Banner trang chủ

Tri thức bản địa của dân tộc Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam trong khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường

06/08/2020

    Hiện nay, trước sức ép về nhu cầu tài nguyên cho sự phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề môi trường mới phức tạp đang nảy sinh ngày càng nhiều. Trong khi đó, nhiều tri thức bản địa trong công tác BVMT ở các cộng đồng dân tộc thiểu số, trong đó có người Cơ Tu đã không còn phù hợp với điều kiện hiện nay. Để đánh giá những khó khăn trong công tác BVMT của cộng đồng các dân tộc miền núi nói chung và dân tộc Cơ Tu nói riêng trong giai đoạn hiện nay, Ủy ban Dân tộc đã thực hiện Dự án "Nâng cao nhận thức và năng lực BVMT cho cộng đồng vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020”. Triển khai Dự án, nhóm thực hiện đã tiếp cận cộng đồng dân tộc Cơ Tu thuộc xã Tư và Sông Kôn (huyện Đông Giang), xã Lăng (huyện Tây Giang) ở tỉnh Quảng Nam để khảo sát thực địa bằng phương pháp điều tra xã hội học nhằm tìm hiểu về công tác BVMT cho cộng đồng người dân tộc Cơ Tu.

Tri thức bản địa trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên và BVMT của người Cơ Tu

    Thuật ngữ “Tri thức bản địa” hay “Tri thức địa phương” còn có nhứng tên gọi khác là “kiến thức bản địa”, “luật lệ địa phương”, “phong tục hay tục lệ”... Tri thức bản địa được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, qua kinh nghiệm ứng xử của con người với môi trường và xã hội; được lưu truyền từ đời này qua đời khác qua trí nhớ, qua thực tiễn sản xuất và thực hành xã hội. Tri thức bản địa chứa đựng trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống xã hội như sản xuất lương thực, chăn nuôi; thu hái, cất trữ và chế biến thức ăn; sử dụng cây thuốc chữa bệnh; truyền thụ kiến thức qua các thế hệ trong giáo dục; quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tổ chức quản lý cộng đồng, giá trị xã hội, các luật lệ truyền thống trong làng bản… Tri thức bản địa đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động xã hội và có tác động đến quản lý tài nguyên thiên nhiên địa phương .

    Người Cơ Tu sống tập trung ở 2 huyện miền núi Đông Giang và Tây Giang thuộc phía Tây của tỉnh Quảng Nam, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên từ rừng. Huyện Đông Giang có diện tích tự nhiên 81.263,23 ha, dân số 23.157 người, trong đó dân tộc Cơ Tu có 16.957 người chiếm 73,23% dân số toàn huyện [1]. Huyện Tây Giang có tổng diện tích tự nhiên 90.296,56 ha, dân số 16.076 người, trong đó người Cơ tu chiếm đến 95% dân số toàn huyện. Tây Giang cũng là huyện có dân số ít nhất ở Quảng Nam, dân cư sống rất phân tán ở ven suối hoặc trong những khu rừng sâu với tỷ lệ hộ nghèo rất cao lên tới 48%.

   Từ xa xưa, người Cơ Tu đã có quan hệ cộng đồng khá chặt chẽ, sống tự quản dựa vào tập tục, già làng rất được coi trọng. Do cuộc sống gắn bó với thiên nhiên, rừng có vai trò rất quan trọng và là nơi lưu giữ nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của con người, do vậy mà người Cơ Tu rất chú ý đến bảo vệ rừng đầu nguồn. Từ xa xưa, người Cơ Tu đã xây dựng nhiều truyền thuyết, huyền thoại về các khu rừng thiêng hay những loại cây, loài động vật hoang dã được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Dần dần những truyền thuyết này đã biến những khu rừng trở thành thần thánh hóa, không ai dám xâm phạm. Đây được xem là giải pháp quan trọng trong bảo vệ tài nguyên rừng và nguồn nước rất có hiệu quả của người Cơ Tu trong thời gian trước đây. Người Cơ Tu quan niệm rừng thiêng (rừng cấm) theo những tích và cách nghĩ khác nhau nhưng với quan niệm chung là nơi có nhiều cây cổ thụ lâu năm, có thần linh trú ngụ. Rừng thiêng còn là nơi chôn người chết hay “nghĩa địa” (pịng xal); đặc biệt là những khu rừng đã xảy ra hoặc chôn người bị “chết xấu” (pịng xal mốp). Cái “chết xấu” là những cái chết khác thường không do đau ốm bệnh tật, ví dụ như: chết do thắt cổ tự tử, đuối nước, sa bẫy chết khi đi săn, chết do bị cây đè, thai nghén… Rừng thiêng còn là những khu rừng được gắn với những sự tích rùng rợn nào đó được người xưa kể lại.

