09/03/2020
Nếu phát huy được hiệu quả của các làng nghề truyền thống gắn với du lịch thì lợi ích mang lại là rất lớn về kinh tế, việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời trực tiếp góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, trong Quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Thành phố Hà Nội cũng xác định du lịch làng nghề là hướng đi chính.
Trong những năm qua, Thành phố đã quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, lưới điện, nước sạch, cải thiện cảnh quan môi trường, hình thành đội ngũ thuyết minh viên tại cơ sở; tổ chức gặp mặt nghệ nhân, thợ giỏi... Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng hỗ trợ các làng nghề xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, xây dựng bãi đỗ xe… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch Hà Nội đã phối hợp với các làng nghề trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất hàng lưu niệm phục vụ du khách nhằm tăng lợi ích kép cho các làng nghề, chủ động nguồn cung tại chỗ.
Làng nghề truyền thống Bát Tràng là một trong những điểm đến thu hút du khách
Hà Nội hiện có khoảng 1.350 làng nghề, trong đó hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Nhiều làng nghề nổi tiếng, thu hút sự quan tâm của khách du lịch như: Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái, lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên)… Mặc dù sản phẩm các làng nghề phục vụ khách du lịch tương đối phong phú nhưng mẫu mã còn đơn điệu, việc kết nối giữa các làng nghề đến du khách chưa đồng bộ, hạ tầng tại các làng nghề còn nhiều bất cập… Do đó, mức độ tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề còn khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng.
Các nghệ nhân, cơ sở sản xuất tại các làng nghề mong muốn Sở Du lịch Hà Nội và cơ quan chức năng hỗ trợ làng nghề trong việc phát triển, tiêu thụ sản phẩm và có kênh thông tin giới thiệu điểm đến làng nghề. Đồng thời, các cơ sở sản xuất làng nghề cũng mong muốn được kết nối, hỗ trợ làm bao bì mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu cung cấp sản phẩm cho khách hàng.
Theo ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, để phát triển làng nghề gắn với du lịch một cách bài bản và lâu dài, cần có sự đầu tư hơn nữa, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách và phải được nhận diện một cách cụ thể... Trong đó, phải tính đến vai trò của nghệ nhân, chính quyền cũng như cơ quan quản lý trong việc giúp phát triển sản phẩm lưu niệm của làng nghề truyền thống.
Vũ Hồng