13/07/2020
Hiện nay, trên thế giới đang có chung một vấn nạn, đó là vấn nạn ô nhiễm môi trường sống. Nhằm giúp mỗi người hiểu rõ được sự cần thiết của việc BVMT, họa sỹ Cao Thị Thanh Thà, công tác tại Công ty TNHH Mỹ Thuật TAF đã chuyển tải những thông điệp BVMT qua những tác phẩm nghệ thuật của mình, thể hiện ý nghĩa nhân văn như vứt rác đúng nơi quy định, nhặt rác và dọn vệ sinh bãi biển, bảo vệ hệ sinh thái biển… Tạp chí Môi trường đã có cuộc trò chuyện với họa sỹ Cao Thị Thanh Thà.
Họa sỹ Cao Thị Thanh Thà đang trang trí cho những chú cá được làm bằng nắp chai tại Bến du thuyền Ana Marina (Nha Trang)
Xin họa sỹ cho biết, cơ duyên nào đưa họa sỹ đến với hoạt động BVMT?
Họa sỹ Cao Thị Thanh Thà: Tôi là một người được sinh ra ở nông thôn, vốn rất yêu thiên nhiên, học xong trung học tôi đã nỗ lực thi vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp – nơi đây đã dạy tôi biết thế nào là cái đẹp và cũng từ ngôi trường này đã cho tôi một cái nhìn mới về cái đẹp trong xã hội hiện đại. Tôi may mắn là một sinh viên ra trường làm đúng lĩnh vực được đào tạo. Tôi hoạt động trong mảng điêu khắc trang trí cảnh quan cho các khu trung tâm thương mại, các khu vui chơi giải trí. Hầu hết, các công trình tôi thực hiện đều nằm ở khu vực biển đảo, qua đó tôi có cơ hội gần với biển đảo và yêu biển đảo tha thiết từ lúc nào không hay. Khi ngắm những tuyệt tác nhiên nhiên ban tặng, tôi đã có những suy nghĩ: “những nơi đẹp như thế này mà bị con người hủy hoại với bao nhiêu là rác thải nhựa, phao xốp, túi ni lông....”, từ đó, tôi nghĩ mình cần phải làm gì đó để góp phần giảm thiểu rác thải ở những nơi này.
Thông qua những tác phẩm nghệ thuật của mình, họa sỹ muốn chuyển tải thông điệp gì đến với công chúng?
Họa sỹ Cao Thị Thanh Thà: Môi trường hiện nay đang bị tàn phá ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tác nhân chủ yếu gây nên sự biến đổi tiêu cực này không phải sinh vật sống nào khác mà chính là con người. Các hoạt động của con người không chỉ ảnh hưởng tới giới hạn những nơi con người đặt chân đến mà cả những nơi tưởng chừng cách biệt với chúng ta như đại dương và các điểm cực địa cầu xa xôi.
Tôi muốn các tác phẩm nghệ thuật của mình có thể nhắc nhở mỗi cá nhân một cách sinh động rằng xung quanh chúng ta đang bị “bao vây” bởi rác và rác. Tuy có thể cải tạo và nghệ thuật hóa thành một số tác phẩm nghệ thuật nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế và mang tính tuyên truyền. Thông qua các tác phẩm của mình, tôi muốn mang đến một sự thay đổi lớn trong việc truyền tải thông điệp về BVMT, đặc biệt là môi trường biển, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và du khách đối với việc sử dụng rác thải nhựa tái chế có trách nhiệm hơn, giữ gìn môi trường sống trong sạch và lành mạnh. Mỗi chúng ta hãy hạn chế dần, ngưng việc xả rác ra thiên nhiên, và trân trọng môi trường sống hơn, để những thế hệ sau không phải “lãnh đủ” vì sự vô tâm và thiếu trách nhiệm của thế hệ trước.
Trong các tác phẩm của mình tôi cố gắng tìm tòi và đưa ra một số tiêu chí chung về “vật liệu rác” có thể sử dụng được và cùng mọi người tập trung gom nhặt về xưởng rồi tiếp tục phân loại, xử lý vệ sinh, sau đó từng chút, từng chút một đưa chúng vào những tác phẩm phù hợp. Có lần chúng tôi gom được gần một xe ô tô tải rác thải nhựa, đặc biệt là nắp và chai nhựa, phải xử lý rất mất công, rồi biến chúng thành các bức tranh khổ lớn với những chú cá bằng nắp chai, hoặc các tác phẩm điêu khắc lấy cảm hứng từ các sinh vật biển. Tất cả rác thải nhựa được biến thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tái hiện một phần cảnh biển và hệ sinh thái biển.
