Banner trang chủ

Tuyên Quang tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường

15/06/2015

   Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 (NTM), với tinh thần chủ động phát huy sức mạnh toàn dân và tăng cường công tác BVMT, đến nay, sau 4 năm thực hiện Chương trình NTM, hầu hết các xã điểm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã từng bước hoàn thành các nội dung, chỉ tiêu về môi trường (tiêu chí 17/19) là tiêu chí khó thực hiện nhất trong Chương trình xây dựng NTM.

   Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác BVMT, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư cho các công trình về môi trường như: Công trình cấp nước sạch nông thôn; Xây dựng nghĩa trang nhân dân và các khu chôn cất tập trung, bãi xử lý rác thải cho các xã; Hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; Di chuyển chuồng nuôi nhốt gia súc gia cầm ra xa khu dân cư. Kết quả bước đầu cho thấy, về cơ sở văn hóa và vật chất cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu trong Chương trình xây dựng NTM, tỉnh đã vận động nhân dân nâng cấp nhà ở, công trình phụ hợp vệ sinh, đến nay 100% các hộ dân đã có nhà tiêu đảm bảo vệ sinh môi trường. Toàn tỉnh đã huy động được trên 1.700 tỷ đồng, đầu tư xây dựng được hơn 640 km đường giao thôn nông thôn, xây dựng 27 công trình hạ tầng lưới điện; 27 công trình trường học và một số hạng mục phụ trợ của trường học; 19 trụ sở xã; 106 công trình thủy lợi; 112 công trình nhà văn hóa thôn bản, nhà văn hóa xã…

   Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM của tỉnh, tính đến hết tháng 12/2014, toàn tỉnh có 3/7 xã điểm của tỉnh là: Tân Trào (Sơn Dương); Mỹ Bằng (Yên Sơn) và An Khang (TP. Tuyên Quang) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM 4 xã còn lại đã hoàn thành 16/19 tiêu chí: Năng Khả (Nà Hang); Kim Bình (Chiêm Hóa); Bình Xa (Hàm Yên); Thượng Lâm (Lâm Bình). Tại các xã điểm có 6/7 xã hoàn thành tiêu chí môi trường, trong đó, An Khang là xã hoàn thành sớm nhất tiêu chí môi trường. Cụ thể, hiện nay, toàn xã có 1.050 hộ, đạt 99% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, với 601 hộ sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia, 90% cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã đạt chuẩn về môi trường, 10% còn lại đang phấn đấu đạt chuẩn.

   Ngoài ra, để giữ vững tiêu chí môi trường, các xã điểm đã lập quy ước thôn, xóm có lồng ghép nội dung quy định về BVMT; tổ chức việc chỉnh trang hàng rào, cải tạo vườn, định kỳ hàng tuần, hàng tháng dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh thoát nước, vệ sinh làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ Xanh - Sạch - Đẹp. Rác thải, chất thải, nước thải đã được thu gom và xử lý, cụ thể: 100% hộ gia đình có nhà vệ sinh, nhà tắm đạt tiêu chuẩn; một số khu dân cư, tái định cư có hệ thống mương thoát nước; việc thu gom rác thải tại các thôn, xóm do Hợp tác xã Dịch vụ Nông lâm nghiệp trên địa bàn thực hiện, vận chuyển rác thải đến khu xử lý rác tập trung của tỉnh…Từ nguồn Quỹ BVMT của tỉnh, Ban điều phối Chương trình NTM cũng đã hỗ trợ các xã kinh phí mua sắm, đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động BVMT, thực hiện công tác thu gom rác thải từ sản xuất nông nghiệp như vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và rác thải sinh hoạt tại các điểm tập trung trên địa bàn các xã. Cụ thể: Xây dựng bể chứa thu gom vỏ chai lọ, bao bì đựng thuốc BVTV; Xây kho chứa tập trung vỏ bao bì thuốc BVTV ở địa điểm thuận lợi chờ đưa đi đi tiêu hủy; Hỗ trợ mua thùng chứa rác công cộng đặt tại các điểm tập trung các hoạt động đông người như trường học, bệnh xá, khu cơ quan…

   Bên cạnh đó, tại các xã điểm, chính quyền địa phương cũng lồng ghép các chương trình, dự án BVMT vào các quy hoạch phát triển kinh tế chung để tập trung nguồn lực cho phát triển các sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho nhân dân. Đến nay, hầu hết các xã điểm đã đạt hiệu quả bước đầu trong quá trình xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, đảm bảo sản xuất hàng hóa ổn định, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân nông thôn.

   Ngoài ra, với vai trò là chủ thể trong xây dựng NTM, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tỉnh đã tổ chức nhiều phong trào BVMT. Cụ thể, các cán bộ Đoàn Thanh niên trong tỉnh đã tiến hành sửa chữa 15 nhà văn hóa thôn, bản; chỉnh trang khuôn viên 33 nhà văn hóa...; tham gia xây dựng 31 công trình vệ sinh, trồng 2.500m hàng rào xanh, 14.896 cây xanh; nạo vét 5.500m kênh mương nội đồng; cải tạo 31.360m đường nông thôn; vệ sinh 57 đoạn đường thanh niên tự quản; thu gom 10.000m2 rác thải.

   Đặc biệt, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi, Hội Nông dân tỉnh đã tiến hành khảo sát nhu cầu của nông dân làm hầm biogas tại 7 xã điểm xây dựng NTM; Chủ động nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí, lãi suất tiền vay cho hội viên phát triển chăn nuôi, kết hợp xây dựng hầm biogas bằng vật liệu nhựa composite; Chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân xây dựng công trình phụ bảo đảm vệ sinh môi trường. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 761 công trình vệ sinh và 292 hầm biogas; riêng xã điểm Kim Bình (Chiêm Hóa) đã xây dựng được 653 công trình vệ sinh và 71 hầm biogas...

   Trong thời gian tới, để duy trì và phát huy những kết quả về BVMT trong xây dựng NTM, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về xây dựng NTM; Lựa chọn những nội dung thiết thực, phù hợp để tuyên truyền vận động, khơi dậy tinh thần tự giác trong cộng đồng BVMT; phát động phong trào thi đua thôn điểm, hộ điểm xây dựng NTM. Đồng thời, triển khai Đề án Xây dựng công trình xử lý rác thải hợp vệ sinh; Quy hoạch bãi xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại; Trồng cây xanh nhằm giảm thiểu tiếng ồn, khói bụi tại các đường giao thông; Tôn tạo, sửa chữa, quy hoạch đường đi, xây dựng hệ thống rãnh thoát nước cho các khu nghĩa trang… 

Phạm Thu Hà

(Nguồn: Tạp chí Môi Trường số 5/2015)

Ý kiến của bạn