26/12/2014
KBT đất ngập nước Láng Sen
Trong những năm vừa qua, vùng đất ngập nước xung quanh KBT Láng Sen bị suy thoái nghiêm trọng do đất ngập nước bị chuyển đổi thành đất trồng lúa cùng với việc quản lý nguồn nước không thích hợp trong KBT. Việc duy trì mực nước nhân tạo cao trong vùng lõi KBT để phòng cháy đã làm thay đổi sinh cảnh, dẫn tới suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài quan trọng, trong đó có sếu đầu đỏ, những loài chưa thích nghi được với sự thay đổi môi trường tự nhiên và bãi ăn. Tuy nhiên, khoảng 1.500 ha của KBT là vùng đất ngập nước và được bao phủ bởi cỏ, tạo thành nơi sinh sản và trú đông quan trọng cho các loài chim di cư và đất ngập nước và nhiều loài cá khác.
Để cải thiện bảo tồn đa dạng sinh học tại KBT thông qua tăng cường quản lý KBT, hỗ trợ thực thi pháp luật, tuần tra và giám sát, Dự án sẽ triển khai các hoạt động: Phục hồi cảnh quan đất ngập nước ở KBT đất ngập nước Láng Sen nhằm duy trì các dịch vụ hệ sinh thái của sinh cảnh Đồng Tháp Mười; Nghiên cứu và giới thiệu các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH đến cộng đồng xung quanh; Nghiên cứu và triển khai vốn sinh kế hỗ trợ cho các cộng đồng tại vùng đệm theo các mô hình cải thiện sinh kế, như mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH (CSA); Đánh giá những hoạt động đồng quản lý khả thi ở KBT; Nâng cao hiểu biết của người dân địa phương về BĐKH và các biện pháp thích ứng với BĐKH.
Trong thời gian tới, WWF hướng tới tái phục hồi điều kiện tự nhiên của khu vực đất ngập nước thông qua hỗ trợ thực hiện một chế độ thủy văn mới giống với dòng chảy tự nhiên trước đó. Đồng thời, Dự án sẽ nâng cao năng lực cho các cán bộ KBT trong quản lý đất ngập nước và giám sát nguồn nước và động thực vật. Dự án cũng góp phần giải quyết các tác động của BĐKH lên các cộng đồng xung quanh thông qua hỗ trợ thực hiện mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH và tìm hiểu các cơ hội về sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đất ngập nước.
Phương Ngân
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2014