Banner trang chủ

Phụ nữ Quảng Ninh: Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi công dân

11/03/2020

     Tháng 8/2018, Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) xây dựng Dự án Plastic Action Network - Mạng lưới hành động giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế RTN (Dự án PAN), nhằm hình thành lối sống thân thiện với môi trường dựa trên bằng chứng khoa học, lợi ích xã hội, tính bền vững tại TP. Hạ Long và vịnh Hạ Long, hướng tới nhân rộng áp dụng ở cấp quốc gia để hỗ trợ Đề án “Nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Trong quá trình xây dựng hoạt động, Dự án PAN xác định Hội Phụ nữ (HPN) là đối tượng mục tiêu tác động quan trọng tại địa phương và Dự án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo hội viên HPN các phường trên địa bàn TP. Hạ Long. Trong đó, không thể không kể đến HPN phường Hà Trung với những nỗ lực, quyết tâm đồng hành cùng Dự án bằng những việc làm cụ thể.

      HPN là đối tượng mục tiêu tác động quan trọng

      Địa bàn phường Hà Trung (TP. Hạ Long) là khu vực có rất nhiều công trình xây dựng đang hoạt động nên người dân sinh sống tại khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm môi trường, cát bụi và hiện tượng ngập lụt. Vì vậy, được sống ở một môi trường Xanh - Sạch - Đẹp luôn là nỗi trăn trở của người dân phường Hà Trung nói chung, những người phụ nữ nói riêng. Đặc biệt, sau khi con đường 336 được TP nâng cấp, giúp thay đổi diện mạo khu dân cư, nhưng một số người dân vẫn đổ trộm rác thải sinh hoạt ra đường, xuống lòng mương, cống rãnh, làm ách tắc dòng chảy, gây úng ngập, mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

      Để giải quyết thực trạng trên, ngày 29 - 30/12/2018, GreenHub phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Hạ long tổ chức tập huấn về nâng cao năng lực cho HPN trong công tác xây dựng kế hoạch chiến lược giảm thiểu rác thải sinh hoạt và đồ nhựa dùng một lần, giúp các chị em HPN trau dồi kiến thức, kỹ thuật để thực thi những sáng kiến liên quan đến giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế. Sau đó, HPN phường Hà Trung đã xây dựng Dự án thu gom phế liệu, phân loại nhựa làm chai gạch sinh thái Ecobrick và trở thành một trong những phường đi đầu ở Việt Nam có HPN tiên phong trong công tác phòng chống, chủ động, tích cực cải thiện tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa (RTN).

     Cuộc cách mạng bắt đầu từ những việc làm nhỏ

     Ban đầu, từ những lần thu gom nhỏ lẻ, tận dụng từng chai nhựa thải bỏ của các hộ gia đình, mỗi tháng, HPN thu gom và bán được hơn 200 kg RTN. Số tiền tuy không nhiều, nhưng là nguồn động viên, giúp đỡ cho những chị em phụ nữ cò hoàn cảnh khó khăn trong phường. Về sau, các hội viên phụ nữ được cán bộ GreenHub tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật tái sử dụng chai nhựa và túi ni lông để làm gạch sinh thái, nhằm tận dụng nguồn tài nguyên tại chỗ để xây dựng công trình công cộng tại địa phương. Trong quá trình hoạt động, HPN cũng gặp không ít khó khăn, bởi một số người dân sẵn sàng chi trả 10.000 đồng/tháng cho nhân viên môi trường thay vì phải tự thu gom, phân loại và tái chế rác thải, vì sợ tốn thời gian và công sức. Nhưng sự nỗ lực trong đổi mới tư duy, lối sống của các hội viên phụ nữ phường Hà Trung không vì khó khăn mà chùn bước mà vẫn bền bỉ thuyết phục người dân tham gia. Hàng tuần, lãnh đạo HPN phường trực tiếp đến từng hộ gia đình vận động, thu gom từng vỏ lon bia, bìa giấy, chai nhựa nhỏ... Không làm việc trong âm thầm, cũng không coi thu gom, phân loại rác thải là việc làm đáng ngại, hội viên phụ nữ thực hiện công việc ngay ở khu vực công cộng để nhiều người biết đến, ban đầu họ tò mò, sau đó thấy ý nghĩa rồi sẽ tham gia và đóng góp rác tái chế vào chương trình để cùng lan tỏa nhiều hành động tích cực đến cộng đồng. Tại buổi bán phế liệu đầu tiên ở cổng nhà văn hóa khu phố 2, ngay sát trục đường chính 336 đã thu hút 30 hội viên phụ nữ tham gia, nhận được sự ủng hộ của 5 người đi đường với số tiền 500.000 đồng ủng hộ cho Quỹ Phụ nữ nghèo. Chính những nỗ lực nhỏ mỗi ngày của các chị em phụ nữ đã tạo ra sức ảnh hưởng, sự quan tâm từ những người xung quanh. Kết quả, trong 3 tháng đầu, với sự kiên trì của 7/7 tổ phụ nữ Chi hội khu 2 làm thí điểm, đã có 30 hộ gia đình tham gia vào hoạt động vừa thu gom, vừa vận động.

