08/07/2014
TS. Graham Brookes - Giám đốc PG Economics, đồng tác giả chia sẻ “Sau 17 năm được ứng dụng rộng rãi, cây trồng biến đổi gen đã giúp cải tiến và tạo ra những phương pháp canh tác thân thiện hơn với môi trường, đồng thời cải thiện năng suất và thu nhập của người nông dân. Một nửa thu nhập từ canh tác và phần lớn lợi ích về môi trường thu được là nhờ những thay đổi trong cách sử dụng thuốc trừ sâu và nỗ lực giảm khí thải nhà kính ở các nước đang phát triển”.
Một số kết luận từ Báo cáo cho thấy, cây trồng công nghệ sinh học đã góp phần đáng kể vào việc giảm khí thải nhà kính từ sản sinh từ quá trình canh tác thông qua việc hạn chế năng lượng sử dụng, tăng lượng các bon lưu trữ trong đất. Năm 2012, 27 tỉ kg các bon điôxit đã được tiết kiệm khi không bị thải vào môi trường, lượng khí thải giảm được tương đương với việc “chặn” thành công 11.9 triệu xe ô tô lưu thông trên đường trong 1 năm.
Trong giai đoạn 1996 - 2012, cây trồng công nghệ sinh học đã giúp giảm 503 triệu kg thuốc trừ sâu (khoảng 8,8%). Lượng thuốc này tương đương với tổng lượng hoạt chất trừ sâu được sử dụng trên diện tích trồng trọt của 27 nước (Liên minh châu Âu) trong 2 năm. Vì thế, việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen sẽ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường khi lượng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ sử dụng trên các vùng đất có thể canh tác giảm khoảng 18,1%.
Cây trồng công nghệ sinh học mang lại nhiều lợi ích lớn về môi trường,
giúp nông dân tăng thu nhập
Công nghệ kháng sâu (IR) được ứng dụng trong bông vải và ngô đã tiếp tục cho thấy các ưu điểm khi góp phần khai thác tốt hơn tiềm năng năng suất của hạt giống nhờ hạn chế thiệt hại năng suất do sâu đục thân gây ra. Năng suất trung bình tăng lên trong giai đoạn từ năm 1996 - 2012 là trên 10,4% đối với ngô biến đổi gen và 16,1% đối với bông vải biến đổi gen kháng sâu. Bên cạnh đó, công nghệ kháng thuốc diệt cỏ (HT) được sử dụng trên đậu tương và cải dầu cũng góp phần làm tăng sản lượng ở một số nước, giúp nông dân Argentina trồng được một vụ đậu tương sau vụ lúa mỳ trong cùng một mùa, thu được năng suất cao hơn và tăng cường kiểm soát cỏ dại. Cũng trong giai đoạn này, cây trồng công nghệ sinh học “chịu trách nhiệm” cho sản lượng 122 triệu tấn đậu tương và 231 triệu tấn ngô tăng lên trên toàn cầu. Công nghệ cũng góp phần sản xuất thêm 18,2 triệu tấn bông vải và 6,6 triệu tấn cải dầu.
Cây trồng biến đổi gen giúp nhà nông có thể trồng được nhiều hơn mà không phải sử dụng thêm đất. Giả thiết nếu cây trồng biến đổi gen không được 17,3 triệu nông dân canh tác trong 2012 để đạt được cùng sản lượng, cần phải có thêm 4,9 triệu ha đậu tương, 6,9 triệu ha ngô, 3,1 triệu ha bông vải và 0,2 triệu ha cải dầu. Diện tích này tương đương với 9% diện tích đất trồng trọt ở Mỹ, 24% diện tích đất trồng trọt ở Brazil hay 27% diện tích đất trồng ngũ cốc ở Liên minh châu Âu.
Ngoài ra, cây trồng công nghệ sinh học giúp người nông dân có thể nhận thu nhập xứng đáng với công sức lao động của họ. Lợi ích kinh tế ròng thu được nhờ việc canh tác cây trồng biến đổi gen trong năm 2012 là 18,8 tỷ USD, tương đương với mức tăng trung bình 117 USD/ha. Trong vòng 17 năm (1996 - 2012), tổng mức tăng thêm của thu nhập từ canh tác trên cầu nhờ ứng dụng cây trồng biến đổi gen là 116,6 tỷ USD. Mức tăng năng suất thu hoạch cao nhất thuộc về nông dân ở các nước đang phát triển, nhiều người trong số họ rất thiếu nguồn lực và chỉ canh tác trên những mảnh đất nhỏ. Tổng thu nhập từ canh tác cây trồng biến đổi gen tăng thêm 116,6 tỷ USD có tỷ lệ được chia đều cho nông dân ở các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Có thể nói, cây trồng công nghệ sinh học được chứng minh là một phương án đầu tư hiệu quả cho nông dân trên toàn thế giới. Chi phí mà họ phải trả để tiếp cận được công nghệ này năm 2012 là 5,6 tỷ USD, tương đương với tỷ lệ 23% so với tổng lợi nhuận họ thu lại được từ việc canh tác (tổng cộng 24,4 tỷ USD tổng lợi nhuận thu nhập trang trại, trong đó đã bao gồm 18,8 tỷ USD chi phí tăng thêm cho việc áp dụng công nghệ) . Ở quy mô toàn cầu, cứ mỗi một USD đầu tư vào hạt giống biến đổi gen, người nông dân sẽ thu lại được trung bình 3,33 USD. Năm 2012, nông dân ở các nước đang phát triển thu được 3,74 USD cho mỗi đồng họ đầu tư vào hạt giống biến đổi gen (chi phí bằng 21% tổng lợi nhuận thu lại được nhờ ứng dụng công nghệ), trong khi nông dân ở các nước phát triển chỉ thu được 3,04 USD (chi phí bằng 25% tổng lợi nhuận thu lại được nhờ ứng dụng công nghệ). Tỷ lệ lợi nhuận thu lại được nhờ ứng dụng công nghệ của nông dân các nước đang phát triển cao hơn so với các nước phát triển chủ yếu phản ánh sự yếu kém hơn trong việc cung cấp và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đi kèm với mức lợi nhuận trung bình cao hơn ở các nước đang phát triển.
Trần Hữu Hải
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 6/2014