12/11/2014
Mặc dù Nhà máy góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cần Thơ nhưng trong quá trình hoạt động, Nhà máy đã thải ra tổng lượng bã mía phát sinh là 780 tấn/ngày, trong đó lượng bã mía sử dụng đốt lò hơi là 650 tấn/ngày, 130 tấn/ngày còn lại cung cấp cho Công ty TNHH Honkawa Vina để chế biến thức ăn gia súc; Bã bùn: 135 tấn/ngày; Tro thải (Phát sinh từ lò hơi) khoảng 5,04 tấn/ngày; Tổng lượng nước thải là 256,4 m3/ngày; Chất thải nguy hại: 1.430,4 kg/năm.
Trước tình trạng đó, Nhà máy đã tiến hành cải tạo hệ thống xử lý nước thải tập trung theo hướng bền vững. Do nước thải từ khu vực ép mía có hàm lượng BOD cao, nên để giảm thiểu ô nhiễm nước, Nhà máy đã lựa chọn phương pháp xử lý kỵ khí UASB kết hợp với hiếu khí Aeorten. Phương pháp này giúp giảm thiểu nồng độ các chất gây ô nhiễm đồng thời tận thu được khí biogas làm nhiên liệu nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Nhà máy đường Phụng Hiệp
Nước thải sản xuất được dẫn theo đường thoát nước riêng ra hệ thống xử lý nước thải. Dòng thải sau khi qua song chắn rác (SCR) ở đầu mỗi cống thu chảy qua bể lắng cát được đặt âm sâu dưới đất, ở đây sẽ giữ lại cát và các chất rắn lơ lửng có kích thước lớn. Phần rác thải thu được có thể dùng để sản xuất giấy, phân bón… Nước thải sau khi lắng cát được bơm qua bể điều hòa, trước khi qua bể điều hòa, nước thải được bơm qua trống lọc, lưu lượng nước thải đầu ra sẽ được điều hòa ổn định. Tại đây nước thải được thổi khí để làm thoáng sơ bộ và phân bố chất bẩn đồng đều khắp bể. Sau đó tiếp tục bơm nước thải qua bể lắng 1 để loại bỏ 1 phần BOD5, COD và SS. Tiếp tục, nước thải tự chảy qua bể kị khí kiểu đệm bùn chảy ngược UASB để xử lý sơ bộ nhờ áp lực thủy tĩnh, vì nước thải mía đường có đặc trưng là COD đầu vào rất lớn (khoảng 2.000 - 3.000 mg/l). Sau khi xử lý yếm khí, đầu ra bể UASB là khí sinh học được thu giữ lại làm biogas. Khí biogas thu được từ công đoạn này được dùng cho các mục đích khác như: đun nấu, nhiên liệu để đốt lò hơi hoặc dùng cho việc chạy máy phát điện. Đây là nguồn năng lượng được tái tạo để sử dụng vào hoạt động sản xuất làm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, BVMT và hướng đến phát triển bền vững.
Phần nước sau khi qua bể UASB đã được giảm tải lượng chất hữu cơ tự chảy qua aerotank để xử lý hiếu khí. Tại đây xảy ra quá trình xử lý sinh học, khí được thổi vào bể bằng các đĩa phân phối khí nhằm tăng cường sự xáo trộn chất bẩn và ôxy trong không khí đồng thời giữ cho bùn ở trạng thái lơ lửng. Sau thời gian lưu, nước từ aerotank tự chảy qua bể lắng 2 để lắng bùn. Tiếp theo, nước trong từ máng thu nước aerotank tự chảy qua bể lắng II, qua bể khử trùng bằng Clorine với dư lượng là 0,5 mg/l, sau đó thải ra nguồn tiếp nhận. Bùn từ bể lắng được đưa vào bể chứa bùn sau khi ổn định bùn được bơm tuần hoàn 1 phần vào bể aerotank, phần còn lại bơm qua bể nén bùn trọng lực và bơm qua máy ép bùn băng tải, bùn sau khi ra khỏi máy ép bùn băng tải tạo thành banh bùn được lấy đi bón ruộng, trồng cây, chế biến phân vi sinh. Chất lượng nước thải đầu ra phải đạt QCVN 40:2011/BTNMT-Cột A.
Như vậy, quá trình vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Nhà máy đường Phụng Hiệp đã tạo ra một nguồn năng lượng sạch (khí biogas) phục vụ nhu cầu sản xuất, phát điện. Ngoài ra, các chất thải sau xử lý và chất thải phát sinh từ hệ thống xử lý sẽ được thu gom và tái sử dụng triệt để. Đối với nước thải sau xử lý sẽ được sử dụng vào mục đích cung cấp cho lò hơi, giải nhiệt và tưới cây, góp phần hạn chế khai thác tài nguyên nước, tiết kiệm nguồn tài nguyên, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Đối với khí sinh học (khí biogas) được thu hồi, tái sử dụng vào mục đích khác như: đun nấu, nhiên liệu để đốt lò hơi hoặc dùng cho việc chạy máy phát điện. Đây là nguồn năng lượng được tái tạo để sử dụng vào hoạt động sản xuất làm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, BVMT và hướng đến phát triển bền vững. Bùn thải được thu gom và cung cấp làm nguyên liệu sản xuất đầu vào cho “Xưởng sản xuất phân bón hữu cơ đậm đặc 20.000 tấn/năm” thuộc Công ty cổ phần phân bón và hóa chất Cần Thơ…
Đức Anh
Nguồn: Tạp chí môi trường, số 10/2014