Banner trang chủ

Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi sò lông, bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại xã Thuận Quý, Bình Thuận

17/10/2019

     Bình Thuận có bờ biển dài 200 km, diện tích mặt nước biển quản lý khai thác là 52.000 km2, với nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng, đặc biệt là các loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ như: điệp, dòm, bàn mai, sò lông… Những năm gần đây, nạn khai thác bừa bãi đã làm cho nguồn sò lông ở Bình Thuận cạn kiệt. Trước thực trạng đó, tỉnh đã triển khai thực hiện Dự án "Xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý sò lông, góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam". Ý tưởng hình thành dự án xuất phát từ sự cần thiết bảo vệ nguồn lợi sò lông của một ngư dân địa phương.

     Suy giảm nguồn lợi sò lông

     Thuận Quý là xã bãi ngang ven biển thuộc huyện Hàm Thuận Nam, là môi trường sống, phát triển của nhiều loài động vật thân mềm. Xã có số dân khoảng 3.500 người, trong đó hơn 60% làm nông nghiệp, khoảng 17% là lao động biển. Toàn xã có 12 tàu và 68 thúng chai lắp máy hoạt động khai thác thủy sản với khoảng 200 lao động biển. Sản lượng khai thác hàng năm từ 400  - 500 tấn, chủ yếu là các loại nhuyễn thể. Do tập trung khai thác, thiếu chú trọng đến việc tái tạo, nguồn lợi thủy sản (NLTS) ngày càng cạn kiệt, nhất là sò lông.

     Hơn 20 năm về trước, nguồn lợi sò lông ở vùng biển Thuận Quý rất dồi dào với trữ lượng khoảng 25.000 tấn, đến năm 1997, còn dưới 1.000 tấn và đến năm 2014 thì còn rất ít, khiến thu nhập của cộng đồng ngư dân ở đây bị giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống. Cùng với đó, dân số tăng nhanh, nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, do trình độ dân trí thấp tình trạng vi phạm các quy định về Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vẫn tiếp tục diễn ra với chiều hướng thủ đoạn ngày càng tinh vi. Việc khai thác tận diệt đã làm suy giảm nguồn lợi thủy sản biển nói chung và hủy hoại môi trường sinh thái biển, ảnh hưởng đến việc sinh trưởng và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ.

 

Sò lông ở vùng biển Thuận Quý được phục hồi

 

     Trăn trở vì nguồn lợi NLTS ở vùng biển Thuận Quý ngày càng cạn kiệt, trong đó có sò lông, năm 2008, ông Phạm Cường, một ngư dân làm ăn nhiều năm trên biển đã viết đơn gửi chính quyền, đề xuất được nuôi thí điểm sò lông sinh sản và sò lông thành phẩm. Qua khảo sát điều kiện sống và sinh sản của sò lông, ông thấy bản thân có đủ điều kiện, khả năng và kinh nghiệm nuôi sò lông sinh sản và thành phẩm với mục đích phát triển kinh tế gia đình, bảo tồn và phát triển giống sò lông. Tuy nhiên, do cơ chế, chính sách phân cấp quản lý vùng biển ven bờ chưa có, cho nên nguyện vọng của ông chưa được đáp ứng.

     Năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2010/NÐ-CP về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển, đã mở ra cơ hội cho ông Cường và cộng đồng  ngư dân xã Thuận Quý thực hiện được nguyện vọng. Nghị định  đã quy định UBND cấp huyện và cấp xã được phân cấp và hướng dẫn quản lý vùng biển ven bờ; phát triển các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng đối với việc quản lý NLTS ở vùng ven bờ.

     Tháng 1/2015, với quyết tâm của chính quyền địa phương và sự tài trợ của Quỹ môi trường toàn cầu – Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP-GEF/SGP), ý tưởng của ông Cường được lập thành Dự án: “Thí điểm mô hình đồng quản lý nguồn lợi sò lông, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả và bảo vệ sinh thái ven biển xã Thuận Quý”. Dự án được giao cho Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận điều hành và triển khai trên diện tích khoảng 16 km2 vùng biển ven bờ xã Thuận Quý trong thời gian 30 tháng.  Dự án đã thành lập Hội cộng đồng quản lý, khai thác nguồn lợi sò lông xã Thuận Quý, với sự tham gia của 50 thành viên, trong đó có ông Cường  là đại diện các hộ ngư dân hành nghề khai thác thủy sản tại địa phương. Ngoài cam kết thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật và quy chế của Hội, mỗi thành viên còn là một tuyên truyền viên vận động cộng đồng chung tay bảo vệ nguồn lợi từ biển. Đồng thời, các thành viên phân công trực theo dõi trên bờ và kết hợp giám sát trên biển. Trong quá trình khai thác, đánh bắt, thành viên Hội cộng đồng nếu phát hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác thì ngăn chặn và hỗ trợ cơ quan nhà nước xử lý và trực tiếp tham gia thực hiện thả giống tái tạo, giám sát, đánh giá môi trường…

 

Ngư dân thu hoạch sò lông

 