   Ngoài rừng thiêng, người Cơ Tu cũng có những sự tích về các loại cây ma như: azil, chpơơr, prong, akir, but, đong clưi… hay các loại cây độc gây chết người: cây chpơơr, cây achul, crâu, lá ngón… Nếu chặt phá các cây này, con ma sẽ về làm hại dân làng, đập phá trên mái nhà nên không ai dám chặt phá. Trước đây, người Cơ Tu rất tin vào các truyền thuyết và thần linh nên mỗi người tự có ý thức bảo vệ những khu rừng cấm, rừng thiêng của cộng đồng; họ không tự ý chặt, đốt các cây cổ thụ như cây đa, chò, lim, sến… Nếu ai chặt phá cây cổ thụ đồng nghĩa với việc phá nhà của thần linh, khi đó thần linh sẽ bắt phạt, dân làng hay bị ốm đau, chết chóc. Để bảo vệ rừng thiêng, người Cơ Tu quy định các hình phạt rất nặng đối với những người chặt phá cây cổ thụ, hình thức nộp phạt thường là lợn, gà, dê, trâu (hoặc bò), rượu… Do vậy, người dân không dám tự ý chặt phá cây cổ thụ trong rừng nên những khu rừng thiêng của người Cơ Tu hiện nay còn được bảo vệ khá tốt.

    Đối với các rừng khai thác, mỗi khu rừng đều có chủ riêng để quản lý và được truyền từ đời này sang đời khác theo dòng họ. Đối với người trong làng, muốn có đất để ở, muốn có cây để làm nhà, muốn có nước để uống hay làm bất cứ việc gì liên quan đến rừng đều phải cúng xin con ma có đồng ý hay không. Còn đối với những người từ nơi khác đến muốn có đất làm rẫy phải mua rừng, muốn có nước phải mua đoạn sông, đoạn suối bằng vật có giá trị như con trâu, cái ché xưa, nồi đồng... và nhiều khi phải đồng ý gả con cho con nhà có đất, có rừng.

    Về sản xuất, người Cơ Tu có nhiều kinh nghiệm trong xác định thời gian đốt nương làm rẫy, mùa vụ gieo trồng hay thời gian khai thác lấy gỗ rừng thích hợp. Người Cơ Tu có nhiều nhiều kinh nghiệm trong nhận biết về đặc tính sinh trưởng, thời vụ gieo trồng và thu hái thích hợp cho từng loại cây trồng. Người Cơ Tu đã xác định lịch gieo trồng thích hợp cho trồng sắn, khoai sẽ cho nhiều củ; ngày trồng cà, ớt sẽ sai quả,... Để bảo vệ rừng, người Cơ Tu thường khai thác gỗ vào mùa thu hay mùa đông khi thời tiết trời khô hạn, các loài cây có tốc độ sinh trưởng chậm, thân chứa ít nước, có độ dẻo cao,... Người Cơ Tu rất ít chặt cây vào mùa xuân hè vì đây là mùa sinh trưởng của cây, thân cây có nhiều nước nên dễ bị mối mọt. Theo truyền thống, người Cơ Tu canh tác nương rẫy theo cách chặt đốt rồi dùng gậy chọc lỗ để tra hạt giống. Nương rẫy của người Cơ Tu thường là đa canh, cứ sau vài vụ sản xuất lại bỏ hoá một thời gian dài cho đất hồi phục trước khi canh tác tiếp.

   Là dân tộc ít người sống gắn bó lâu đời với rừng núi, hái lượm săn bắt đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của người Cơ Tu. Tuy nhiên, người Cơ Tu vẫn thường quan niệm ở các khu rừng cấm, rừng thiêng đều có thú dữ và ma canh giữ, nếu bắt thú ở rừng đó thì sẽ gây ra những hậu quả xấu cho dân làng, thậm chí có thể ảnh hưởng tới tính mạng con người và vật nuôi. Do vậy người Cơ Tu thường không đi săn bắt thú rừng ở những khu rừng này. Như sự phân công của tự nhiên, trong khi nam giới đảm nhiệm việc săn bắn thì hái lượm chính là ưu thế hàng đầu của phụ nữ Cơ Tu. Các sản phẩm hái lượm trong rừng là các loại rau, củ, quả, một số loại nấm như nấm mối (tri mool), nấm rơm (tri ca), nấm mèo (tri târ), nấm linh chi (tri cợng),… Hoạt động hái lượm của người thường diễn ra vào các tháng 7, 10 và 11 để tránh mùa sinh trưởng của cây (mùa thu-đông cây cối chậm sinh trưởng). Hay thu hái ngọn lá thì không hái quá mức, hái trụi để cây còn lá để tiếp tục sinh trưởng; với cây lấy củ thì khi lấy củ xong phải trồng lại thân; với cây lấy rễ không được lấy hết bộ rễ để cây còn phát triển…

Một số thay đổi về tập quán sản xuất tác động đến môi trường

 

         Cán bộ Dự án hướng dẫn đồng bào Cơ Tu trồng cây gây rừng

 

