Banner trang chủ

Một số vấn đề về môi trường và sử dụng đất đai trong định hướng phát triển giao thông đô thị Hà Nội

12/06/2020

    Những năm gần đây, TP. Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư, cải thiện hạ tầng giao thông, tuy nhiên, tình trạng ùn tắc, quá tải, kẹt xe, ô nhiễm môi trường do khói bụi của các phương tiện vẫn đang là thách thức đối với TP. Vì vậy, việc đánh giá các bất cập, đưa ra các tiêu chí về môi trường và sử dụng đất đai trong quy hoạch giao thông của TP là cần thiết để phát triển giao thông đô thị Hà Nội đồng bộ, bền vững.

 

Quy hoạch giao thông đô thị Hà Nội cần gắn kết với các tiêu chí bảo vệ môi trường

 

Một số bất cập trong quá trình phát triển giao thông đô thị

    Thời gian qua, nhiều công trình hạ tầng giao thông của TP đã được hoàn thành, giúp giảm tải áp lực, tăng cường kết nối giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo thống kê, mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200.000 người, trong khi đó, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm. Trong khi đó, số lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh và đa số đều di chuyển xuyên qua khu vực lõi đô thị, nơi mà diện tích đất dành cho giao thông hạn chế, nên tình trạng tắc đường, kẹt xe xảy ra thường xuyên nhất là vào giờ cao điểm.

    Quá trình đô thị hóa khiến một lượng lớn người dân từ các tỉnh lân cận tập trung về Hà Nội ngày càng tăng, kéo theo sự gia tăng về số lượng phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy. Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 5,7 triệu chiếc xe máy. Một số công trình đang khai thác đã có lưu lượng xe vượt nhiều lần so với thiết kế, như cầu Thanh Trì, đường vành đai 3 trên cao có lưu lượng 122.606 xe/ngày đêm (gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế); cầu Vĩnh Tuy 75.596 xe/ngày đêm (gấp 6,3 lần thiết kế); đường Tố Hữu vào các giờ cao điểm lưu lượng vượt khả năng thông hành từ 1,1 - 1,4 lần… Thêm vào đó, nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn. Đặc biệt, nhiều phương tiện cũ nát, quá hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông, không chỉ đe dọa đến sự an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí, đe dọa đến sức khỏe và cuộc sống của người dân thủ đô.

    Ngoài ra, tình trạng ngập sâu, thời gian kéo dài ở nhiều tuyến phố vào mùa mưa, gây ô nhiễm môi trường kéo theo các nguy cơ lan truyền các dịch bệnh. Mặt khác, quá trình phát triển giao thông nói riêng cũng như quá trình phát triển đô thị Hà Nội nói chung trong những năm vừa qua với việc bê tông hóa đô thị đã làm suy thoái nghiêm trọng các tầng chứa nước dưới. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu và đánh giá đúng mức để có được định hướng trong phát triển giao thông đô thị Hà Nội trong những năm tới.

Các tiêu chí về môi trường và sử dụng đất trong phát triển giao thông đô thị Hà Nội

    Để có thể phát triển hệ thống giao thông đô thị Hà Nội trong tương lai đáp ứng các yêu cầu của phát triển bền vững, cần chú ý đến các tiêu chí liên quan đến BVMT như:

Đánh giá đầy đủ các tác động của phát triển giao thông đô thị đối với các giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan, sinh thái

    Thủ đô Hà Nội hiện nay có thể chia thành hai không gian phát triển chính: Không gian phát triển gắn kết với bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan; Không gian phát triển mở rộng (sau năm 1954). Đối với quá trình phát triển giao thông đô thị tại các khu vực không gian phát triển gắn kết với bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan cần bảo đảm không làm thay đổi hoặc làm mất đi các giá trị cần được bảo vệ, gắn phát triển với bảo tồn các giá trị của Hà Nội 1000 năm văn hiến. Mặt khác, đối với các vùng sinh thái nhạy cảm của Thủ đô như Vườn Quốc gia Ba Vì cũng cần đánh giá các tác động của phát triển giao thông có thể xảy ra gây tổn thương đến các hệ sinh thái. Đối với không gian phát triển mở rộng cần gắn kết với quy hoạch phát triển không gian chung, đảm bảo hài hòa giữa phát triển giao thông với cảnh quan kiến trúc đô thị, tạo nên một giá trị hiện đại đối với bộ mặt phát triển chung của Thủ đô, xứng với tầm vóc là trái tim của đất nước và khẳng định vị thế đối với khu vực và thế giới.

