18/11/2019
Vừa qua, tại xóm Vai, xã Thanh Nông, huyện lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình), Công ty CP Đầu tư phát triển môi trường Ngọc Xanh phối hợp với UBND xã Thanh Nông tổ chức lễ trồng cây Paulownia để BVMT và phát triển kinh tế.
Cây Paulownia là cây có sức sống mãnh liệt, phát triển nhanh và là cây gỗ quý. Chỉ trồng 6 - 7 năm, cây đã có thể cho khai thác, nếu đúng tiêu chuẩn khai thác sau 10 năm sẽ đạt hơn 2 tỷ đồng/ha, đường kính cây từ 50 - 60 cm. Cây Paulownia là loài cây lâm nghiệp dễ trồng, dễ sống, lớn nhanh, giá cây giống rẻ. Cây có nguồn gốc từ các nước châu Á: Trung Quốc, Lào, Australia... ở Việt Nam gọi là cây Hông, là cây gỗ cứng, nhẹ, chịu nhiệt ở mức cao, không cong, vênh, nứt, nẻ, được dùng làm nội thất trong gia đình như: ốp tường, sàn gỗ và nhiều tác dụng khác, cây còn có tác dụng ngăn cháy rừng...
Nhân viên Công ty và bộ đội địa phương tham gia Lễ trồng cây
Giá gỗ Paulownia dao động khoảng 1,5 triệu đồng/m3 và hơn 400 triệu đồng/ha cho một chu kỳ thu hoạch. Từ đó sẽ góp phần tạo sinh kế từ rừng cho người dân trồng rừng, giúp xóa đói, giảm nghèo… Đặc biệt, giống cây này giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phủ xanh đồi trọc, hạn chế được tác hại do lũ lụt. Đây là loại cây gỗ cứng, nhẹ, không cong vênh, nứt nẻ và có khả năng chịu nhiệt ở mức cao nên hạn chế tình trạng cháy rừng. Ngoài ra, lá và hoa còn có khả năng được dùng làm thức ăn cho gia súc, tăng độ phì nhiêu cho đất. Vì vậy, loài cây này còn được trồng xen kẽ với các loại hoa màu khác như: cây chè, đậu, ngô, đinh lăng; hoa của cây chứa nhiều mật, có thể phát triển nghề nuôi ong.
Tại buổi Lễ, bà Nguyễn Thị Lợi, cố vấn HĐQT Công ty cho biết, với mong muốn giúp người dân dần hiểu về cây trồng có tác dụng BVMT và mang lại hiệu quả kinh tế cao của loài cây này. Công ty trồng loài cây Paulownia để góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo màu xanh cho đất nước, đóng góp cho “lá phổi Việt Nam xanh, sạch. Trong tương lai không xa, hy vọng cây Paulownia sẽ là loài cây mũi nhọn kinh tế, giảm nghèo cho người dân địa phương nơi đây. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục trồng trên nhiều địa phương khác.
Thu Hằng