Banner trang chủ

Huyện đảo Cô Tô: Phấn đấu trở thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia

03/03/2020

     Huyện đảo Cô Tô là một quần đảo gồm khoảng 50 đảo nằm ở phía Đông của tỉnh Quảng Ninh, có diện tích 46,2 km², 1.500 hộ dân, với gần 6.000 nhân khẩu. Những năm gần đây, Cô Tô đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Bằng việc đầu tư ngày càng đồng bộ về hạ tầng giao thông, du lịch, dịch vụ... Cô Tô đang nỗ lực để trở thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia vào năm 2020.

     Cô Tô - Đảo ngọc

     Cô Tô là vùng biển có giá trị đa dạng sinh học hàng đầu của Việt Nam, mang nhiều hệ sinh thái điển hình cho vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô. Đây cũng là nơi có nhiều loài hải sản quý hiếm như tôm hùm, bào ngư, hải sâm, cầu gai, cua, ghẹ, cá song, cá mú, mực, san hô sừng... Ngoài ra Cô Tô còn có những bãi biển sạch với làn nước trong xanh, bờ biển thoải cùng hệ sinh thái rừng nguyên sinh nhiệt đới được bảo tồn gần như nguyên vẹn... là thế mạnh để phát triển du lịch nơi đây.

 

Vẻ đẹp hoang sơ, độc đáo của Cô Tô

 

     Cô Tô lớn - Hòn đảo tiền tiêu, bao gồm những bãi biển như Tàu Đắm, Hồng Vàn, Vàn Chảy, Bắc Vàn, Vòm Si, Vụng Ông Viên… Tại bãi Bắc Vàn, du khách có thể chiêm ngưỡng loài sao biển, còn ở bãi đá Móng Rồng (trước đây gọi là bãi Cầu Mỵ) du khách sẽ được thỏa thích ngắm các con sóng, những vách núi kỳ thú lung linh trong ánh bình minh và huyền ảo lúc hoàng hôn. Nhưng nơi đẹp nhất của đảo Cô Tô lớn là bãi biển Hồng Vàn, nằm ở phía Đông, còn mang đậm nét hoang sơ, không khí trong lành, bãi cát trắng thoai thoải, mềm mại, dài như vô tận, màu nước biển trong xanh...

     Đặc biệt, đến với Cô Tô lớn du khách sẽ được khám phá rừng chõi nguyên sinh lớn nhất trong cả nước, có diện tích 10 ha, ở thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến, ngay trên đường tham quan, cách trung tâm huyện khoảng 9 km. Cánh rừng chạy dọc theo bãi biển Bắc Vàn, ôm trọn cả con đường nhựa. Theo các nhà khoa học lâm nghiệp, phải mất hàng trăm năm mới có được một rừng chõi nguyên sinh như ở Cô Tô. Tại đây có nhiều cây chõi cổ thụ cao hơn 20 m, tuổi thọ gần 100 năm. Ngoài giá trị cảnh quan, rừng chõi còn có giá trị về đa dạng sinh học - giá trị độc đáo của rừng nguyên sinh trên đảo Cô Tô. Với đặc tính là giống cây thân dẻo, dai, phân nhánh sớm, chịu được sóng gió và cát biển, rừng chõi nguyên sinh Cô Tô còn là rừng phòng hộ, bảo vệ cho xóm làng, luôn được người dân và du khách nhắc nhở có ý thức giữ gìn. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động tham quan, khám phá rừng, chụp ảnh lưu niệm, nghiên cứu… Nhất là vào tháng 4, khi hoa chõi nở, đây là khoảng thời gian thích hợp nhất để trải nghiệm rừng chõi, tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh, chỉ có tiếng chim muông - một trải nghiệm vô cùng thú vị. Có thể nói, vẻ đẹp của rừng chõi đã khiến nơi đây trở thành một trong những địa điểm du lịch lý thú đối với nhiều du khách.

