Banner trang chủ

Tổng cục Môi trường quyết tâm thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài nguyên và Môi trường

12/08/2014

     Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh, triết lý và tư tưởng Hồ Chí Minh là cội nguồn dân tộc đã đến cùng thời đại. Tính nhân văn trong văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh là biểu hiện sâu sắc của trái tim yêu nước, gần dân, hiểu dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, phục vụ nhân dân. Tư tưởng đó đã kết tinh thành giá trị văn hóa dân tộc. Nhân văn trong triết lý nhân sinh và triết lý hành động của Hồ Chí Minh là hướng tới gắn liền hoạt động thực tiễn với văn hóa ứng xử của con người. Hồ Chí Minh luôn coi dân là chủ thể làm nên mọi giá trị, vì vậy phải thân dân, trọng dân và tin dân; lấy dân làm đối tượng phục vụ, nâng cao dân trí để thực hành dân chủ, đó là cốt cách văn hóa Hồ Chí Minh. Sự chân thành trong văn hóa ứng xử đã cảm hóa con người, thuyết phục và thu phục nhân tâm ở Hồ Chí Minh là tấm gương soi cho đương thời và hậu thế - Người tiêu biểu cho văn hóa ứng xử một cách dung dị và tinh tế - Văn hóa ứng xử Việt Nam.

     Thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách và văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh, ngày 11/4/2014, Ban cán sự Đảng Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 117- QĐ/BCSĐTNMT về việc quy định chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT.

     Triển khai Quyết định số 117-QĐ/BCSĐTNMT, ngày 14/7/2014, Tổng cục Môi trường đã có Công văn số 1316/TCMT-TCCB về việc thực hiện quy định chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT.

     Quyết định số 117-QĐ/BCSĐTNMT quy định chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT theo tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh về chính trị, đạo đức cách mạng và phong cách làm việc của Người là phương châm, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT trong quan hệ và công tác.

     Theo Quyết định, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT gồm: Trách nhiệm đối với Đảng, Tổ quốc "Trung thành, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh"; Trách nhiệm đối với nhân dân "Gần dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, hiểu dân, phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; Trách nhiệm đối với công việc "Hiểu biết, trách nhiệm, yêu ngành nghề, vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT, phát triển bền vững đất nước"; Trách nhiệm đối với đồng nghiệp "Đoàn kết, chân tình, thẳng thắn, hợp tác, giúp nhau cùng tiến bộ"; Trách nhiệm đối với bản thân "Nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật, có ý thức sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và BVMT".

     Đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành TN&MT, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ rất quan trọng và thường xuyên. Qua đó nhằm giáo dục, rèn luyện mình, xứng đáng là "người đầy tớ trung thành của nhân dân". Thực hiện chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh, cán bộ, công chức, viên chức ngành TN&MT cần:

     Nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn để nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc, coi đó là lương tâm và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức chân chính. Trung thành vô hạn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; bảo vệ Đảng, chế độ, nhân dân và sự nghiệp đổi mới, bảo vệ lợi ích của đất nước; hướng tới mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh".

     Luôn tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân dưới cả ba hình thức: làm chủ đại diện, làm chủ trực tiếp và tự quản cộng đồng; hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, giải quyết kịp thời những yêu cầu, kiến nghị hợp tình, hợp lý của dân; khắc phục thói vô cảm, lãnh đạm, thờ ơ trước những khó khăn, bức xúc... của nhân dân. Nâng cao ý thức dân chủ và kỷ luật, gắn bó với nhân dân, vì nhân dân phục vụ, tôn trọng tập thể, tôn trọng quần chúng nhân dân, luôn luôn quan tâm đến mọi người, gắn bó với nhân dân. Phải đặt mình trong tổ chức, tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc, pháp luật, kỷ cương. Mọi biểu hiện dân chủ hình thức, lợi dụng dân chủ để "kéo bè, kéo cánh", để làm rối loạn kỷ cương, để cầu danh, trục lợi hoặc chuyên quyền, độc đoán, đứng trên tập thể, đứng trên quần chúng..., làm cho nhân dân bất bình, cần phải lên án và loại bỏ.

