Banner trang chủ

Phú Yên xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu

02/04/2015

     Phú Yên là một tỉnh duyên hải miền Nam Trung Bộ, giáp biển Đông với hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không thuận tiện, có vị trí quan trọng trong liên kết với các tỉnh Tây Nguyên và điều kiện để phát triển một nền kinh tế tổng hợp, đa dạng, đặc biệt là kinh tế biển. Tuy nhiên, Phú Yên cũng đang đứng trước nhiều thách thức trong tiến trình phát triển, đặc biệt là tìm kiếm các giải pháp phát huy lợi thế và sử dụng hợp lý tài nguyên, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

     1. Những tác động của thiên tai và BĐKH trên địa bàn tỉnh Phú Yên

     Tác động đến môi trường tự nhiên

     Nước biển dâng và sự gia tăng của các tai biến thiên nhiên do ảnh hưởng của BĐKH sẽ làm tình trạng ngập lụt thêm trầm trọng, gây khó khăn cho thoát nước, tăng xói lở bờ biển và nhiễm mặn nguồn nước ảnh hưởng đến nguồn sinh kế của cộng đồng. Bên cạnh đó, mực nước biển dâng và nhiệt độ nước biển tăng ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển và ven biển, gây nguy cơ xấu đến nền tảng sinh học cho các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển do triều cường.

     Trong tương lai, cùng với những diễn biến phức tạp của các yếu tố khí hậu sẽ kéo theo những thay đổi của các yếu tố tự nhiên khác trong cấu trúc lãnh thổ, trước hết đó là yếu tố thủy văn - yếu tố quan trọng của quá trình trao đổi năng lượng và tai biến thiên nhiên sẽ diễn ra nhiều với cường độ mạnh. Vì vậy, để phát triển bền vững và ứng phó với BĐKH cần thiết phải có những đánh giá và lồng ghép các yếu tố môi trường và BĐKH trong các quy hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

     Tác động đến các ngành kinh tế

     Nông nghiệp và an ninh lương thực: Tỉnh Phú Yên có cánh đồng Tuy Hòa là đồng lúa rộng nhất miền Trung, lương thực có thể tự cung cấp trong khu vực vàcác tỉnh lân cận. Hiện nay, tỉnh có 41 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và các hồ chứa nước nhỏ khác. Tuy nhiên, lượng mưa giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm nên hạn hán diễn ra gay gắt trên diện rộng kết hợp với bão, lũ, nắng nóng, giông lốc xuất hiện thường xuyên, gây khó khăn và thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là năng suất lúa.

     Theo thống kê, từ năm 2002 đến nay, hạn hán hoạt động với cường độ mạnh và tần suất lớn làm cho lượng nước trong các hồ chứa cạn kiệt ở mức báo động, đặc biệt là năm 2006-2007. Hạn hán đã làm tăng hiện tượng nhiễm mặn, nhiễm phèn, đồng thời thiếu nước cho cây trồng và làm tăng nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh, ảnh hưởng tới khả năng thâm canh tăng vụ.

     Ngành lâm nghiệp: BĐKH làm suy giảm quỹ đất rừng và diện tích rừng, đặc biệt là rừng ngập mặn ven biển chịu tổn thất to lớn do nước biển dâng. BĐKH làm suy giảm chất lượng rừng; gia tăng nguy cơ cháy rừng và gây khó khăn cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học rừng.

     Kết quả trên cho thấy, các tai biến thiên nhiên đang gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Trong đó, bão và nắng nóng là những nguyên nhân chính gây ra các thiệt hại cho cây trồng và vật nuôi, đặc biệt là cây trồng ngắn ngày (cây lương thực và hoa màu) và nuôi trồng thủy sản ven biển.

     Công nghiệp và xây dựng: Dưới tác động của BĐKH và mực nước biển dâng, một số cụm công nghiệp (CCN) ở vùng thấp bị ngập, giao thông bị chia cắt, nhà xưởng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN), thiết kế theo tiêu chuẩn cũ, không an toàn khi cường độ bão, lũ mạnh. Đặc biệt là các KCN ven biển, như: Hòa Hiệp, An Phú, Đông Bắc Sông Cầu… bị xuống cấp do sụt lún, nứt. Ngoài ra, ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm cũng gặp nhiều trở ngại đối với quá trình chế biến sản phẩm trồng trọt, sản phẩm chăn nuôi, chế biến hải sản, thủy sản.