    Trong giai đoạn hiện nay, nhiều nét văn hóa truyền thống dần mai một, nhiều luật tục không còn được coi trọng nên việc bảo vệ rừng cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng gặp nhiều khó khăn. Những tập quán sản xuất nông nghiệp và sinh kế truyền thống của người Cơ Tu cũng có nhiều thay đổi. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao, phát triển kinh tế trang trại. Ví dụ như ở xã Tư, sản xuất nông nghiệp đã có bước chuyển đổi cơ bản nương rẫy tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, có đầu tư, sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Phát triển sản xuất nông nghiệp đã theo hướng hàng hóa gắn với các sản phẩm chủ lực có thế mạnh của địa phương như cây dược liệu, phát triển trồng rừng với các loại cây gỗ sinh trưởng nhanh có ý nghĩa kinh tế (cao su, bạch đàn)... đầu tư phát triển các khu chăn nuôi tập trung. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, người Cơ Tu cũng phát triển một nền kinh tế đa dạng với một số nghề thủ công như dệt vải truyền thống, làm đồ gốm, đan lát… Phong trào sản xuất phát triển kinh tế được gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới trong những năm gần đây đã góp phần tăng thu nhập của người dân góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 10,9% vào năm 2019.

    Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nhiều nguồn tài nguyên đang bị khai thác không hợp lý thậm chí có nguy cơ cạn kiệt, đặc biệt là tài nguyên rừng và đất đai. Ví dụ như việc khai thác cây chè dây ở huyện Đông Giang để làm dược liệu. Cây chè dây hay chè rừng theo cách gọi của người Cơ tu, mọc tự nhiên rất phổ biến trong rừng ở huyện Đông Giang. Chè dây có nhiều công dụng  tiêu viêm giải độc, điều trị viêm loét dạ dày, đầy hơi, ăn uống khó tiêu, trào ngược dạ dày. Từ khi có những nghiên cứu khoa học cho thấy các công dụng của loại chè này, người dân đã đổ xô lên rừng thu hái lá chè, thậm chí còn đào cả gốc cây chè đem bán cho thương lái như một loại dược liệu quý.

   Ngoài ra, mật độ dân cư của người Cơ Tu tăng nhanh do họ không sống trong rừng sâu mà chuyển ra sống ở ven đường giao thông, gây ra những tác động tới môi trường do ô nhiễm các chất thải. Quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp đan xen giữa nương rẫy truyền thống với nền canh tác mới dựa vào sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật đã làm ô nhiễm đất. Kết quả khảo sát ở cộng đồng người Cơ Tu trong cho thấy có 42/80 hộ gia đình được hỏi vẫn tiếp tục canh tác theo cách truyền thống đốt nương làm rãy; 54/80 người còn khai thác gỗ trái phép trong rừng. Tỷ lệ các hộ gia đình xử lý rác thải theo cách đốt/chôn lấp trong vườn/xả rác tự do là 65/45/13; nước thải sinh hoạt được xả chảy tự do ra vườn, khu đất trống hoặc sông suối gần nhà. Đây được xem là những vấn đề môi trường mới phát sinh ở cộng đồng dân tộc Cơ Tu trong thời gian gần đây, khi mà nền sản xuất với những phong tục tập quán truyền thống bị thay đổi.

Kết luận và khuyến nghị

   Từ xa xưa, người Cơ Tu đã có nhiều kinh nghiệm trong khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường cho cuộc sống của con người. Những kinh nghiệm này dần được chọn lọc và đúc kết qua thực tiễn để hình thành các tri thức bản địa của người Cơ Tu. Điểm nổi bật trong công tác bảo vệ thiên nhiên của dân tộc Cơ Tu trước đây là dựa vào thần linh và niềm tin vào các truyền thuyết được lưu truyền qua các thế hệ. Tuy nhiên hiện nay, nhiều vấn đề môi trường mới, phức tạp đã nảy sinh trong cuộc sống. Quan niệm và tục lệ tuyền thống đã không còn phù hợp, đòi hỏi phải có sự thay đổi cho phù hợp với thực tiễn trong về công tác BVMT trong giai đoạn hiện nay.

    Công tác quản lý bảo vệ rừng và khai thác tài nguyên phải được chuyển từ dựa vào truyền thuyết, tập tục trước đây sang tăng cường giáo dục và truyền thông về ý nghĩa, về vai trò thực sự của tài nguyên và môi trường đối với sinh kế và sự phát triển bền vững của cộng đồng. Công tác BVMT cần phải gắn liền với công tác bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc của người Cơ Tu hướng tới sự phát triển ổn định và nâng cao đời sống của người dân. Đây vừa là một yêu cầu cần thiết, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển cộng đồng không chỉ riêng đối với người Cơ Tu mà cũng là vấn đề phổ biến ở các cộng đồng dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay. Giáo dục và truyền thông về môi trường cần gắn liền với những vấn đề thực tiễn, chú trọng đến nâng cao nhận thức và năng lực BVMT cho người dân trong bối cảnh cụ thể của từng địa phương nhằm phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số, từ đó hướng tới sự phát triển kinh tế ổn định và nâng cao đời sống cho người dân.

 

GS. Nguyễn Xuân Cự

Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội

Nguyễn Thu Trang, Phạm Kim Cương

Học viện Dân tộc

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2020)

 

Ý kiến của bạn