17/10/2019
Trong những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai đã tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho các hội viên hội phụ nữ và cộng đồng về BVMT. Nhiều phong trào BVMT đã được các cấp Hội trong tỉnh triển khai, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn.
Gia Lai là tỉnh có nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó phụ nữ có ý nghĩa quyết định trong mọi việc của gia đình và cộng đồng. Vì vậy, Hội LHPN tỉnh Gia Lai đã xây dựng mô hình “Làng phụ nữ kiểu mẫu” lồng ghép với các tiêu chí Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Để thực hiện mô hình, Hội đã đề ra các tiêu chí: 4 không (không có hộ đói, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá; Không có gia đình mắc các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan và vi phạm Pháp lệnh dân số; Không có người trong độ tuổi mù chữ; Không có người tham gia tổ chức phản động fulrô và vượt biên trái phép sang Campuchia); 5 có (nhà sinh hoạt cộng đồng và bộ cồng chiêng phục vụ sinh hoạt; điện, nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất; môi trường xanh, sạch, đẹp; 100% người tham gia sinh hoạt vào các tổ chức Đoàn thể, đóng hội phí và xây dựng quỹ Hội; 100% gia đình đạt gia đình văn hóa, làng văn hóa). Từ năm 2007, Hội đã triển khai thí điểm tại làng Klũ, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông. Đây là làng có 100% đồng bào dân tộc Jrai, 99% hộ dân theo đạo Tin lành. Làng có 55 hộ, 248 nhân khẩu, trong đó phụ nữ có 133 người, trình độ dân trí thấp, đời sống khó khăn. Sau 3 năm thực hiện mô hình, số hộ nghèo đã giảm 50%; làng đã có điện và có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% gia đình xây dựng nhà vệ sinh.
Lễ ra mắt "Làng phụ nữ kiểu mẫu" thôn Hòa Sơn, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, Gia Lai
Nhận thấy hiệu quả của mô hình, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhân rộng đến các thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh. Hội đã thực hiện điều chỉnh, đổi tên thành mô hình “thôn/làng phụ nữ kiểu mẫu” với 6 tiêu chí xây dựng phù hợp tình hình thực tế, đó là: Không có hộ đói, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá; Không có hộ gia đình vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình; Giảm số hộ vi phạm pháp lệnh dân số, tảo hôn và không có trẻ em suy dinh dưỡng, không có trẻ em bỏ học hoặc đến tuổi đi học mà ko được đến trường; Có môi trường Xanh - Sạch - Đẹp; Có nhà sinh hoạt cộng đồng và duy trì các tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; Có chi hội phụ nữ vững mạnh và có ít nhất 1 đảng viên nữ tại thôn, làng. Bắt tay vào xây dựng mô hình, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng làng, thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt nhóm và mỗi hội viên đăng ký thực hiện những tiêu chí; đồng thời khảo sát thực tế về đời sống và xã hội của từng thôn, làng để có giải pháp hỗ trợ thực hiện đầy đủ các tiêu chí. Cụ thể, đối với thôn, làng còn nhiều hộ nghèo thì phối hợp với Trung tâm khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật phát triển sản xuất và giống cây - con; phối hợp với các ngân hàng chính sách và thương mại cho vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Đối với thôn, làng còn nhiều hộ vi phạm Pháp lệnh dân số thì phối hợp với ngành y tế tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện kế hoạch hoá gia đình, tổ chức chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ...