     Du lịch: Dưới tác động của BĐKH, thiên tai bão lũ gia tăng làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch, giảm lượng khách, đặc biệt là mô hình du lịch ngoài trời. Nước biển dâng làm vùng ven bờ bị sạt lở làm nơi nghỉ dưỡng gần biển, các bãi tắm bị thu hẹp, mất đi sự hấp dẫn.

     Giao thông vận tải: BĐKH làm ảnh hưởng đến chất lượng của các công trình xây dựng, đặc biệt là giao thông vận tải - huyết mạch của ngành kinh tế. Mưa lớn, lũ lụt gia tăng vừa gây ra xói lở nền móng, phá vỡ kết cấu cầu đường, vừa gia tăng ngập lụt trên các công trình giao thông đường bộ, đường sắt cũng như đường ống cấp thoát nước.

     Nắng nóng nhiều hơn cũng ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, làm tăng đáng kể chi phí bảo trì, tu bổ các công trình và phương tiện giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không. Thời gian duy trì nắng nóng, mức nhiệt cao, làm gia tăng chi phí điều hòa nhiệt độ, nhất là trong vận chuyển hành khách. Theo tính toán của các chuyên gia trong 10 năm gần đây hệ thống cơ sở hạ tầng bị xuống cấp nhanh hơn, đặc biệt là hệ thống giao thông, nhiều tuyến đường bị chia cắt trong mùa bão lũ, mùa khô ô nhiễm bụi ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa và hành khách trên địa bàn tỉnh.

     Nơi cư trú và sinh kế: Dân cư phân bố không đồng đều trên địa bàn toàn tỉnh và tập trung chủ yếu tại các thành phố, thị trấn khu vực đồng bằng ven biển, nơi có mật độ dân số lớn lên đến 1.424 người/km2 (TP. Tuy Hòa) thì mức độ ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng đến đời sống người dân rất lớn. Khi mực nước biển dâng sẽ làm mất đất canh tác, đe dọa an ninh lương thực của tỉnh, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là người nghèo sẽ là đối tượng chịu nhiều tổn thương nặng nề nhất của biến đổi khí hậu do thiếu nguồn dinh dưỡng tối thiểu, thiếu khả năng tài chính, thiếu điều kiện tiếp cận thông tin để có thể đối phó kịp thời với sự thay đổi thời tiết - khí hậu.

 

 

 

Phú Yên tăng cường mối liên kết, huy động tối đa nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng

 

     Theo các kịch bản về BĐKH của tỉnh cho thấy, hầu như khu vực tập trung dân số của tỉnh đều bị ngập, vì vậy sẽ xảy ra 2 tình huống đối với những người dân sinh sống tại các vùng đồng bằng, ven biển và thành thị. Thứ nhất, khi diện tích đất ngày càng thu hẹp và bị bao phủ bởi nước thì người dân phải di chuyển chỗ ở, tìm đến các vùng đất cao hơn không bị ngập để tiếp tục mưu sinh kiếm sống. Thứ hai, họ phải thích nghi với cuộc sống ngập lụt, tuy nhiên, sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi nước lũ về kết hợp với xâm ngập mặn do nước biển dâng càng ngày cao, buộc người dân phải tích cực ứng phó và chuyển đổi cơ cấu hoạt động sản xuất phù hợp để duy trì sinh tồn.

 

     Bảng. Các tác động chính của BĐKH đến môi trường tự nhiên và hoạt động kinh tế - xã hội ở Phú Yên

Vùng

Môi trường tự nhiên

Kinh tế - xã hội

Đất

Nước

Không khí

Đa dạng sinh học

Vùng ven biển và Hải đảo

- Gia tăng sạt lở đất.

- Gia tăng bồi lắng ven biển

- Mực nước biển dâng

- Chế độ ngập lụt bất thường không theo quy luật.

- Tác động đến chế độ dòng chảy và thủy lực gây xói lở các khu vực cửa sông, ven biển.

- Gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan.