Định hướng và phương án phát triển giao thông đô thị phải gắn liền với quy hoạch phát triển chung đô thị và gắn kết với cải tạo, chỉnh trang bộ mặt kiến trúc đô thị:

    Trong những vùng không gian mở rộng của Hà Nội, có thể nhận thấy, việc định hướng phát triển đô thị không có sự gắn kết với định hướng phát triển giao thông. Đặc biệt, có sự khác biệt cơ bản về tỷ lệ phân bố các tuyến đường giữa vùng không gian cũ và không gian mở rộng: tỷ lệ tại quận Hoàn Kiếm là 12,53 km/km2, trong khi đó ở các quận mới được thành lập, chỉ số mật độ đường rất nhỏ, đặc biệt quận Long Biên và Hà Đông chỉ đạt 0,95 km/km2. Rõ ràng, việc quy hoạch chung đô thị không gắn kết đồng bộ với hệ thống đường giao thông là nguyên nhân tất yếu gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt là ở các cửa ngõ của Thủ đô

    Việc quy hoạch phát triển giao thông đô thị rất cần được nghiên cứu hợp lý giữa quỹ đất dành cho phát triển giao thông đặc biệt là các vùng nội đô mở rộng và đảm bảo bộ mặt kiến trúc đô thị. Việc giải quyết vấn đề trên đối với các khu vực mở rộng không phải là quá khó khăn nếu chúng ta gắn kết một cách khoa học giữa phương án phát triển chung đô thị và phương án phát triển giao thông. Mặt khác, các con đường được mở mới hoặc nâng cấp trong thời gian vừa qua quá tốn kém không phải do kinh phí đầu tư cho các hạng mục công trình mà lại chính là kinh phí dành cho giải phóng mặt bằng và tái định cư.  Khi phát triển giao thông đô thị cần nghiên cứu để tạo ra vùng không gian đệm để chỉnh trang đô thị. Vấn đề về kinh phí sẽ được giải quyết hợp lý khi chuyển đổi các giá trị đền bù tái định cư bằng giá trị kinh tế của các vùng đệm này mang lại. Mặt khác, việc đầu tư cho các không gian mang giá trị kinh tế và kiến trúc hiện đại tại các vùng đệm này đương nhiên sẽ tạo ra diện mạo hiện đại cho Thủ đô. Các vùng đệm này cũng sẽ tạo ra giá trị vàng để chúng ta tạo ra một quỹ đất và nhà tái định cư cho các hộ dân cư bị giải tỏa.

Hệ thống giao thông đô thị phải được phát triển đồng bộ

    Việc phát triển hệ thống giao thông đồng bộ phát triển các phương tiện giao thông công cộng với mục đích giảm lượng phương tiện giao thông cá nhân là biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng tắc đường hiện nay. Cần nghiên cứu để phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hợp lý và khoa học giữa hệ thống giao thông ngầm, hệ thống giao thông mặt đất và hệ thống giao thông trên cao đảm bảo liên thông giữa các tuyến giao thông.

   Việc phát triển hệ thống giao thông cũng cần nghiên cứu để kết nối hài hòa giữa giao thông đường bộ và đường sắt, điều này có thể vừa tiết kiệm được quỹ đất dành cho phát triển giao thông vừa tạo thuận tiện cho việc chuyển đổi các phương tiện đi lại trong đô thị một cách dễ dàng và hiệu quả. Mặt khác cũng cần tạo ra sự kết nối liên tục giữa hệ thống giao thông nội đô với hệ thống giao thông liên tỉnh đi xuyên qua trung tâm Hà Nội. Cần tạo ra những nút trung chuyển vận tải có sự kết hợp cả ba hệ thống giao thông trong tương lai của Thủ đô là hệ thống giao thông ngầm, mặt đất và trên cao.

    Với sự mở rộng và phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội như hiện nay, hệ thống giao thông đô thị theo ô bàn cờ tại Hà Nội không còn phù hợp, các tuyến giao thông đô thị cần phát triển theo các trục xuyên tâm và các tuyến đường vành đai một cách khoa học để hạn chế lượng hành khách đi vào trung tâm gây ra ùn tắc. Một số tuyến đường có tính chất huyết mạch giao thông, khi phát triển giao thông trên cao cần kết hợp cả đường bộ, đường sắt. Điều này sẽ giảm đáng kể quỹ đất và kinh phí dành cho phát triển giao thông khi  cải tạo và khai thác hợp lý các tuyến đường bộ và đường sắt hiện tại.