     Cùng với đảo Cô Tô lớn là đảo Cô Tô con, nằm cách nhau hơn nửa giờ đi tàu loại nhỏ. Đảo Cô Tô con rộng hơn 200 ha, gồm một hệ thống rừng sinh thái phong phú, trong đó có nhiều loài cây gỗ và động vật quý hiếm. Nơi đây mang vẻ đẹp hoang sơ với bãi biển cát trắng trải dài, uốn lượn cùng những dải san hô lung linh dưới làn nước biển trong xanh. Ngoài ra, đến tham quan Cô Tô, du khách còn có cơ hội trải nghiệm ngọn hải đăng - “nóc nhà” của đảo ngọc, với 72 bậc cầu thang.

     Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường

     Năm 2012, lượng khách du lịch đến Cô Tô chỉ hơn 35 nghìn lượt, nhưng đến năm 2018 đã tăng lên hơn 320 nghìn lượt, mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng cho địa phương. Nhờ phát triển du lịch, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao với mức thu nhập hiện nay đạt gần 3.400 USD/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh Quảng Ninh. Cùng với đó, hạ tầng cảng, bến bãi và đường giao thông đến từng ngõ xóm ở Cô Tô được kiên cố hóa; công nghệ thông tin, truyền thông hoàn thiện ở mức độ tương đương với đất liền; các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế được đầu tư đạt chuẩn. Cô Tô cũng là huyện đảo đầu tiên trong cả nước được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và quy hoạch trở thành khu du lịch sinh thái biển cao cấp của quốc gia.

     Năm 2019, huyện Cô Tô đã làm việc với Tập đoàn Sun Group về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, dịch vụ huyện đảo, với mục đích phát triển đảo Cô Tô lớn thành đảo năng động; phát triển Thanh Lân thành đảo tĩnh lặng và hòa hợp với thiên nhiên; đảo Cô Tô con là điểm nhấn cho tổng thể quần đảo Cô Tô, đặc biệt, Cô Tô sẽ có sân bay, tiếp nhận các chuyến bay phổ thông. Về phía Cô Tô, địa phương cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, mặt bằng và hợp tác tốt với nhà đầu tư để những ý tưởng quy hoạch nhanh chóng trở thành hiện thực. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát triển các ngành có lợi thế như thủy, hải sản, du lịch, dịch vụ biển…

 

Rừng chõi nguyên sinh trên đảo Cô Tô

 

     Cũng trong năm 2019, UBND huyện Cô Tô và Hội Du lịch Cô Tô đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, trong đó có Hội thảo xúc tiến phát triển du lịch tại Hà Nội và Chương trình Famtrip với chủ đề “Cô Tô, ngọc Đông Bắc” tổ chức vào đầu tháng 3/2019, nhằm khảo sát các điểm tham quan tại huyện đảo với sự tham gia của đại diện gần 50 đơn vị lữ hành đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Ngoài việc khảo sát tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên thiên, giá trị văn hóa, đa dạng sinh thái, Hội Du lịch Cô Tô đã kiến nghị về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của địa phương từ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn. Với sự đầu tư hệ thống tàu cao tốc chất lượng cao, cùng cam kết của các doanh nghiệp du lịch, hãng vận chuyển, Cô Tô hứa hẹn sẽ mang lại những dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng nhất cho du khách. Các doanh nghiệp du lịch Cô Tô cũng đang nỗ lực hướng đến minh bạch giá cả và tăng cường quảng bá sâu rộng về tiềm năng, thế mạnh của địa phương thông qua nhiều kênh truyền thông.

     Huyện Cô Tô xác định không đánh đổi môi trường lấy mục tiêu tăng trưởng mà sẽ coi trọng phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao dân trí và đời sống của người dân; kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ, tái tạo tài nguyên, BVMT sinh thái để phát triển bền vững. Song song với đó, Cô Tô gắn kết chặt chẽ sự phát triển của huyện với sự phát triển trong khu vực, nhất là TP. Hạ Long, Khu kinh tế Vân Đồn, TP. Móng Cái và vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ. Đó cũng là quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong mục tiêu xây dựng Cô Tô trở thành đảo ngọc nơi tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc.

 

Lê Văn Tùng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2020)

 

Ý kiến của bạn