- Nhiệt độ tăng ảnh hưởng đến sức khỏe các loài thủy sản.

- Gia tăng bão và áp thấp nhiệt đới.

Diện tích rừng ngập mặn đứng trước nhiều nguy cơ bị phá hủy do chịu tác động tổng hợp từ các tai biến thiên nhiên.

- Nông nghiệp và an ninh lương thực

- Thủy sản

- Giao thông vận tải

- Xây dựng, hạ tầng, phát triển đô thị/nông thôn

- Môi trường/tài nguyên nước/đa dạng sinh học

- Y tế, sức khỏe cộng đồng/các vấn đề xã hội khác

- Kinh doanh dịch vụ, thương mại và du lịch

Vùng đồng bằng nhỏ hẹp

- Ven biển đất bị mặn hóa, sạt lở đất.

- Gia tăng vùng đất ngập nước

- Gia tăng lũ lụt và xâm nhập mặn

- Gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan;

- Nhiệt độ gia tăng

Phát sinh sâu bệnh đối với cây trồng, dịch bệnh đối với con người và vật nuôi.

- Suy giảm các giống loài truyển thống do không thích ứng được với BĐKH

- Nông nghiệp và an ninh lương thực; Thủy sản; Công nghiệp; du lịch; Cơ sở hạ tầng

- Y tế, sức khỏe cộng đồng/các vấn đề xã hội khác;

- Đe dọa sinh kế của người dân, đặc biệt là vùng sản xuất nông nghiệp

Vùng trung du phía Tây

Gia tăng xói mòn, rửa trôi chất dinh dưỡng trong đất

- Gia tăng lũ, hạn hán

- Tăng bồi lắng trên hệ thống sông, làm giảm khả năng trữ nước của hồ.

- Gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan;

- Nhiệt độ gia tăng

Làm thay đổi cấu trúc hệ sinh thái rừng và suy giảm tài nguyên thiên nhiên

 - An ninh lương thực;

- Giao thông vận tải;

- Y tế, sức khỏe cộng đồng/các vấn đề xã hội khác

- Đe dọa sinh kế của người dân

Vùng đô thị

- Ven biển đất bị mặn hóa, sạt lở đất.

- Gia tăng vùng đất ngập nước

- Mực nước biển dâng

- Gia tăng lũ lụt và ngập úng.

- Giảm chất lượng nguồn nước do xâm nhập mặn và phát tán chất thải.

- Nhiệt độ tăng.

- Gia tăng phát thải khí nhà kính vào môi trường, làm thay đổi chất lượng môi trường

Phát sinh sâu bệnh đối với cây trồng, dịch bệnh đối với con người và vật nuôi.

- Suy giảm các giống loài truyển thống do không thích ứng được với BĐKH

- Nông nghiệp và an ninh lương thực; Thủy sản; Công nghiệp; Du lịch; Cơ sở hạ tầng

- Y tế, sức khỏe cộng đồng/các vấn đề xã hội khác;

- Đe dọa sinh kế của người dân, đặc biệt là vùng sản xuất nông nghiệp

 

2. Thực trạng liên kết vùng của tỉnh Phú Yên trong phát triển kinh tế- xã hội thích ứng với BĐKH

     Liên kết vùng là tất yếu của quá trình phát triển do nhu cầu mở rộng quy mô kinh tế - văn hóa - xã hội của các địa phương trong vùng và giữa các vùng với nhau đòi hỏi các địa phương phải liên kết để cùng giải quyết các vấn đề nảy sinh, góp phần tăng sức cạnh tranh và quy mô phát triển trên cơ sở chia sẻ thông tin và lợi ích. Nội dung liên kết vùng cần đề ra trong tất cả các lĩnh vực, kinh tế, xã hội, doanh nghiệp, quản lý tài nguyên, xử lý môi trường. Trong đó vấn đề cần quan tâm là phát huy tiềm năng địa phương, vùng và cả nước, phục vụ công tác ổn định xã hội, an ninh quốc phòng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của từng địa phương, vùng và quốc gia.