Phát triển giao thông đô thị gắn với BVMT

    Việc phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết hợp với tăng cường và hiện đại hóa các phương tiện giao thông cộng công là biện pháp hữu hiệu để giảm đáng kể lượng khí thải do các phương tiện giao thông gây ra. Tuy nhiên, để bảo đảm có một môi trường giao thông thân thiện cần đồng bộ giữa phát triển giao thông với hệ thống thoát nước, cây xanh và giảm thiểu bê tông hóa trong quá trình phát triển.

    Thiết kế hệ thống tiêu thoát nước trong phát triển giao thông đô thị phù hợp với quy mô phát triển giao thông đô thị và phát triển chung của Thủ đô. Thông thường hệ thống thoát nước đô thị thường được xây dựng gắn với phát triển giao thông đô thị, vì vậy nếu không đồng bộ hóa hai hệ thống này không những bất cập về tiêu thoát nước đô thị mà còn gây cản trở và làm gián đoạn quá trình hoạt động của các phương tiện giao thông đô thị.

    Cần dành quỹ đất hợp lý để phát triển hệ thống cây xanh, thảm phủ thực vật để cải thiện môi trường không khí trong phát triển giao thông đô thị và bổ cập cho các tầng chứa nước dưới đất. Giao thông đô thị rất cần các vành đai xanh, một mặt tạo ra cảnh quan đô thị thân thiện, mặt khác đây là bộ lọc không khí hữu hiệu cho môi trường đô thị. Trong các trường hợp có thể cần tạo ra những thảm phủ, vỉa hè, hành lang bảo vệ dọc tuyến đường giao thông có thể thấm nước để hạn chế các tác động tiêu cực đến các tầng chứa nước do quá trình bê tông hóa đô thị.

    Để giao thông đô thị thực sự được gắn kết với BVMT, trong quá trình quy hoạch và phát triển cần phải đặt ra các giải pháp ngăn ngừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhằm đảm bảo phát triển giao thông đô thị bền vững về môi trường. Trong đó, cần chú trọng đến phát triển các phương tiện giao thông sử dụng nguyên liệu sạch, tăng cường giám sát chất lượng môi trường trong các hoạt động giao thông để có thể đánh giá đúng mức độ ô nhiễm và đưa ra giải pháp phù hợp để BVMT theo các giai đoạn phát triển.

Đánh giá các rủi ro trong quá trình phát triển giao thông

   Việc phát triển giao thông đô thị Thủ đô Hà Nội trong tương lai chắc chắn sẽ phải theo hướng hiện đại hóa. Vì vậy, cần đánh giá đầy đủ các rủi ro có thể xảy ra đối với hệ thống giao thông đô thị để phòng ngừa, giảm thiểu và hạn chế các rủi ro đối với quá trình phát triển.

    Thủ đô Hà Nội nằm trên vùng được dự báo phải chịu đựng chấn động cấp 8, vấn đề quản lý rủi ro động đất cần được đặt ra một cách chính thức và cần được triển khai rộng rãi càng sớm càng tốt. Cần triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ theo định hướng đánh giá rủi ro động đất cho các khu vực đô thị thuộc địa bàn thành phố, nhằm đưa ra các giải pháp tốt và thiết thực cho vấn đề quản lý rủi ro trong quá trình phát triển giao thông đô thị.

   Đến nay, Bộ TN&MT đã hoàn thiện dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) và Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khoá XIII. Nội dung QHBVMT quốc gia trong dự thảo Luật được đồng bộ với pháp luật về quy hoạch và bổ sung một số nội dung quan trọng liên quan đến nguyên tắc BVMT. Dựa trên đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội, sức chịu tải của môi trường, mức độ nhạy cảm của môi trường, mức độ đa dạng sinh học, rủi ro môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu…, Quy hoạch BVMT quốc gia sẽ đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc khoanh định các khu vực cần bảo tồn, bảo vệ, phục hồi môi trường, sinh thái (các khu vực còn lại trên địa bàn quy hoạch sẽ được ưu tiên cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường của từng khu vực). Trên cơ sở Quy hoạch BVMT quốc gia, Quy hoạch TP. Hà Nội sẽ xây dựng các phương án phát triển cụ thể, gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử và bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch; bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, đáp ứng yêu cầu về cảnh quan khu đô thị, vệ sinh môi trường, góp phần triển khai đồng bộ và hiệu quả phương án kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó có phương án phát triển giao thông đô thị.

 

                                                                                                Nguyễn Vũ Trung

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2020)

 

Ý kiến của bạn