Banner trang chủ

Hãy trả lại môi trường sống an toàn cho các loài động vật hoang dã ở khu vực Tây Nguyên

11/01/2019

     Mảnh đất Tây Nguyên được biết đến với diện tích núi đồi đất đỏ bazan rộng lớn, những con sông đầu nguồn và các khu rừng có giá trị cao về đa dạng sinh học. Nơi đây cũng là nhà của nhiều loài động vật quý hiếm được pháp luật Việt Nam bảo vệ như hổ, beo lửa, báo, bò tót, bò rừng, voọc chà vá chân đen, công xanh, và đặc biệt là voi - loài gắn liền với văn hóa Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. 

     Môi trường bị đe dọa

     Từ xưa, người Tây Nguyên nương tựa vào thiên nhiên, sinh sống và phát triển yên bình trong lòng thiên nhiên cùng muôn loài hoang dã. Nhưng trong hơn bốn thập kỷ gần đây, bức tranh hài hòa này đang bị phá vỡ. Áp lực phát triển đè nặng lên thiên nhiên. Các cánh rừng bị thu hẹp, nhường đất cho phát triển nông, lâm nghiệp và cơ sở hạ tầng. Các con sông, con suối bị ô nhiễm; quần thể các loài động vật hoang dã (ĐVHD) bị suy giảm nghiêm trọng do mất sinh cảnh sống và bị săn bắt tận diệt để phục vụ nhu cầu của con người. Từ hàng nghìn cá thể voi hoang dã, giờ Tây Nguyên chỉ còn khoảng 70 cá thể, sống trong Vườn quốc gia (VQG) Yok Don. Loài bò tót đẹp đẽ và dũng mãnh, từ hơn 4.000 cá thể giờ còn chưa tới 400 cá thể trên toàn quốc. Hổ đã biến mất khỏi núi rừng nơi đây và các loài mèo lớn khác đang bị ráo riết săn lùng.

     Có thể thấy, số lượng cũng như tổng số các loài ĐVHD ở Tây Nguyên đang giảm đi với tốc độ đáng báo động. Nguyên nhân đầu tiên chính là việc những cánh rừng già nguyên sinh, môi trường sống cố hữu của các loài ĐVHD đã bị khai thác cạn kiệt. Theo thống kê, năm 1980, tổng diện tích rừng của Tây Nguyên có 3.868.400 ha, chiếm 70,66% tổng diện tích tự nhiên cả nước. Nhưng từ năm 1980 - 1995, trung bình mỗi năm Tây Nguyên "xóa sổ" 120 nghìn ha rừng, rừng giàu và trung bình giảm 75%, rừng nghèo tăng 109%. Từ năm 1995 đến nay, mỗi năm không dưới 45 nghìn ha rừng bị phá. Đặc biệt, trong những năm gần đây, khí hậu Tây Nguyên diễn biến bất thường, hạn hán, lũ quét, mùa khô đến sớm và kéo dài, nhiệt độ trung bình hàng năm tăng lên… Vì thế, những loài ĐVHD bị biến mất khỏi nơi đây bởi môi trường sống của chúng bị biến đổi hoặc phá hủy hoàn toàn.

 

Triển lãm tranh về các loài động vật quý hiếm tại sự kiện hưởng ứng Ngày Thế giới bảo tồn các loài hoang dã

 

     Mặt khác, ghi nhận từ thực tế, tại các trung tâm lớn như Buôn Mê Thuột, Bảo Lộc, Đà Lạt, Kon Tum, Gia Lai… không khó để tìm những món ăn có xuất xứ từ ĐVHD. Theo đó, hàng trăm các nhà hàng đặc sản ĐVHD đã mọc lên và là nguyên nhân khiến những loài thú quý hiếm bị săn bắt bất kể ngày đêm. Tình trạng này đã gián tiếp làm mất cân bằng hệ sinh thái môi trường sống của chính con người.

     Tây Nguyên còn là nơi cư trú của hơn 150 loài thú có vú, 400 loài chim, 100 loài bò sát, cũng như côn trùng các loại. Tuy nhiên, quần thể các loài hoang dã đã suy giảm đến mức báo động, nhưng rừng Tây Nguyên vẫn đủ giàu để các loài hoang dã tự phục hồi. Điều quan trọng là phải trả lại cho chúng môi trường sống an toàn và hành lang di chuyển đủ rộng theo tập tính của loài.

     Hãy trả lại môi trường sống cho ĐVHD

     Trong số rất nhiều những giải pháp bảo tồn ĐVHD ở Tây Nguyên mà chính quyền địa phương đang áp dụng như cấm săn bắt, tuyên truyền phổ biến tác hại, lợi ích không đáng có của thịt thú rừng hay thành lập các VQG, bảo tồn môi trường sống, thả thú về rừng… thì việc gây nuôi sinh sản thành công một số loài ĐVHD không những có ý nghĩa về mặt kinh tế (mang lại thu nhập và việc làm cho người dân địa phương) mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn. Mặt khác, việc nghiên cứu tái thả lại tự nhiên một số loài quý hiếm như trăn và cá sấu sẽ có ý nghĩa to lớn đối với bảo tồn. Tại VQG Cát Tiên (Lâm Đồng), chương trình tái thả lại tự nhiên một số cá thể cá sấu đang được tiến hành và đó là cách để bảo tồn loài động vật quý hiếm nước ngọt này.

     Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã tổ chức các sự kiện tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ ĐVHD. Thông qua các hoạt động tuyên truyền là dịp những người con Tây Nguyên tề tựu để nhìn lại thực trạng tài nguyên các loài hoang dã quý hiếm của quê hương và cùng nhau quyết tâm gìn giữ những món quà quý báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất cao nguyên tự hào này. Sự có mặt của lãnh đạo các địa phương, sự tham gia đông đảo của thế hệ trẻ và người dân trong sự kiện hưởng ứng Ngày Thế giới bảo tồn các loài hoang dã (4/12) lần đầu tiên được tổ chức tại Buôn Ma Thuột thể hiện sự quyết tâm của người dân Tây Nguyên trong công cuộc bảo vệ thiên nhiên và các loài hoang dã. TP. Buôn Ma Thuột cam kết sẽ trở thành thành phố đầu tiên của Tây Nguyên không buôn bán các sản phẩm ngà voi, nhẫn lông đuôi voi và các loài ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng.

     Có thể nói, vì một môi trường sống lành mạnh và sự đa dạng hệ sinh thái, việc bảo tồn, phát huy gìn giữ những loài ĐVHD là thực sự cần thiết với môi trường sống của chính con người. Vì vậy, hãy bắt đầu bằng việc hạn chế sử dụng những sản phẩm từ ĐVHD để giảm thiểu ít nhất khả năng gây nguy hại những động vật này. 

 

Lệ Hà

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2018)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn