Banner trang chủ

Tiếp cận quyền con người trong bảo vệ môi trường

13/10/2013

`       Hội nghị tập huấn “tiếp cận quyền con người trong BVMT ở Việt Nam”

Môi trường là nơi cung cấp toàn bộ điều kiện thiết yếu và nguồn lực để con người có cơ hội sáng tạo nên những giá trị về khoa học, tinh thần, đạo đức. Những hoạt động của con người đều chứa đựng bản chất là hành vi tác động và làm biến đổi môi trường. Vì vậy, ngoài việc áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật, hành chính, pháp luật… trong BVMT, cần chú trọng đến hướng tiếp cận quyền con người. Biện pháp này đang được nhiều nước áp dụng, nhất là những nước phát triển và đã mang lại hiệu quả cao.

Đối với Việt Nam, hướng tiếp cận này còn khá mới mẻ, vì vậy, việc tìm hiểu mối quan hệ giữa môi trường với quyền con người và kinh nghiệm quốc tế trong vận dụng cách tiếp cận quyền trong BVMT rất có ý nghĩa.

Lý luận về quyền con người với môi trường

Theo Tuyên bố của Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường con người (Stốckhôm - năm 1972), con người được sống trong một môi trường trong lành là một trong những nguyên tắc trọng tâm của quan hệ giữa các quốc gia. Nguyên tắc 1 nêu rõ: “Con người có quyền cơ bản được tự do, bình đẳng và đầy đủ các điều kiện sống, trong một môi trường chất lượng cho phép cuộc sống có phẩm giá và phúc lợi mà con người có trách nhiệm trong bảo vệ và cải thiện cho các thế hệ hôm nay và mai sau”. Nguyên tắc 1 trong Tuyên bố của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Môi trường và phát triển (Rio de Janeiro - 1992) cũng khẳng định: “Con người là trung tâm của những mối quan tâm về sự phát triển lâu dài. Con người có quyền được hưởng một cuộc sống hữu ích, lành mạnh và hài hòa với thiên nhiên”. 

Quyền con người được sống trong môi trường trong lành là nguyên tắc trụ cột, là quyền tự nhiên của con  người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Đó là quyền con người được sống trong một môi trường với chất lượng cho phép, cuộc sống được đảm bảo về mặt vệ sinh môi trường, được hài hòa với tự nhiên. Hay nói cách khác, là quyền được sống trong một vùng không bị ô nhiễm, không bị suy thoái môi trường . 

Hiện nay, sức khỏe con người đang bị ảnh hưởng ngày càng lớn do sự xuống cấp nghiêm trọng của môi trường và hệ sinh thái. Ô nhiễm môi trường và hủy hoại môi trường tự nhiên đã trực tiếp tác động đến việc hưởng thụ quyền con người. Nhu cầu của con người là phải nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành, bảo đảm sức khỏe môi trường. Do vậy, cộng đồng thế giới thừa nhận môi trường chính là vấn đề của quyền con người.

Để có chính sách tốt về BVMT, đòi hỏi các quyền con người phải được bảo đảm thực hiện. Thông qua việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin, sự tham gia của cộng đồng trong việc ban hành các quyết định về môi trường và tiếp cận tư pháp liên quan tới môi trường.

Dự thảo Tuyên ngôn về nguyên tắc và các quyền con người đã chính thức được các chuyên gia về nhân quyền và Luật Môi trường quốc tế trình lên các cơ quan của Liên hợp quốc để lấy ý kiến. Trong đó đề cập đến 4 nguyên tắc: Các quyền con người, môi trường sinh thái, phát triển bền vững và hòa bình là phụ thuộc lẫn nhau và không thể chia cắt; Mọi người có quyền đối với môi trường an toàn, sức khỏe và môi trường sinh thái; Quyền không phân biệt đối xử liên quan tới các hành động và quyết định có tác động tới môi trường; Thiết lập nguyên tắc về tính công bằng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ.

Tuyên ngôn được thông qua là văn kiện pháp lý quan trọng nhất, nhằm thiết lập các chuẩn mực quốc tế về quyền con người với môi trường và phản ánh sự phát triển hướng tới sự công nhận và bảo đảm quốc tế đối với các quyền về môi trường

Kinh nghiệm quốc tế về tiếp cận quyền con người trong BVMT

Tiếp cận quyền trong BVMT cho phép nâng cao chất lượng sống của tất cả mọi người và con người trở thành trung tâm trong việc ban hành các chính sách, pháp luật.

Nhiều nước đã giải thích lại các quyền hiện có tính đến cả các mối quan tâm về môi trường. Ví dụ, tòa án ở Ấn Độ đã mở rộng nội hàm khái niệm quyền sống, bao hàm cả các quy tắc liên quan đến BVMT. Đó là quyền sống của con người không chỉ là sự tồn tại, mà bao hàm cả quyền được sống trong môi trường sức khỏe không bị ô nhiễm, cân bằng về hệ sinh thái và được Nhà nước bảo vệ.

