Banner trang chủ

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hưng Yên: Thực hiện hiệu quả mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình

21/11/2019

     Xác định nhiệm vụ BVMT có ý nghĩa quan trọng, trong Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2020, Ban chấp hành (BCH) Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Hưng Yên đã đề ra mục tiêu “Nâng cao hiệu quả các hoạt động phụ nữ tham gia BVMT” với chỉ tiêu: đến cuối nhiệm kỳ, 100% cơ sở Hội tuyên truyền để hội viên thực hiện mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) tại hộ gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

     Triển khai các nội dung của Nghị quyết, BCH Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động gia đình hội viên phụ nữ thay đổi thói quen, nếp sinh hoạt để thực hiện phân loại và xử lý RTSH tại hộ gia đình; đồng thời, đưa vào trong tiêu chí thi đua hàng năm giữa tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; gắn tiêu chí phân loại, xử lý RTSH tại hộ gia đình với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; các cấp Hội LHPN huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Phòng TN&MT nhân rộng các mô hình điểm về phân loại, xử lý RTSH tại hộ gia đình, kiểm tra, giám sát các hộ tham gia thực hiện mô hình tại địa phương...  

     Đối với các mô hình điểm đã thực hiện hiệu quả từ năm 2014 - 2015 tại một số xã thuộc các huyện Yên Mỹ, Phù Cừ, Tiên Lữ, Ân Thi, với 860 hộ tham gia, hiện nay, 70% số hộ gia đình tại các xã vẫn duy trì việc thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt. Trước đây, do các xã chủ yếu làm nông nghiệp nên thói quen vứt rác xuống ao, rạch, sông ngòi và trên các tuyến đường nông thôn vẫn còn phổ biến. Nhiều hộ gia đình trong xã thường xử lý rác thải bằng cách đốt hoặc đổ rác ra môi trường bên ngoài... Thói quen này đã gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người. Trong công tác phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc cây trồng chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn cho môi trường; chất thải chăn nuôi gia súc, gia cầm của các hộ gia đình thải trực tiếp ra ao, hồ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.

 

 

     Trước thực trạng trên, Hội LHPN tỉnh đã vận động hội viên phụ nữ tham gia mô hình phân loại, xử lý rác và ký cam kết thực hiện. Các cấp Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã đưa nội dung hướng dẫn, phân loại, xử lý rác hữu cơ vào lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội. Cùng với đó, việc tuyên truyền được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ, lớp tập huấn chuyên đề và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội, hội viên nòng cốt. Nội dung tập huấn tập trung vào hướng dẫn quy trình phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình theo hướng cầm tay chỉ việc tới tận hộ gia đình: Từ phân loại rác (rác hữu cơ, rác vô cơ, rác phế liệu có thể bán được); hướng dẫn cách pha chế, sử dụng và bảo quản chế phẩm sinh học (EM); quy trình xử lý rác hữu cơ bằng thùng nhựa hoặc hố có nắp đậy. Đồng thời, Hội LHPN tỉnh đã đăng tải nội dung quy trình phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình trong cuốn Bản tin Phụ nữ Hưng Yên, trang thông tin điện tử Hội LHPN tỉnh… nhằm cung cấp, truyền tải thông tin đến các chi hội, tổ phụ nữ để giới thiệu trong các buổi sinh hoạt hội viên… Nhiều Hội thi tìm hiểu kiến thức về BVMT bằng hình thức sân khấu hóa cũng được tổ chức, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia. Từ năm 2016 đến nay, Hội LHPN tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động, phối hợp với Sở TN&MT, Sở KH&CN tổ chức được 386 lớp tập huấn, tuyên truyền cho 54.562 lượt hội viên phụ nữ về kiến thức BVMT. Thông qua các hoạt động, cán bộ, hội viên phụ nữ để hiểu rõ về cách thức phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, thay đổi hành vi của chị em phụ nữ trong việc xả RTSH ra môi trường.