     Có ý chí vươn lên, quyết tâm vượt qua nghèo nàn, lạc hậu, góp phần dựng xây đất nước phồn vinh, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, theo kịp trình độ các nước phát triển trong khu vực và thế giới; có trách nhiệm, yêu ngành nghề, vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT, phát triển bền vững đất nước; thực hiện bằng được mong ước của Bác Hồ kính yêu: "Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

 

Tranh cổ động - Ngọc Tân

 

     Có ý thức giữ gìn đoàn kết trong Đảng bộ Tổng cục Môi trường, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng trước mọi mưu đồ chia rẽ dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ Đảng với Nhân dân. Mọi biểu hiện cục bộ, bản vị là trái với tinh thần yêu nước chân chính.

     Nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc, có lương tâm nghề nghiệp trong sáng; quyết tâm phấn đấu để thành đạt và cống hiến nhiều nhất cho đất nước, cho dân tộc; quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Có tinh thần ham học hỏi, phát huy truyền thống hiếu học và quý trọng nhân tài của ông cha ta; biết vận dụng sáng tạo các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, các sáng kiến trong sản xuất, công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

     Giải quyết đúng đắn mối quan hệ cá nhân - gia đình - tập thể - xã hội; quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi; sẵn sàng phấn đấu hy sinh cho lợi ích chung, việc gì có lợi cho dân, cho nước, cho tập thể thì quyết chí làm, việc gì có hại thì quyết không làm. Làm việc gì trước hết phải vì tập thể, vì đất nước, vì nhân dân, phải nêu cao trách nhiệm của người lãnh đạo, không tham lam, vụ lợi, vun vén cá nhân... Thực hiện đúng lời dạy: "Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư " nêu cao phẩm giá con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

     Tích cực lao động, học tập, công tác với tinh thần lao động sáng tạo, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; biết quý trọng công sức lao động và tài sản của tập thể, của nhân dân; không xa hoa, lãng phí, không phô trương, hình thức; biết sử dụng lao động, vật tư, tiền vốn của Nhà nước, của tập thể, của chính mình một cách có hiệu quả.

     Kiên quyết chống bệnh lười biếng, lối sống hưởng thụ, vị kỷ, nói không đi đôi với làm, nói nhiều, làm ít, miệng nói lời cao đạo nhưng tư tưởng, tình cảm và việc làm thì mang nặng đầu óc cá nhân, tư lợi, việc gì có lợi cho mình thì "hăng hái", tranh thủ kiếm lợi, việc gì không "kiếm chác" được cho riêng mình thì thờ ơ, lãnh đạm. Không làm dối, làm ẩu, bòn rút của công, ăn bớt vật tư, tiền của Nhà nước và nhân dân. Phải có thái độ rõ rệt lên án và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, loại trừ mọi biểu hiện vô liêm, bất chính ra khỏi đời sống xã hội.

     Sự nghiệp đổi mới đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời tạo ra những thuận lợi và thử thách mới đối với mỗi chúng ta trong lĩnh vực đạo đức công vụ, công chức. Hơn lúc nào hết, Bộ TN&MTT nói chung, Tổng cục Môi trường nói riêng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức đúng đắn, tiến bộ; đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện và tăng cường quản lý đạo đức trong Đảng và trong công chức, viên chức và người lao động. Kế thừa truyền thống đạo đức tốt đẹp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Vấn đề cơ bản nhất khi thực hiện cuộc vận động là mỗi người chúng ta phải nhận thức đầy đủ vị trí của vấn đề đạo đức, thường xuyên tự giác, nỗ lực học tập, rèn luyện, tu dưỡng theo gương Bác Hồ vĩ đại.

 

ThS. Trần Thị Ngọc

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 7/2014

 

 

 

Ý kiến của bạn