Để giúp các hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Hội đã phối hợp với ngành nông nghiệp xây dựng các mô hình tổ liên kết “Nuôi vịt xiêm” ,“Trồng trọt chăn nuôi” ,“Nuôi cá trong ruộng lúa” ,“Trồng cỏ trong chăn nuôi”, “Cải tạo vườn tạp”, “3 trong 1”... nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tìm đầu ra các sản phẩm, giảm nhân công lao động giữa các thành viên, góp phần phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt các gia đình hội viên phụ nữ nghèo. Đồng thời, các tiêu chí về môi trường cũng được Hội LHPN tỉnh chú trọng. Do phong tục của người đồng bào dân tộc thiểu số thường không làm nhà tiêu và chăn nuôi gia súc ngay dưới gầm nhà sàn gây mất vệ sinh và ô nhiễm nhiễm môi trường. Trước thực trạng trên, các hội viên Hội LHPN tỉnh đã đến từng nhà vận động bà con, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và đưa gia súc vào chuồng phía sau nhà. Hội đã hỗ trợ kinh phí và huy động ngày công từ dân làng xây dựng được 7.581 nhà tiêu hợp vệ sinh. Ngoài ra, các chi hội phụ nữ tại các xã, phường, thị trấn hàng tuần đểu tổ chức triển khai tổng dọn vệ sinh trên các tuyến đường. Nhờ vậy, đường làng, ngõ xóm, khu vực công cộng trên địa bàn trở nên thông thoáng, sạch sẽ. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 58 “Làng phụ nữ kiểu mẫu”, 51 “Thôn phụ nữ kiểu mẫu” và góp phần không nhỏ trong việc đưa 49 xã về đích nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Cùng với đó, nhiều mô hình về BVMT cũng được triển khai như: “Hàng rào xanh”, “Con đường hoa”, “Đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa”... được triển khai. Các cấp Hội đã thực hiện lắp đặt 45 cống thoát nước, đào 29.961 hố rác sau vườn nhà, di dời 8.131 chuồng trại gia súc…; Huy động các cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải, bóc gỡ các loại biển quảng cáo, rao vặt, tờ rơi dán sai quy định, gây mất mỹ quan đô thị tại các cột điện dọc các trục đường chính trên địa bàn; Tiếp tục duy trì 13 mô hình “Hàng rào xanh” với chiều dài 9.800 m; 185 đoạn đường “Phụ nữ tự quản”…
Trong các cấp Hội làm tốt các phong trào bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo, tiêu biểu là Hội LHPN xã Tân An (huyện Đăk Pơ). Nhằm tạo điều kiện giúp hội viên, phụ nữ có nguồn vốn phát triển kinh tế, Hội LHPN xã Tân An đã phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ hội viên được tiếp cận các nguồn vốn chính sách ưu đãi. Tính đến cuối năm 2018, Hội đã phối hợp giải ngân vốn vay ưu đãi cho 20 hội viên vay trên 1 tỷ đồng, nâng tổng số dư nợ lên 15,2 tỷ đồng với 495 hộ vay. Đồng thời, Hội cũng phối hợp với Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh tạo điều kiện cho 135 hội viên vay với số tiền trên 1,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội tập trung triển khai hoạt động “Mỗi chi hội giúp ít nhất 1 hội viên thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều”. Để hoạt động này mang lại hiệu quả thiết thực, Hội LHPN xã thành lập 1 tổ “Phụ nữ tình nguyện” với 15 thành viên nhằm kịp thời huy động lực lượng giúp phụ nữ nghèo khi gặp khó khăn. Kết quả, Hội đã vận động hỗ trợ được 178 ngày công, trên 5 triệu đồng tiền mặt, 2 con heo giống và 3.214 cây giống cho hội viên nghèo. Đồng thời, tiết kiệm tối thiểu 5.000 đồng/hội viên/tháng đã thu hút 2.701 hội viên tham gia tiết kiệm được gần 240 triệu đồng (đạt 159% kế hoạch)…
Trong thời gian tới, Hội LHPN Gia Lai tiếp tục hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế BVMT; Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; Đẩy mạnh các phong trào BVMT, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia; Phối hợp tổ chức tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật về kiến thức, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, kỹ thuật chuyển đổi cây trồng..., qua đó trang bị những kiến thức cho hội viên, phụ nữ, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương. Đồng thời, xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc; cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn; tuyên dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, đóng góp lớn trong quá trình thực hiện xây dựng NTM.
Phùng Thị Quỳnh Trang - Trần Loan