Banner trang chủ

Tham vấn cộng đồng tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái về quản lý rừng tự nhiên và bảo vệ môi trường

26/12/2014

     Trong bối cảnh hiện nay, rừng tự nhiên (rừng nguyên sinh) - nơi có nhiều gỗ quý và giá trị cao về đa dạng sinh học (ĐDSH) đang bị tàn phá nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến môi trường tự nhiên, môi trường sống của con người và suy giảm đáng kể nguồn ĐDSH. Trên thực tế, phần lớn diện tích rừng tự nhiên lại nằm trên các vùng núi cao ở các thung lũng, là nơi sinh sống của đa số đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, việc tổ chức các cuộc tham vấn cộng đồng dân tộc thiểu số về quản lý rừng tự nhiên và bảo tồn ĐDSH là việc làm cần thiết, là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT) và chính quyền địa phương.

     Xã Thượng Bằng La là vùng núi cao, nằm ở phía Tây Nam huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái với diện tích tự nhiên là 9.244,25 ha, trong đó, đất rừng tự nhiên và rừng phòng hộ là 3.164.16 ha, (chiếm 34,18%); Đất rừng sản xuất là 3.553.45 ha (chiếm 38%). Tổng dân số của xã có khoảng 8000 người, gồm 20 thôn với 2037 hộ dân, bao gồm 5 dân tộc chính và 1 số dân tộc ít người khác, trong đó chiếm tỷ lệ đông nhất là người Kinh và người Tày. Với các đặc điểm tự nhiên - kinh tế - xã hội có tính đại diện như trên, Trung tâm Giáo dục và Truyền thông Môi trường phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng chuyển giao Khoa học Công nghệ Tây Bắc thực hiện cuộc tham vấn cộng đồng về quản lý rừng tự nhiên và bảo tồn ĐDSH tại 3 thôn Đá Đỏ, thôn Mỏ và thôn Bắc trên địa bàn xã, nhằm giúp người dân địa phương (đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người) nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng tự nhiên; Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng trong quản lý rừng tự nhiên, BVMT. Đồng thời, thu thập ý kiến cũng như nguyện vọng, kiến nghị của người dân về những vấn đề liên quan đến quản lý rừng tự nhiên, góp phần đưa đất nước phát triển theo hướng bền vững. Cuộc tham vấn tập trung vào một số nội dung: Quy định về quản lý rừng tự nhiên và rừng trồng theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng tự nhiên; BVMT và ĐDSH; An toàn về môi trường trong khai thác rừng tự nhiên và rừng trồng; An toàn về xã hội trong chia sẻ lợi ích, phát triển bền vững; Quản trị rừng và xây dựng kế hoạch kinh tế hộ gia đình.

 

 

Tham vấn cộng đồng về quản lý rừng tự nhiên và bảo tồn ĐDSH

tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

 

     Kết quả tham vấn cho thấy, về công tác quản lý rừng tự nhiên, BVMT: Từ năm 1994, địa phương được giao quản lý và thành lập nhóm quản lý, bảo vệ rừng (nhóm 327). Số lượng các loại gỗ quý như lim, lát, trai, nghiến còn lại rất ít nên được quản lý chặt chẽ, cấm khai thác dưới mọi hình thức. Đến nay, việc giao đất rừng tự nhiên cho nhóm 327 đã được chính thức hóa bằng sổ đỏ. Đối với rừng tự nhiên sản xuất, được các hộ nhận quản lý, bảo vệ và hàng năm những hộ dân quản lý rừng được hưởng từ 50.000 -100.000 đồng/ha theo quy định, nhưng hiện nay không có tiền để chi phí cho vấn đề này. Tuy nhiên, có một số hộ đã được hưởng lợi từ sản phẩm măng tre Bát độ do trồng xen, trồng bù vào khu vực đất trống, song không đáng kể.

     Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Duy Hiển (Trưởng thôn Mỏ) và là người trực tiếp tham gia vào nhóm 327 cho biết, trước năm 1975, xã Thượng Bằng La có lâm trường và việc quản lý, khai thác, vận chuyển gỗ do lâm trường đảm nhiệm. Sau năm 1975, lâm trường giải thể, rừng nguyên sinh được giao lại cho kiểm lâm và nhân dân quản lý. Năm 1998, nhóm 327 được giao quản lý rừng nguyên sinh với diện tích 520 ha, nhưng do nhóm thường thay đổi về số lượng người, vì vậy nhiều năm qua, công tác quản lý rừng chưa tốt, dẫn đến việc người dân khai thác gỗ quý hiếm trái phép còn diễn ra nhiều. Do đó, địa phương mong muốn, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước giao rừng nguyên sinh cho cá nhân tự quản lý và có hợp đồng, biên bản kiểm tra gỗ, rừng hàng năm; Đồng thời, tăng cường phối hợp quản lý rừng nguyên sinh giữa nhóm 27 và kiểm lâm cũng như có các biện pháp, chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp khai thác gỗ trái phép.

     Về công tác bảo vệ ĐDSH và an toàn môi trường, hiện nay chính quyền địa phương và người dân đã hiểu được tầm quan trọng của rừng tự nhiên cũng như tác động của việc suy giảm rừng tự nhiên sẽ gây ra các hiện tượng suy giảm nguồn nước, ô nhiễm không khí, suy thoái ĐDSH, lũ quét, sạt lở đất, nên đã thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về bảo tồn ĐDSH và an toàn về môi trường trong việc quản lý, bảo vệ, trồng rừng và chăm sóc rừng tự nhiên, rừng trồng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về an toàn xã hội trong quá trình lập kế hoạch quản lý rừng và bảo tồn ĐDSH (đặc biệt là đối với dân tộc thiểu số).

     Để sử dụng, khai thác hợp lý vốn rừng tự nhiên, hướng đến phát triển bền vững và bảo tồn giá trị ĐDSH, chính quyền và người dân xã Thượng Bằng La mong muốn Chính phủ cho thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường, nhằm đảm bảo lợi ích và trách nhiệm của các nhóm cộng đồng, các hộ dân được giao trực tiếp quản rừng tự nhiên phòng hộ. Đối với rừng tự nhiên sản xuất, đề nghị Nhà nước nghiên cứu chính sách giao đất cho các hộ để tu bổ, làm giàu rừng tự nhiên, bảo tồn ĐDSH và có những nguồn ưu đãi, hỗ trợ cho người dân sống dựa vào rừng; Tổ chức diễn tập phòng tránh thiên tai cho các hộ dân sinh sống trong vùng nguy hiểm. Đồng thời, cần có kinh phí để cải tạo cơ sở hạ tầng, đảm bảo giao thông đi lại và BVMT. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ rừng tự nhiên, ĐDSH và môi trường sống.

 

Nguyễn Nguyên Cương

Trung tâm Giáo dục và Truyền thông Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2014

 

 

 

Ý kiến của bạn