Để tạo nên được những tác phẩm công phu đó, chỉ cá nhân tôi thì không thể hoàn thành mà là kết quả của sự lao động chăm chỉ của cả đội nhóm, những người cùng làm việc với tôi và bạn bè cùng sở thích. Điều may mắn đối với tôi là một số dự án sau khi lên ý tưởng được lồng ghép ngay từ khi thiết kế các dự án, trình chủ đầu tư và nhận được sự hỗ trợ kinh phí thực hiện, tuy nhiên không phải dự án nào chúng tôi cũng may mắn như thế.
Các sinh vật biển được tái hiện ở Khu bảo tồn Hòn Cau, Bình Thuận
Họa sỹ có thể chia sẻ những cảm nhận khi hoàn thành các tác phẩm và kỷ niệm nào để lại ấn tượng đối với họa sỹ trong quá trình đến với hoạt động BVMT?
Cao Thị Thanh Thà: Khi hoàn thành một tác phẩm, tôi luôn dành những giây phút một mình ngắm nhìn nó với suy nghĩ: Liệu tác phẩm của mình có đủ làm xúc động thị giác, khiến người quan sát tò mò về vật liệu và cách thức thực hiện, ý nghĩa của TP ? Từ sự tò mò về việc người nghệ sĩ làm nên tác phẩm này nhằm mục đích gì sẽ dẫn đến câu trả lời và cũng chính là thông điệp chúng tôi muốn gửi gắm qua tác phẩm.
Giữa năm 2018, tôi may mắn được biết đến Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và tham gia một chương tình sáng tác các tác phẩm từ rác thải nhựa và phao xốp tại Vườn quốc gia Bái Tử Long. Cuối năm 2018, tôi được thực hiện một dự án với đề tài tái chế rác thải nhựa cho đảo Vinpearl. Năm 2019, tôi được mời làm dự án trang trí phố đi bộ miễn phí cho người dân và du khách tại Nha Trang của chủ đầu tư Bến du thuyền Ana Marina từ các vật liệu tái chế là chủ yếu và cùng năm tôi tiếp tục tham gia sáng tác tác phẩm từ rác thải biển dành tặng Khu bảo tồn Hòn Cau tại Bình Thuận. Và đây cũng chính là tác phẩm để lại cho tôi nhiều kỷ niệm nhất, từ khâu di chuyển đến Bình Thuận cho đến khâu đi nhặt các chai nhựa, ni lông, vỏ tàu, lưới cá cũ trôi dạt quanh đảo, rồi xử lý biến chúng thành các sinh vật biển đáng yêu, cuối cùng là khâu cố định chúng trên đá. Khó khăn lắm chúng tôi mới mượn được chiếc máy phát điện để có thể khoan vào đá, cố định tác phẩm, nhưng khi mượn được máy thì đó lại đó chiếc máy chạy bằng xăng, mà xăng thì kiếm rất khó vì hầu hết tàu cá trên biển chạy bằng dầu, chúng tôi lại phải nhờ và chờ đợi từ đất liền gửi ra. Một kỷ niệm mang nhiều ý nghĩa là nhóm chúng tôi còn được các anh chị trong Khu bảo tồn Hòn Cau dạy cho một khóa ngắn hạn về kiến thức và kỹ năng để bảo tồn thiên nhiên hoang dã, điều này giúp chúng tôi hiểu đúng và hành động đúng hơn khi muốn bảo tồn thiên nhiên.
Trong thời gian tới, tôi dự định sẽ sáng tác các tác phẩm nghệ thuật tái chế từ vật liệu rác thải vô cơ và cả hữu cơ, mở triển lãm để có thể gửi gắm và truyền tải thông điệp nhiều hơn tới cộng đồng. Và tôi còn chút ý tưởng và trăn trở: Các tác phẩm của tôi chủ yếu là từ rác thải rắn, mà để bao hàm nhiều hơn các tác phẩm từ rác thải nói chung, tôi muốn tạo nên những tác phẩm từ khí thải đang bao vây các thành phố của chúng ta! Chúng rất đáng xa lánh nhưng cũng nên cho chúng một cơ hội để biểu hiện dưới ánh sáng nghệ thuật. Dự định thì rất nhiều, tôi hy vọng mình còn đủ khỏe mạnh và nhiệt huyết để có thể hiện thực hóa chúng.
Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
Nam Việt (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2020)