     Tại Phú Yên, vấn đề liên kết vùng đã được quan tâm trong các quy hoạch phát triển của địa phương, chủ yếu là các lĩnh vực: Xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, đã thực hiện ký kết liên kết với các địa phương lân cận trong các hoạt động phát triển, điển hình như:

     Thực hiện các liên kết trong xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh đã nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Phú Yên - Tây Nguyên qua Campuchia - Lào - Thái Lan; tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I qua khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) đến Phú Yên là đầu mối tuyến đường sắt đi Tây Nguyên.

     Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp với Bình Định thực hiện các liên kết trong sản xuất, ký kết Bản thỏa thuận về phân vùng khai thác thủy sản ven bờ và nội dung phối hợp quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại vùng giáp ranh ven bờ vào ngày 5/4/2014. Đồng thời, thực hiện liên kết trong phát triển du lịch Nam Trung Bộ (Phú Yên - Bình Định - Khánh Hòa): Hiệp hội du lịch ba tỉnh Phú Yên, Bình Ðịnh và Khánh Hòa đã có sự liên kết, cùng giúp nhau phát triển. Trong đó, Khánh Hòa và Bình Ðịnh phát triển chủ yếu về các sản phẩm du lịch.

     Qua việc triển khai thực hiện liên kết vùng, tỉnh đã tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, tiết kiệm được chi phí trong sản xuất, tăng quy mô và sức cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên sự liên kết vùng tại Phú Yên vẫn nặng hình thức, chưa có nhiều những hoạt động cụ thể, thiết thực do thiếu cơ chế chính sách và nguồn đầu tư để đảm bảo các văn bản này được thực thi trong thực tế. Cho nên các tiềm năng chưa được khai thác, phát huy một cách hiệu quả.

     3. Giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH

     Trên cơ sở đánh giá năng lực thích ứng với BĐKH của tỉnh thông qua đánh giá khả năng thích ứng của các sở liên quan, khả năng phối hợp của người dân cùng với chiến lược quốc gia về BĐKH, tỉnh Phú Yên đã đề xuất các giải pháp:

     Xây dựng quy chế phối hợp quản lý đới bờ giữa các tỉnh lân cận trong việc tuyên truyền quản lý các hộ dân sống bằng nghề khai thác thủy hải sản ven biển, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên… để hạn chế tình trạng người dân từ tỉnh này qua tỉnh khác khai thác làm ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường.

     Giao Sở TN&MT tỉnh thực hiện phân vùng chức năng vùng bờ và xây dựng kế hoạch sử dụng tổng hợp tài nguyên vùng bờ theo hướng thích ứng BĐKH và nước biển dâng.

     Triển khai áp dụng các mô hình quản lý khai thác biển cộng đồng để khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý; Tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước về khoa học, công nghệ, vốn, cơ chế, chính sách cho các hợp tác xã nuôi nghêu giống; Xây dựng mô hình đồng quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn, tổ, nhóm bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

     Tập trung nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai, giám sát BĐKH của các cơ quan chuyên môn; Chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng; Tổ chức diễn tập sẵn sàng đối phó với các biến đổi của thời tiết (bão lớn, sóng thần…).

     Thực hiện đánh giá tiềm năng, giá trị của tài nguyên, quy hoạch, quản lý khai thác có hiệu quả, tiết kiệm và bền vững nguồn tài nguyên hiện có; Áp dụng các biện pháp cảnh báo, chia sẻ thông tin và lồng ghép các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ tài nguyên thiên; Ưu tiên sử dụng các ngành kinh tế phát thải ít cacbon; Từng bước phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo…

     Bên cạnh đó, cần tăng cườngliên kết vùng với các tỉnh lân cận (Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắc Lắc) trong công tác ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên (đặc biệt là tài nguyên rừng đầu nguồn; sử dụng và khai thác tài nguyên biển; tài nguyên nước) và BVMT (đặc biệt là môi trường lưu vực Sông Ba, môi trường biển ven bờ).

     Thành lập Ban chỉ đạo liên kết vùng ứng phó với BĐKH do Nhà nước điều phối, mỗi tỉnh sẽ có đại diện cung cấp và trao đổi thông tin.

 

ThS. Phùng Thị Quỳnh Trang

Trường Cao đẳng Kinh tế Thương mại

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2015

 

Ý kiến của bạn