     Trong thời gian thực hiện Dự án, các thành viên của Hội cộng đồng đã thu gom và thả xuống biển được 112 tấn sò giống tại những khu vực là nơi sinh sống trước đây của sò lông; đánh dấu giới hạn vùng biển gồm 10  điểm chà kiên cố để bảo vệ vùng biển thuộc dự án và thu hút các loài hải sản đến sinh sống. Thực hiện các hoạt động này, ngoài nguồn kinh phí do chương trình UNDP-GEF SGP tài trợ, các ngư dân đóng góp gần 300 triệu đồng, gồm tiền mặt, phương tiện và nhân công để mua sò giống và thả giống ở các điểm chà kiên cố. Ngoài các hoạt động truyền thông, tập huấn về phương thức đồng quản lý, trong khuôn khổ dự án còn có Chương trình xây dựng Quỹ vay vốn xoay vòng không tính lãi với số vốn ban đầu là 160 triệu đồng cho ngư dân vay vốn thực hiện các hoạt động sinh kế bằng nghề khai thác thủy sản hoặc những ngành nghề khác trên bờ.

     Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Ðiều phối viên quốc gia UNDP-GEF SGP, cơ quan tài trợ Dự án cho biết: "Sau khi nhận được ý tưởng của ngư dân xã Thuận Quý, chúng tôi thấy rất hay. Qua quá trình khảo sát, cũng như tiếp xúc và làm việc với cộng đồng ngư dân nơi đây cho thấy, ngư dân sẽ thật sự vào cuộc, bởi trách nhiệm cũng như quyền lợi họ sẽ nhận được trong việc tham gia bảo vệ NLTS ven bờ".

     Cần nhân rộng mô hình

     Đánh giá của  Chi cục Thủy sản Bình Thuận sau 3 năm thực hiện mô hình cho thấy, mật độ sò lông đang dần được phục hồi, có thời điểm đạt 150 con/m2, thấp nhất cũng đạt 10 con/m2, với tổng trữ lượng khoảng 100 tấn với kích cỡ từ 40 - 50 mm. Lượng tôm hùm, cá ngựa, mực và cá các loại xuất hiện dày hơn. Dự kiến mất khoảng 2 năm sau khi kết thúc Dự án thì nguồn lợi mới phục hồi ổn định. Thêm vào đó, sò lông tự nhiên bắt đầu phát triển và sinh sản trở lại ở vùng biển Thuận Quý. Đồng thời, qua các đợt lặn quan sát của Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho thấy, nền đáy biển ít bị cào xới, tàn phá do hoạt động của nghề giã cào bay, các bãi ốc ruốc, ốc tỏi, sò nước… xuất hiện và sinh sản trở lại. Khi nguồn lợi sò lông phục hồi sẽ tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho ngư dân từ hoạt động khai thác, dự kiến có thể duy trì trữ lượng khoảng 1.000 tấn.

     Mô hình thí điểm đồng quản lý nguồn lợi sò lông ở xã Thuận Quý  thành công,  đã được chuyển giao lại cho chính quyền và Hội cộng đồng xã Thuận Quý tiếp tục cùng vận hành Dự án. Mô hình bước đầu đã huy động được cộng đồng ngư dân bảo vệ NLTS tại địa phương. Qua đó đã giảm bớt được phần nào trách nhiệm cho cơ quan quản lý chuyên ngành trong công tác bảo vệ, bảo tồn, phát triển NLTS, đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Thuận Quý. Ðây sẽ là mô hình sinh kế mới có tính khả thi cao, góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ kết quả của mô hình đồng quản lý nguồn lợi sò lông ở xã Thuận Quý, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình thí điểm đồng quản lý sò lông ở các xã Tân Thuận và Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam.

     Theo kế hoạch phát triển bền vững nghề khai thác sò lông xã Thuận Quý đến năm 2020 được UBND huyện phê duyệt, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình thí điểm đồng quản lý sò lông ở các xã Tân Thuận và Tân Thành. Đồng thời, tổ chức hình thức du lịch dựa trên các vùng sinh thái đã được phục hồi; cộng đồng ngư dân sẽ phát triển các ngành nghề mới gắn với phát triển du lịch như câu cá giải trí, lặn khám phá các rạn san hô…

     Ngoài ra, đề bảo vệ NLTS bền vững, trong thời gian tới, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với những ngư dân trong và ngoài  huyện cố tình vi phạm;  thuoqngf xuyên tuyên truyền cho ngư dân thấy rõ tác hại, nguy hiểm của việc làm đánh bắt thủy sản trái phép. Bên cạnh đó, cần phát huy tốt vai trò tổ chức đoàn, hội, lực lượng chức năng ở xã, phường;  tăng cường vận động, đấu tranh, phối hợp với các  vùng biển lân cận trong quản lý khai thác hải sản trên biển; ngăn chặn tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép thuốc nổ, vật gây nổ từ trong đất liền; lập đường dây nóng, tổ chức ngư dân ký cam kết không khai thác trái phép…

Đinh Xuân Lập -Trần Tân

Ý kiến của bạn