Banner trang chủ

Phát huy các giá trị đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng

12/02/2020

     Với những nét đặc thù về khí hậu, thời tiết, địa hình, Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Kon Chư Răng (xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai) đã hình thành hệ sinh thái động, thực vật phong phú và đa dạng. Để duy trì cảnh quan, gìn giữ đa dạng sinh học (ĐDSH), thời gian qua, Ban Quản lý (BQL) đã xác định rõ vai trò, nhiệm vụ trong việc bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị ĐDSH tại KBTTN Kon Chư Răng.

     KBTTN Kon Chư Răng được thành lập từ năm 2004 với tổng diện tích 15.446 ha rừng đặc dụng, có lâm phần tiếp giáp với 3 tỉnh: Kon Tum; Quảng Ngãi; Bình Định. Đây là khu rừng có giá trị khoa học, là nơi lưu trữ, bảo tồn ĐDSH cho thế hệ tương lai, phòng hộ cho các hồ thủy điện vùng hạ lưu sông Kôn, đồng thời chứa đựng tiềm năng du lịch sinh thái. KBTTN Kon Chư Răng nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, được xếp loại A tầm quan trọng quốc tế về ĐDSH, trong đó có nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm.

     Đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên

     Thời gian qua, BQL KBTTN Kon Chư Răng luôn chủ động tuần tra, kiểm tra rừng, phân công cho kiểm lâm viên phụ trách từng tiểu khu, trực canh gác các ngả đường mòn ra vào rừng. Đồng thời, kiểm lâm viên xuống thôn/làng nắm bắt thông tin, nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm lâm luật, nên rừng luôn được quản lý bảo vệ và phát triển tốt, các loài cây gỗ và động vật quý hiếm được bảo vệ nghiêm nghặt. Hiện nay, BQL đã thành lập 4 tổ bảo vệ rừng (BVR), dựng lán trại tại các vùng trọng điểm để quản lý BVR; ký quy chế phối hợp với 6 chủ rừng giáp ranh trong và ngoài tỉnh để tuần tra BVR, tổ chức truy quét lâm tặc trên địa bàn giáp ranh; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân vùng đệm, vận động người dân tham gia quản lý BVR; thực hiện khoán 4.000 ha rừng cho 6 cộng đồng người dân vùng đệm… Kết quả kiểm kê rừng so với thời điểm đơn vị mới nhận giao quản lý thì diện tích rừng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng; số lượng rừng giàu tăng, rừng nghèo, non giảm.

     Nhờ chính sách quản lý và BVR tốt, nên diện tích rừng che phủ đạt 98,5%, theo đó ĐDSH của KBTTN ngày càng phong phú, đa dạng với số lượng loài khu hệ thực vật ghi nhận năm 2018 là 881 loài (tăng 335 loài); khu hệ động vật có 413 loài động vật có xương sống, trong đó lớp thú 80 loài tăng 18 loài, lớp chim 228 loài tăng 59 loài so với kết quả điều tra sơ bộ của Điều tra quy hoạch rừng và Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế (Birdlife International) năm 2001. Ngoài ra, còn ghi nhận 72 loài bò sát, lưỡng cư; 211 loài côn trùng có trong KBTTN.

     Trong thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm của KBTTN tăng cường công tác tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi xâm hại thực vật rừng, động vật rừng hoang dã trái phép. Cụ thể: Hạt Kiểm lâm KBTTN đã thu, nộp về Công an huyện Kbang, Ban chỉ huy quân sự huyện Kbang 11 khẩu súng săn các loại (chủ yếu thu được ở vùng đệm); tháo dỡ nhiều đường bẫy; tịch thu nhiều tang vật, phương tiện vi phạm... Từ năm 2017 đến nay, Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Kon Chư Răng đã bắt, xử lý 6 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có 4 vụ săn, bắt động vật rừng trái phép; 2 vụ vận chuyến lâm sản trái phép; tịch thu tang vật/phương tiện vi phạm là 4 khấu súng các loại.

     Tăng cường nghiên cứu khoa học ứng dụng trong quản lý BVR, bảo tồn thiên nhiên

     ĐDSH là vấn đề then chốt, quyết định giá trị, tầm quan trọng của một KBTTN. Có thể nói, ĐDSH liên quan trực tiếp đến sự phát triển của KBTTN như nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái và các chính sách đầu tư. Để bảo tồn các giá trị ĐDSH trong KBTTN, BQL Kon Chư Răng chú trọng xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học như: Điều tra tổng thể ĐDSH trong KBTTN; xây dựng danh lục động thực vật; thu thập, làm tiêu bản mẫu động thực vật để lưu trữ, khẳng định các giá trị ĐDSH đã ghi nhận; nghiên cứu đánh giá giá trị quần thể, loài động thực vật đặc hữu, quí hiếm... Những việc này nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là khẳng định sự tồn tại các giá trị ĐDSH trong KBTTN, từ đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý tốt ĐDSH.

