15/11/2019
Trong thời gian qua, công tác quản lý chất thải nói chung và chất thải rắn (CTR) nói riêng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, việc thu gom, phân loại và xử lý CTR đang là vấn đề bức xúc ở cả nông thôn và đô thị, do nhiều nguyên nhân như cơ chế, chính sách còn bất cập; điều kiện kinh tế hạn chế; thói quen phân loại rác chưa được hình thành; thông tin tuyên truyền chưa thu hút được sự quan tâm của người dân; các hình thức xử lý vi phạm chưa nghiêm… Do đó, để việc thu gom, phân loại, xử lý CTR đạt hiệu quả, thì công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và xây dựng hành vi của người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư.
Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về quản lý CTR
Truyền thông là một quá trình nâng cao nhận thức, làm cho người dân nhận biết, hiểu về CTR và quản lý CTR. Từ đó làm thay đổi thái độ, để người dân có cách nghĩ, cách nhìn và hành động đúng đắn đối với việc thu gom, phân loại, xử lý CTR. Xây dựng hành vi là khâu cuối cùng của hoạt động truyền thông, được hình thành bởi quá trình cung cấp thông tin và tương tác xã hội hai chiều liên tục, làm cho người dân có nhận thức tốt, thái độ đúng, tự nguyện, tự giác tham gia và vận động những người xung quanh cùng tham gia thu gom, phân loại, xử lý CTR.
Đối với việc thu gom, phân loại, xử lý CTR, công tác truyền thông cần hướng tới 5 mục tiêu: Thông tin đúng và đầy đủ cho người dân về thực trạng CTR ở địa phương, từ đó giúp người dân quan tâm đến việc tìm kiếm các giải pháp thu gom, phân loại, xử lý CTR; Thông qua công tác truyền thông, người dân sẽ phát huy kinh nghiệm, kỹ năng, truyền thống và tập quán tốt, sử dụng tri thức bản địa vào thu gom, phân loại, xử lý CTR; Truyền thông làm cho người dân biết cách thương lượng, hòa giải các xung đột, khiếu nại, tranh chấp về CTR; Tạo cơ hội cho mọi thành viên trong cộng đồng tham gia thu gom, phân loại, xử lý CTR; Xây dựng thái độ, hành vi của quần chúng bỏ rác đúng nơi quy định.
Công tác truyền thông cần vận dụng “Bốn trụ cột của giáo dục”, được xem là “Triết lý giáo dục” của UNESCO vào công tác truyền thông. Đó là: Học để chung sống (người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư tích cực tham gia các hoạt động truyền thông về CTR); Học để biết (người dân biết về CTR và công tác thu gom, phân loại, xử lý CTR, đồng thời nắm được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý CTR); Học để làm (người dân học để có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng thu gom, phân loại, xử lý CTR; biết cách vận dụng những nội dung học được vào thực hành); Học để tồn tại (người dân học để có hiểu biết rằng CTR được sinh ra phần lớn do hoạt động của con người, con người chỉ có thể quản lý, chứ không loại bỏ được CTR).
Truyền thông nâng cao năng lực cho người dân tham gia quản lý CTR là quá trình liên tục, là nhiệm vụ hàng đầu, có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc. Bởi công tác truyền thông và giáo dục là chức năng, nhiệm vụ quan trọng của các chủ thể xã hội; CTR phát sinh hàng ngày trong cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, đơn vị; Quản lý, thu gom, phân loại, xử lý CTR là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; không chỉ làm trong một sớm một chiều, mà phải làm lâu dài ở mọi gia đình và cộng đồng dân cư. Hiệu quả của công tác truyền thông là kết quả (sản phẩm) cuối cùng của quá trình truyền thông (đầu ra của công tác truyền thông), được đo bằng nhận thức, thái độ và hành vi sống thân thiện với môi trường, chấp nhận thực hiện việc thu gom, phân loại, xử lý CTR.
Vì vậy, công tác truyền thông nâng cao năng lực cho người dân về CTR phụ thuộc vào 7 điều kiện: Kinh tế; Chính sách và luật pháp; Văn hóa (trình độ dân trí, truyền thống, tập quán…); Xã hội (vai trò của chính quyền, các đoàn thể nhân dân); Tâm lý của các đối tượng nhận truyền thông; Trình độ trí tuệ, năng lực của người nhận truyền thông; Kinh nghiệm và kỹ năng của các đối tượng nhận truyền thông. Bốn yếu tố đầu thuộc về cái chung (Nhà nước, địa phương, đơn vị) và ba yếu tố sau thuộc về cái riêng (cá nhân từng đối tượng nhận truyền thông). Bảy yếu tố này có tác động tổng hợp lên hiệu quả của công tác truyền thông đối với CTR.
