điểm dừng chân lý tưởng để nghỉ ngơi. Từ trên cao, du khách còn nhìn thấy được những buôn làng ở xã Đắk P’lao, Đắk Som, hay Đắk R’măng thấp thoáng trong mây trắng.

PV: Để giữ được màu xanh của VQG, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH, Ban Quản lý (BQL) VQG Tà Đùng đã triển khai những công tác gì?

Ông Khương Thành Long: Từ nhiều năm nay, VQG Tà Đùng được đánh giá là một trong những khu vực giữ được màu xanh lớn, với lớp thảm thực vật rừng rộng chiếm tỷ lệ che phủ tới 85% diện tích vùng lõi. Ngoài ra, VQG Tà Đùng còn là sự giao thoa của các HSTvà sinh cảnh phong phú đã tạo điều kiện cho nhiều loại động, thực vật cư trú, sinh trưởng và phát triển. Hiện tại, VQG Tà Đùng có 574 loài động vật và hơn 1.400 loài thực vật, trong đó có nhiều loài thuộc diện quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng như hươu vàng, hổ, báo hoa mai, trăn gấm…

    Trong những năm qua, BQL VQG Tà Đùng đã nỗ lực ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng, thông qua các hoạt động như: Tiến hành giao khoán bảo vệ rừng cho 201 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng đệm VQG, góp phần ổn định sinh kế (từ 20 - 35 triệu đồng/hộ/năm), cũng như nâng cao nhận thức của người dân để bảo vệ HST rừng. Đồng thời, hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số sống gần số tiền 720 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, BQL VQG thường xuyên tổ chức tuần tra, truy quét, ngăn chặn các vụ vi phạm lâm luật. Cụ thể, đơn vị đã phối hợp với người dân, công an, quân sự các xã vùng đệm thực hiện hơn 1.000 lượt tuần tra, kiểm tra tại 23 tiểu khu rừng trong khu bảo tồn, mở hơn 20 cuộc tuần tra, truy quét trong lâm phần quản lý. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ phá rừng và săn bắn động vật trái phép, bảo vệ rừng, nguồn gen và ĐDSH. Đặc biệt, BQL VQG luôn chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân sống gần rừng; học sinh tại các trường trong vùng đệm của VQG thông qua các buổi sinh hoạt “Câu lạc bộ xanh”…

 

VQG Tà Đùng được ví như “Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên”

 

PV: Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo nhằm siết chặt các hành vi mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD), ông có đề xuất gì để bảo vệ các loài này ở VQG Tà Đùng cũng như trên cả nước?

Ông Khương Thành Long: Muốn bảo vệ tốt các loài ĐVHD, đặc biệt là các loài quý hiếm, đặc hữu việc siết chặt các hành vi mua bán, tiêu thụ ĐVHD bằng các chế tài xử phạt là rất cần thiết, nhưng chưa đủ. Do đó, cần phải tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục cho người dân sống gần rừng, du khách, các tầng lớp học sinh, sinh viên... về tầm quan trọng của việc bảo vệ các loài ĐVHD, đặc biệt, cần xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về săn bắt, buôn bán trái phép ĐVHD.

    Hiện VQG đang trình cơ quan có thẩm quyền thành lập Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng nhằm có nhân lực, vật lực để thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về BVMT nói chung và bảo vệ các loài ĐVHD nói riêng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Nhung (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trrên Tạp chí Môi trường số 6/2020)

Ý kiến của bạn