 

Tuyên truyền BVR, bảo tồn thiên nhiên cho các em học sinh ở xã Sơn Lang - vùng đệm của KBTTN

 

     Năm 2017 - 2018, để củng cố số liệu về ĐDSH của KBTTN. BQL đã đề xuất và thực hiện các công trình: “Điều tra đa dạng thành phần thực vật bậc cao có mạch và xây dựng phòng trưng bày, lưu giữ mẫu”. Kết quả công trình đã xây dựng được 400 bộ tiêu bản thực vật rừng kèm tài liệu mô tả; 800 ảnh màu các loài thực vật rừng; bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng thực vật chạy trên nền Microsoft Access; xây dựng thiết kế phòng trưng bày tại Khu BTTN Kon Chư Răng. Ngoài ra, KBT còn thực hiện các nghiên cứu điều tra, đánh giá hiện trạng các loài thực vật nguy cấp quý hiếm; Điều tra, lập danh lục và xây dựng bộ mẫu trưng bày các loài động vật; Đánh giá hiện trạng, phân tích nguy cơ xâm hại, mức độ xâm hại cô lập diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại.

     Triển khai đồng bộ các giải pháp BVR và bảo tồn thiên nhiên

     Trong công tác quản lý BVR, bảo tồn thiên nhiên, BQL KBTTN Kon Chư Răng đã sử dụng tổng hợp, đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có các các giải pháp nổi bật, đó là giải quyết vấn tốt đề chồng lấn đất, sản xuất nương rẫy luân canh của người dân trên đất quy hoạch rừng đặc dụng giao cho BQL KBTTN; Phát huy tinh thần làm chủ rừng thật sự, chủ động, sáng tạo, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong công tác quản lý BVR, bảo tồn thiên nhiên của từng công chức, viên chức được giao nhiệm vụ, thông qua hình thức phân công công chức, viên chức phụ trách đến từng tiếu khu rừng cụ thế, đồng thời mỗi Trạm Kiểm lâm đều có sổ tay công tác trạm và sổ tay tiểu khu cho các công chức, viên chức của Trạm để thực hiện nhiệm vụ được giao; Chủ động nghiên cứu, tìm hiếu, áp dụng các quy định trong các văn bản của ngành NN&PTNT, ngành TN&MT về bảo tồn ĐDSH, BVMT để đề xuất các nguồn kinh phí cho nghiên cứu khoa học, điều tra ĐDSH, thực hiện các biện pháp BVMT trong KBTTN.

     Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động BVR, bảo tồn thiên nhiên luôn được BQL đặc biệt quan tâm. Đây là giải pháp quan trọng, giúp người dân sống gần rừng hiểu được vai trò, tác dụng của rừng đối với cuộc sống mình cũng như các giá trị môi trường rừng đóng góp vào BVMT trong khu vực. Bằng nhiều hình thức khác nhau, các cán bộ Khu BTTN Kon Chư Răng đã truyền tải những thông điệp về rừng, ĐDSH đến các tầng lớp người dân vùng đệm của KBTTN và các em học sinh học ở các trường vùng đệm của KBTTN. Bình quân hàng năm KBTTN tổ chức tuyên truyền 8 đợt. Trong đó, đối tượng tuyên truyền tập trung là người dân thuộc 6 thôn/làng vùng đệm của KBTTN và con, em học sinh học ở các trường trong xã Sơn Lang và xã Đắc Roong thu hút 300 - 400 lượt người tham gia. Ngoài phương pháp tuyên truyền trực tiếp, BQL kết hợp với phương tiện máy chiếu, tài liệu, tranh ảnh, pano, bảng tam giác, bảng nội quy để tuyên truyền đến tận nhà văn hóa thôn, làng... Kết quả, nhận thức về rừng của người dân vùng đệm KBTTN được nâng cao, hạn chế tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng, đến ĐDSH của KBTTN.

Để cải thiện sinh kế, góp phần ổn định đời sống cho người dân vùng đệm, hàng năm BQL xây dựng nhu cầu kinh phí hỗ trợ thôn/làng vùng đệm theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg, kinh phí hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn(làng)/năm. Kinh phí này dùng để đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất (khuyến nông, khuyến lâm, giống cây, giống con, thiết bị chế biến nông lâm sản quy mô nhỏ); hỗ trợ vật liệu xây dựng cho thôn bản (đối với các công trình công cộng của cộng đồng như nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn bản, nhà văn hóa... ).

     Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, bảo tồn ĐDSH, phát triển rừng, duy trì cân bằng sinh thái và môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế cho cộng đồng người dân bản địa phương…, BQL KBT đã và đang làm giảm những tác động, rủi ro của thiên tai và các hoạt động của con người; góp phần tích cực vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Trần Viết Ty

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2020)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn