Banner trang chủ

Mô hình nông nghiệp không chất thải tại Việt Nam

10/03/2014

     Việt Nam là một nước nông nghiệp và có những mặt hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới như gạo, tiêu, điều, thủy sản. Nhưng giá các sản phẩm nông nghiệp còn chưa cao do chất lượng không đồng đều, an toàn vệ sinh không đảm bảo. Đối với thị trường thực phẩm trong nước vấn đề này cũng không phải ngoại lệ và thậm chí còn rất nóng. Việc người nông dân chạy theo năng suất và lợi nhuận bằng cách sử dụng các chất kích thích, chất hóa học trong sản xuất không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà còn cả người sản xuất, người bán và môi trường.

     Từ thực tế đó, nhu cầu về thực phẩm “sạch” đã bắt đầu hình thành và có những bước phát triển. Hiện đã có những mô hình và đơn vị tiên phong trong sản xuất và cung cấp các loại thực phẩm sạch như Tâm Đạt, Bác Tôm, Ecomart... ở Việt Nam. Tuy nhiên tính chủ động các yếu tố đầu vào của nông dân chưa cao. Bắt đầu từ năm 2011, Dự án Đổi mới sản phẩm bền vững (SPIN) đã triển khai mô hình trang trại hữu cơ không chất thải tại Quốc Oai, Ba Vì. Mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân đồng thời bảo vệ và cải tạo môi trường.

     Đây là một mô hình chăn nuôi trồng trọt tổng hợp nhiều mắt xích và đầu ra của quá trình này là đầu vào của quá trình kia, mọi rác thải trong sản xuất nông nghiệp trước kia như phân, nước tiểu gia súc, gia cầm, rơm rạ… đến lá cây cũng trở thành nguồn tài nguyên quý giá. Để làm được điều này dự án đã phát triển 25 công nghệ thuộc 7 gói để ứng dụng vào hoạt động sản xuất của trang trại. 7 gói công nghệ này bao gồm:

     Năng lượng tái tạo và sinh khối: Gói công nghệ này gồm Máy băm chặt; Bếp khí hóa; máy sấy năng lượng mặt trời. Các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cành cây…được đưa vào máy băm chặt cắt nhỏ sau đó được sấy khô bằng máy sấy năng lượng mặt trời và cuối cùng là cho vào bếp khí hóa để tạo ra nhiệt lượng phục vụ cho nấu nướng và tạo ra than bán hoạt tính, than này được sử dụng để lọc nước hay làm phân bón cho cây. Để vận hành bếp khí hóa, các loại phụ phẩm nông nghiệp khác như vỏ cà phê, vỏ trấu, lõi ngô… đều có thể dùng làm chất đốt. Như vậy, gói công nghệ này có thể xử lý một cách hiệu quả hàng tấn phụ phẩm nông nghiệp - vốn là một vấn đề gây ô nhiễm hiện nay thành nguồn chất đốt rẻ tiền phục vụ cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt thường ngày của người nông dân.

     Xử lý chất thải và chế biến thức ăn chăn nuôi: Việc sử dụng trùn quế và ấu trùng ruồi lính đen để chế biến chất thải sinh học (phân chuồng, rau quả thải bỏ...) đã giúp loại bỏ rác thải đồng thời tạo ra thức ăn gia súc và phân bón màu mỡ bổ sung dưỡng chất cho đất. Trùn quế phát triển và phân hủy chất thải, sau đó chúng được dùng làm thức ăn cho gà, còn phân trùn quế dùng làm phân bón.

     Phân bón hữu cơ tại chỗ: Bên cạnh việc sử dụng ruồi lính đen, giun quế, các chất thải hữu cơ còn được xử lý bằng cách ủ phân cao nhiệt với tấm toptex. Toptex là một loại vải không dệt có tác dụng đẩy nhiệt độ bên trong đống ủ lên tới 60oC - 70oC mà vẫn cho phép không khí lưu thông giữa trong và ngoài đống ủ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn hiếu khí hoạt động tích cực để phân hủy các chất thải hữu cơ, kìm hãm sự hoạt động của các loại vi khuẩn yếm khí - loại vi khuẩn tạo ra CH4. Như vậy, công nghệ này góp phần đáng kể vào giảm phát thải khí nhà kính.