 

Hội viên HPN phường Hà Trung thu gom rác thải

 

     Phát huy hiệu quả, mô hình tiếp tục được nhân rộng ra 4 chi hội còn lại trong phường Hà Trung. Hoạt động tiêu biểu phải kể đến là Chi hội 1 đã tổ chức họp triển khai mô hình trên 10/10 tổ phụ nữ. Mỗi hộ gia đình được phát 1 bao tải để đựng phế liệu và hàng tháng, các chị phụ nữ dành từ 1 - 2 buổi để thu gom, bán phế liệu. Trong quá trình phân loại, các chị tận dụng rác thải là vỏ chai nhựa, vỏ hộp nhựa loại to để trồng hoa trang trí tại các khu vực công cộng trên địa bàn. Bên cạnh đó, các chị tuyên truyền đến tất cả thành viên trong tổ phụ nữ thu gom túi ni lông để làm thủ công chai gạch sinh thái. Mỗi ngày có 20 - 30 chị em phụ nữ tham gia làm chai gạch sinh thái vào lịch cố định - 3 buổi tối tập trung hàng tuần vào thứ 2,3,4. Trung bình mỗi tuần các chị làm được 15 chai và tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, các chị đã làm được 450 chai gạch sinh thái, góp phần xây dựng những công trình công cộng tại địa phương.

     Không những thế, nhận thấy các hộ kinh doanh trên địa bàn cũng xả thải một lượng lớn rác thải, HPN đã đến từng đơn vị thuyết phục tham gia thu gom, phân loại rác thải, đồng thời huy động Thành ủy hỗ trợ xe chở rác. Cùng với đó, được sự ủng hộ của gia đình, các chị em phụ nữ tích cực thu gom rác trên từng con đường, ngõ phố, thu hút cả người già và các em nhỏ tham gia, trong đó có nhiều bác đã ngoài 70 tuổi, trẻ em từ lớp 1 cho đến sinh viên... Đến nay, 5/5 chi HPN trên toàn phường Hà Trung đã tham gia vào “cuộc cách mạng” này với nhiều cách làm hay, sáng tạo. Có chi hội thu gom phế liệu làm đường hoa treo tường, có chi hội làm sản phẩm tái chế và điểm chung là tất cả các chi hội đều thu gom túi ni lông để làm chai gạch sinh thái. Ngoài ra, các chị em tiến hành thu gom bao bạt nhựa để tái chế thành những sản phẩm hữu ích cho đời sống hàng ngày như túi thay thế làn đi chợ, bình hoa trang trí trong các hội nghị, mũ đội che nắng; đan làn đi chợ từ dây buộc gạch, ngói của các công trình xây dựng… góp phần giải quyết khối lượng lớn RTN ra môi trường. Tất cả ý tưởng được hình thành từ quá trình thực tiễn cũng như thông tin được cập nhật do Dự án PAN cung cấp. Để khuyến khích các chị em hội viên làm việc, vào các ngày trong tuần, Chủ tịch HPN phường đều đến các tổ phụ nữ, các hộ gia đình, vừa để động viên tinh thần, vừa cùng với Ban cán sự các chi hội tuyên truyền, đổi mới trong cách làm; định kỳ mỗi quý tổ chức họp một lần để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm triển khai cũng như cách thức vận động và lấy ý kiến xây dựng các mô hình, sản phẩm mới, tạo sự kết nối, tính sáng tạo của các chị em hội viên.

     Đến nay, sau hơn 1 năm tham gia Dự án PAN, phụ nữ phường Hà Trung đã có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong việc xử lý rác thải tại nguồn, biến rác thành tài nguyên, hỗ trợ lẫn nhau trong đời sống sinh hoạt và trở thành những người phụ nữ tiên phong trong công cuộc giảm thiểu RTN ở Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

 

Bảo Bình

 

Ý kiến của bạn