Ở châu Phi, châu Âu và châu Mỹ, các công ước nhân quyền khu vực đều cung cấp các bảo đảm cụ thể để bảo vệ quyền sức khỏe môi trường, công nhận tầm quan trọng của sự tham gia của cộng đồng liên quan tới các quyết định về môi trường. Hiện có khoảng 60 nước trên thế giới đã công nhận trong Hiến pháp về quyền sức khỏe môi trường. Ví dụ, Hiến pháp Nam Phi quy định mọi người có quyền có môi trường không gây hại tới sức khỏe và sự thịnh vượng của con người; Quyền có môi trường được bảo vệ vì lợi ích của các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nhiều nước khác công nhận quyền tiếp cận thông tin và tìm kiếm các bồi thường thiệt hại do môi trường gây ra. Ví dụ, Hiến pháp Liên bang Nga thừa nhận, quyền môi trường tối thiểu bao gồm tiếp cận thông tin chính xác và đền bù do gây hại tới sức khỏe con người hay tài sản do vi phạm môi trường. Bảo vệ bằng Hiến pháp đối với các quyền môi trường là cơ hội để người dân tác động lên Chính phủ đối với việc ban hành các quyết định có thể gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và môi trường tự nhiên.

Hiến chương châu Phi năm 1981 công nhận quyền của tất cả mọi người có môi trường tối thiểu, nhằm thỏa mãn đối với sự phát triển và thịnh vượng chung của cộng đồng, xã hội; Tổ chức Kinh tế và Phát triển châu Âu (OECD) cũng quy định “Môi trường tối thiểu” nên được thừa nhận là quyền con người cơ bản; Ủy ban Kinh tế của Liên hợp quốc về châu Âu (UNEEC) đã dự thảo Hiến chương về các quyền và nghĩa vụ về môi trường, nhằm khẳng định mọi người đều có quyền môi trường tối thiểu.

Việc công nhận và thực hiện quyền môi trường trong bối cảnh phát triển bền vững đã chỉ ra mối quan hệ rõ ràng giữa bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền với việc bảo tồn, bảo vệ và khôi phục môi trường. Điều này đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải cùng nhau hợp tác và xây dựng các chuẩn mực chung để đối phó với thách thức ngày càng gia tăng đối với môi trường và phát triển.

Đề xuất cho Việt Nam

Vấn đề môi trường và ảnh hưởng của nó đến phát triển đang trở thành thách thức cho Việt Nam. Ô nhiễm trên quy mô rộng, suy thoái cục bộ, khủng hoảng môi trường do quá trình phát triển ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, coi nhẹ BVMT... đang trở thành những rào cản lớn, hạn chế quyền phát triển, quyền con người đối với môi trường (cơ hội sinh kế, quyền đảm bảo cuộc sống, quyền có sức khỏe, quyền an ninh môi trường…).

Một thời gian dài, vì ưu tiên cho phát triển kinh tế nên việc BVMT đã có lúc bị xem nhẹ, là mục tiêu thứ yếu của các nhà lập pháp cũng như hành pháp. Ðiều đó thể hiện qua việc đạo Luật Mẹ - Hiến pháp 1992, chỉ có 3 lần nhắc đến vấn đề môi trường; Luật BVMT của Việt Nam ban hành năm 1993 và 2005 cũng chưa phát huy được tác dụng như mong muốn.

Nghiên cứu hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành cho thấy, hầu hết các quy phạm pháp luật mới chỉ dừng lại nguyên tắc chung; Chưa chú trọng việc lồng ghép cách tiếp cận quyền con người trong BVMT. Các quy định của pháp luật chưa làm rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan tới BVMT; Chưa chỉ ra BVMT không chỉ thuộc trách nhiệm của Nhà nước mà còn là quyền và trách nhiệm của toàn xã hội, cá nhân; Pháp luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng cả về quy trình, thủ tục để mọi cá nhân, công dân có thể tham gia vào việc giám sát BVMT và ban hành các quyết định cũng như tiếp cận tư pháp trong lĩnh vực môi trường. Vì thế, hệ thống pháp luật có liên quan tới BVMT ở nước ta chưa thực sự thu hút, lôi kéo được quần chúng nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội.

Cách tiếp cận quyền con người trong BVMT ở nước ta hiện nay cần rà soát, đánh giá lại hiện trạng pháp luật hiện hành; Bổ sung, hoàn thiện theo hướng lồng ghép cách tiếp cận quyền con người vào việc hoạch định chính sách và pháp luật có liên quan tới BVMT. Bên cạnh việc hoàn thiện hơn các quy định về xử lý hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, cần nghiên cứu, bổ sung quy định trong Hiến pháp về công dân có quyền được sống và bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn; Quyền và trách nhiệm được tham gia giám sát BVMT; Quy định chi tiết trong các văn bản luật và dưới luật về quyền của công dân, các tổ chức, đoàn thể được tham gia vào quá trình ban hành các quyết định, chính sách có liên quan tới môi trường và giám sát BVMT; Quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục liên quan tới quyền của cá nhân, công dân được tiếp cận thông tin về môi trường và trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp cung cấp và công khai thông tin, tác hại ảnh hướng đến môi trường; Quyền được đánh giá tác động, đền bù thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe, tinh thần của mỗi người.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về vấn đề BVMT có sự chuyển đổi và quan tâm đến môi trường khi có đến 10 lần đề cập về môi trường. Trong đó, bổ sung hai điều mới riêng về môi trường (Điều 46 và Điều 68), nhấn mạnh đến quyền được sống trong môi trường trong lành và nghĩa vụ của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc BVMT. Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cũng đưa ra nguyên tắc đầu tiên là BVMT là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức và cá nhân, đảm bảo quyền được sống và quyền yêu cầu được sống trong môi trường trong lành.

ThS. Nguyễn Đình Đáp - Tổng cục Môi trường

ThS. Bùi Phương Thảo, ThS. Nguyễn Thị Nhung - Học viện Cảnh sát nhân dân

Nguồn: Tạp chí MT, số 7/2013

Ý kiến của bạn