 

Trồng cây luân canh và xen canh là phương thức canh tác bền vững trong nông nghiệp

 

     Bảo vệ cây trồng theo phương pháp tự nhiên: Những loại thuốc trừ sâu và bảo vệ thực vật để kiểm soát côn trùng thường gây ra những tác động tới môi trường và sức khỏe con người. SPIN sử dụng những phương pháp tự nhiên để bảo vệ cây trồng thay thế như trồng luân canh, xen kẽ làm tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và đồng thời bảo vệ dinh dưỡng đất. Sử dụng những loại cây cúc vạn thọ hay những loại cây họ đậu cùng với rau màu sẽ giúp giảm thiểu sâu bọ và cỏ dại. SPIN cũng đang thử nghiệm một số loại thuốc trừ sâu hại tự nhiên nhằm xua đuổi côn trùng, tiêu diệt rệp và thu hút các loại có lợi. Loại thuốc này được làm từ những loại nguyên liệu có thể tìm thấy ngay trong trang trại như ớt, thuốc lào và lá neem.

     Chăn nuôi hữu cơ và phòng ngừa dịch bệnh: Chăn nuôi không sử dụng nguồn thức ăn công nghiệp có kháng sinh và thuốc kích thích tăng trưởng mà dựa trên lượng thức ăn tạo ra ngay tại trại là chính. Việc phòng ngừa dịch bệnh dựa trên nguyên tắc làm tăng sức đề kháng và tạo môi trường sống lành mạnh cho vật nuôi. Công nghệ nền đệm lót sinh học xử lý phân và nước tiểu tại chỗ làm môi trường sống của vật nuôi không bị ô nhiễm, giúp vật nuôi vận động thường xuyên do đó làm tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Ngoài ra, công nghệ này làm giảm đến 50% công lao động cho người nông dân và 80% nước. Thức ăn chăn nuôi được lên men giúp cho người nông dân giảm đun nấu, giảm phát thải khí nhà kính và làm tăng khả năng hấp thụ của vật nuôi. Ngoài ra tỏi, gừng được sử dụng như một loại kháng sinh hữu hiệu để phòng và chữa một số bệnh dịch. Trên thực tế tại trại thử nghiệm chưa có trường hợp vật nuôi chết do dịch bệnh. Chất lượng sản phẩm tốt: vị đậm đà, thơm ngon, chế biến ít hao. Tuy vật nuôi lớn chậm hơn nhưng giá bán cao và giá sản xuất thấp nên vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

     Chế biến, đóng gói và bảo quản: SPIN đang nghiên cứu và phát triển một số công nghệ để bảo quản thực phẩm từ trang trại về thành phố mà không sử dụng chất bảo quản nhân tạo nào. Cụ thể là công nghệ màng MAP (bao gói khí quyển biến đổi). Màng MAP giúp duy trì ổn định mức các bon điôxit bên trong cho phép hoa quả và rau củ được bảo quản tốt. Ngoài ra, SPIN cũng phát triển một số kỹ thuật chế biến khác như làm mứt, muối hay sấy khô. Sản phẩm trang trại hữu cơ không những phải tuân thủ các điều kiện sản xuất chặt chẽ mà còn phải bảo quản theo cách tự nhiên.

     Cơ khí hóa nông nghiệp quy mô hộ gia đình: Diện tích trang trại nhỏ, khả năng tài chính hạn hẹp là thách thức lớn cho việc cơ khí hóa nông nghiệp. Tuy nhiên năng suất lao động có thể tăng mạnh nếu áp dụng một cách sáng tạo các giải pháp công nghệ: quy hoạch trại, thiết kế hệ thống tưới, sử dụng máy băm chặt…

     Có thể thấy, mô hình nông nghiệp không chất thải có những lợi ích: Giữ cân bằng chu trình địa hóa trong tự nhiên (các chu trình tuần hoàn của các bon, nitơ, phốt pho); Giảm sử dụng tài nguyên không tái tạo; Giảm chi phí sản xuất nông nghiệp; Nâng cao chất lượng môi trường (đất, nước, không khí); Tạo ra sản phẩm bền vững có chất lượng cao và giá trị lớn (thực phẩm tự nhiên, phân bón hữu cơ...); Ứng dụng ở nhiều quy mô khác nhau (hộ gia đình, trang trại gia đình, trang trại thương mại...); Dễ vận hành công nghệ và kỹ thuật; Tận dụng được nguồn lao động trong lúc nông nhàn.

     Trang trại Ba Vì có một nhiệm vụ quan trọng là xây dựng mô hình nông nghiệp hộ gia đình điển hình. Tại đây, SPIN đang triển khai ứng dụng thử nghiệm các gói công nghệ đã phát triển. Nhiên liệu hóa thạch và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ sẽ ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, một nền nông nghiệp bền vững sẽ ưu việt hơn nông nghiệp truyền thống vì hoàn toàn không sử dụng các nguồn đầu vào nhân tạo. Mục đích của Dự án không chỉ cung cấp các sản phẩm hữu cơ cho thị trường mà quan trọng là tạo ra một xu hướng chuyển dịch sang nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.

 

Phạm Như Trang

Dự án Đổi mới sản phẩm bền vững

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 2/2014

 

 

 

 

Ý kiến của bạn