Các bước nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư
Để có sự hiểu biết, người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư (người nhận truyền thông) phải trải qua các bước, đó là: Có sự hiểu biết về CTR và lợi ích của việc thu gom, phân loại, xử lý CTR; Tiếp thu những kiến thức về CTR; Có ý định thay đổi thái độ để có hành vi sống thân thiện với môi trường và thu gom, phân loại, xử lý CTR; Tham gia các hoạt động thu gom, phân loại, xử lý CTR; Là chủ thể của công tác truyền thông, trở thành tuyên truyền viên để truyền thông nâng cao năng lực cho mọi người xung quanh đối với thu gom, phân loại, xử lý CTR. Năm bước nâng cao nhận thức của người dân được xếp theo thứ tự từ thấp đến cao, có mối quan hệ hữu cơ, bổ sung cho nhau để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về CTR.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để người dân hình thành thói quen phân loại rác
Xây dựng hành vi của người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư tuân theo 6 bước: Người dân nhận biết được hành vi tốt và hành vi không tốt đối với việc thu gom, phân loại, xử lý CTR; Người dân quan tâm đến thay đổi thái độ và hành vi mới trong thu gom, phân loại, xử lý CTR; Người dân đặt ra mục tiêu thay đổi thái độ và xây dựng hành vi mới đối với thu gom, phân loại, xử lý CTR; Người dân làm thử và tự đánh giá hành vi của mình; Người dân thực hiện hành vi mới và tuyên truyền, vận động người khác thực hiện; Người dân cam kết thực hiện hiệu quả các giải pháp thu gom, phân loại, xử lý CTR. Sáu bước trong xây dựng hành vi đối với việc thu gom, phân loại, xử lý CTR của người dân có mối quan hệ hữu cơ, bổ sung cho nhau và có tính thứ tự trước sau.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về CTR
Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, cần có nhiều giải pháp tổng thể, toàn diện: Kinh tế, xã hội, giáo dục, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, tư pháp và huy động sự tham gia của người dân… Trong khuôn khổ của bài viết này, xin đề xuất bốn giải pháp:
Hoàn thiện chính sách và luật pháp: Trong quản lý nhà nước, chính sách có mối quan hệ mật thiết với pháp luật, chính sách là cơ sở nền tảng để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Nói cách khác, pháp luật là kết quả của sự thể chế hóa chính sách. Về hình thức thể hiện, nếu như chính sách là những tư tưởng, định hướng, mong muốn chính trị được thể hiện trong nhiều văn bản khác nhau thì pháp luật được thể hiện bằng các quy tắc xử sự mang tính pháp lý trong các văn bản quy phạm pháp luật, được ban hành bởi Nhà nước theo những trình tự, thủ tục nghiêm ngặt (hình thức, thẩm quyền, quy trình soạn thảo và ban hành). Về mục tiêu, nếu như chính sách (khi chưa được luật pháp hóa) chỉ là cái đích mà người ta mong muốn hướng tới, chưa phải là quy tắc xử sự có tính ràng buộc chung hay tính bắt buộc phải thực hiện, thì chính sách được thể hiện trong những văn bản quy phạm pháp luật lại là chuẩn mực có giá trị pháp lý bắt buộc chung, được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Một khi được luật hóa, chính sách không chỉ là định hướng, mà có tính bắt buộc phải thực hiện. Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về thu gom, phân loại, xử lý CTR cần sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới chính sách, nhằm khuyến khích tập thể và cá nhân tham gia quản lý CTR.
Sử dụng phương tiện thông tin đại chúng: Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay trong cả nước có 750 cơ quan báo và tạp chí, 65 đài phát thanh và truyền hình, 55 nhà xuất bản. Lực lượng báo chí và xuất bản của Việt Nam rất phong phú, đa dạng, là phương tiện truyền thông góp phần nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cho người dân về thu gom, phân loại, xử lý CTR. Các loại hình báo viết, báo phát thanh, báo hình đã phát hành, phủ sóng đến tất cả lãnh thổ của Việt Nam; báo điện tử hiện nay rất phổ biến, thông dụng và được người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư ưa thích. Do vậy, cần sử dụng báo chí như một công cụ hiệu quả để truyền thông, vận động cộng đồng dân cư tham gia thu gom, phân loại, xử lý CTR.
Sử dụng thiết chế văn hóa ở cơ sở và cộng đồng dân cư: Thiết chế văn hóa ở cơ sở, cộng đồng dân cư gắn liền với đời sống của nhân dân và là một phần không thể thiếu của xã hội hiện nay. Thiết chế văn hóa đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... của các địa phương trong cả nước. Thiết chế văn hóa cơ sở và cộng đồng dân cư không chỉ đơn thuần là những công trình vật chất cụ thể (đất đai, nhà hoạt động, đường giao thông, điện, nước), mà bao hàm trong đó là hệ thống cơ chế hoạt động, chính sách hỗ trợ; đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý, tổ chức hoạt động; các chủ thể tham gia... Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay toàn quốc có 4.823//11.100 cấp xã có trung tâm văn hóa, đạt tỉ lệ 43,4% và 45.259/101.231 cấp thôn có nhà văn hóa, đạt tỉ lệ 45%. Thời gian tới, cần sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở và cộng đồng dân cư vào công tác truyền thông về CTR.
Sử dụng đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên và cộng tác viên: Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ làm công tác truyền thông cần nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ làm công tác truyền thông về quản lý, thu gom, phân loại, xử lý CTR; Hỗ trợ đội ngũ làm truyền thông (lập danh sách để quản lý, cấp giấy chứng nhận, theo dõi hoạt động, cung cấp thông tin, tài liệu, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông, đánh giá, khen thưởng); Phát huy vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên, cộng tác viên bằng hình thức giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm; Xây dựng mạng lưới làm công tác truyền thông về BVMT nói chung và thu gom, phân loại, xử lý CTR nói riêng.
TS. Trần Văn Miều - Phó Chủ tịch
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)