     Để việc phân loại rác thải trở thành thói quen của mỗi cá nhân trong từng hộ gia đình, cán bộ của Hội LHPN tỉnh đã đến từng nhà vận động, phân tích tác hại cũng như lợi ích của từng loại rác để các hội viên phụ nữ trong xã hiểu, làm theo. Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình phân loại rác ở địa phương, Hội đã phân công cán bộ tăng cường đi cơ sở nắm tình hình, đôn đốc và hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện phân loại rác; cách pha chế, sử dụng và bảo quản chế phẩm sinh học (EM), cách xử lý rác… Công tác giám sát việc thực hiện mô hình được BCH Hội thực hiện định kỳ 6 tháng/1 lần. Qua kiểm tra, kịp thời phát hiện những hạn chế, vướng mắc để có biện pháp khắc phục, đồng thời phát hiện những tập thể, cá nhân thực hiện tốt để tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng. Đến nay, đã có 144/161 xã, phường, thị trấn, vận động, hỗ trợ 77.064 hộ gia đình thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, đạt tỷ lệ 22,32%, qua đó, giảm được chi phí vận chuyển, xử lý rác ở khu tập trung, góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

     Trong số các cấp Hội phụ nữ cơ sở được biểu dương có thể kể đến Hội LHPN xã Tam Đa (Phù Cừ), với trên 1 nghìn hội viên sinh hoạt tại 4 chi hội. Từ năm 2016, Hội LHPN xã Tam Đa bắt đầu triển khai thực hiện chương trình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, góp phần giảm thiểu lượng rác thải thu gom hàng ngày, tận dụng một phần để làm phân bón cho cây trồng. Đến nay, 942 hộ gia đình hội viên vẫn tích cực duy trì việc phân loại rác thải tại nguồn, hầu hết các hộ đều nhận thấy hiệu quả thiết thực bởi đã giảm 30 - 50% lượng rác thải cần thu gom mỗi ngày. Tất cả các loại rác hữu cơ như: Cơm thừa, cỏ, cuống rau xanh, trái cây hỏng… đều được thu gom, sau đó bỏ vào hố rác, thùng rác rồi rắc chế phẩm sinh học và ủ từ 25 - 30 ngày sẽ thu được một lượng phân hữu cơ  bón cho cây trồng. Ngoài ra, Hội phụ nữ xã Tam Đan vẫn đang duy trì 3 tổ thu gom rác thải do 9 hội viên của Hội đảm nhiệm với việc thu gom RTSH tại các hộ gia đình trong xã rồi chuyển về điểm tập kết thu gom rác thải tập trung của xã.

     Song song với việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ, Hội LHPN tỉnh còn hướng dẫn các cấp Hội phụ nữ xây dựng mô hình phế liệu sạch, với phương thức hoạt động: Các hộ gia đình sau khi phân loại RTSH, đối với những loại rác khó phân hủy, có khả năng tái chế như bìa các tôn, vỏ lon bia, chai nhựa, giấy vụn, đồ nhôm, sắt … được thu gom để bán, số tiền thu được dùng để hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Với cách làm này, mỗi mô hình có thể mang đến thu nhập từ 300.000 - 2.000.000 đồng/tháng cho các chị em phụ nữ khó khăn. Hiện toàn tỉnh có 164 mô hình phế liệu sạch hoạt động có hiệu quả.

     Năm 2018, các cấp Hội phụ nữ cơ sở còn triển khai thử nghiệm mô hình ngâm ủ rác hữu cơ thành chế phẩm sinh học EM để sản xuất nước rửa bát, nước lau nhà ở TP. Hưng Yên, huyện Khoái Châu và Ân Thi. Mô hình đã mang lại kết quả hữu ích, vừa tiết kiệm chi phí, vừa có lợi cho sức khỏe. Năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã đăng ký với Sở KH&CN thực hiện Đề tài khoa học cấp tỉnh “Ngâm ủ rác hữu cơ thành chế phẩm sinh học EM để sản xuất nước rửa bát, nước lau nhà, nước giặt”. Qua việc thực hiện Đề tài, một lượng rác hữu cơ thực vật được xử lý thành chế phẩm EM, góp phần giảm ô nhiễm môi trường ở khu dân cư.

     Từ thành công của các mô hình trên, trong giai đoạn tới, BCH Hội LHPN tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, tự nguyện thực hiện phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; tổ chức các hoạt động hỗ trợ nâng cao kiến thức về vệ sinh môi trường; duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả các mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình; ngâm ủ rác hữu cơ thành chế phẩm EM; phế liệu sạch...; kiện toàn, nâng cao năng lực, kiến thức của đội ngũ cán bộ các cấp Hội phụ nữ cơ sở trong công tác BVMT, coi việc thu gom, phân loại, xử lý RTSH hàng ngày tại hộ gia đình là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ; biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt công tác BVMT.

 

Nguyễn Nhật Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn