Banner trang chủ

Giỏ đựng rác từ vật liệu phế phẩm, thân thiện với môi trường

29/01/2019

     Đường Hà Mục, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng ngày càng sạch đẹp hơn, dọc vỉa hè, trước mỗi căn nhà đều có một chiếc giỏ đựng rác với dòng chữ “Chi hội Nông dân khu dân cư 19 vì môi trường thân thiện”. Đó là sản phẩm của ông Đoàn Túc, hội viên Chi hội Nông dân khu dân cư 19.

     Giỏ đựng rác “made in ông Túc”

     Nhiều năm qua, người dân nơi đây đã quen với hình ảnh cụ ông ở độ tuổi lục tuần ngồi cặm cụi đan giỏ bên vệ đường Hà Mục. Những chiếc giỏ đựng rác đủ màu sắc của ông với dòng chữ “Chi hội Nông dân khu dân cư 19 vì môi trường thân thiện” đã trở thành “thương hiệu” của khu phố. Câu chuyện về cụ ông đan giỏ bắt đầu từ năm 2015, khi khu dân cư số 19 hưởng hứng phong trào “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” do TP. Đà Nẵng phát động, nhằm kêu gọi, vận động mọi người chung tay BVMT, xây dựng khu phố văn hóa, văn minh.

 

Ông Đoàn Túc với công việc đan giỏ đựng rác từ dây ni lông phế liệu

 

     Những chiếc giỏ đựng rác của ông Túc có chiều cao từ 0,4 - 0,5 m, đường kính 0,4 m. Ngoài việc tận dụng dây ni lông phế thải từ bao gói gạch men, ông còn bện thêm lưới sắt B40 bao quanh ở phần trên và dưới đáy giỏ. Công việc không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và nhẫn nại. Mỗi ngày, ông đan được khoảng 3 chiếc giỏ, bán với giá từ 20 - 30 nghìn đồng/chiếc. 3 năm qua, đã có hàng nghìn chiếc giỏ đựng rác “made in ông Túc” ra đời. Ban đầu, chỉ có một vài người hàng xóm mua để hỗ trợ ông tiền mưu sinh, về sau, người đặt hàng ngày càng nhiều. Họ đặt những chiếc giỏ đựng rác tại các ngã ba, ngã tư, trước cổng nhà để thu gom rác thải của toàn khu phố. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ông tặng giỏ miễn phí, có người ngại không nhận, ông lại âm thầm chở những chiếc giỏ rác đến đặt trước cổng nhà họ, như một món quà nhỏ với mong muốn, mọi người cùng góp sức giữ gìn môi trường. Ngoài ra, ông Túc còn tận dụng sợi ni lông phế thải để tạo nên những chiếc chiếu nhựa tái chế. Với ông, công việc này không chỉ hữu ích cho xã hội mà còn là thú vui riêng, giúp vận động chân tay, rèn luyện sức khỏe cho bản thân.

     Giỏ đựng rác của ông Túc được đánh giá đạt tiêu chuẩn, chất lượng và tiêu chí do địa phương, các đoàn thể đề ra, trở thành điển hình cho mô hình BVMT kiểu mới mà Hội Nông dân phường Hòa Thọ Đông đang thí điểm.

     Tổ đan giỏ thân thiện với môi trường

     Việc làm tốt của ông Túc và công dụng thiết thực của những chiếc giỏ đựng rác được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng. Thường trực Hội Nông dân phường Hòa Thọ Đông đã tiến hành nhân rộng và vận động mỗi hộ dân hai bên đường Hà Mục đặt một chiếc giỏ đựng rác cạnh gốc cây xanh, đồng thời phát động xây dựng đường Hà Mục thành “Đoạn đường an toàn, văn hóa, văn minh”. Giờ đây, cả con đường dài không một cọng rác, giúp công tác thu gom rác thải của công nhân vệ sinh thực hiện dễ dàng, thuận tiện hơn.

 

Khu phố Hà Mục trở nên sạch đẹp hơn kể từ khi có những chiếc giỏ đựng rác thân thiện với môi trường

 

     Nối tiếp thành công trên, Hội Nông dân phường Hòa Thọ Đông phát động xây dựng mô hình “Tổ đan giỏ thân thiện với môi trường” gồm 15 thành viên, hầu hết đã quá tuổi lao động, đan lát thành thạo và xem việc đan giỏ đựng rác là góp phần xây dựng quê hương. Sau một thời gian hoạt động, đến nay, tổ đan giỏ thân thiện với môi trường đã đáp ứng nhu cầu sử dụng của 21/64 tổ trên địa bàn phường. Thường trực Hội động viên tổ đan giỏ phấn đấu hoàn thành trang bị cho 100% tổ dân phố trong quý I năm 2019.

     Có thể thấy, mô hình “Tổ đan giỏ thân thiện với môi trường” đã mang lại kết quả tích cực, phù hợp với các phường, xã đang phát triển đô thị hóa, tạo nét mới trên hành trình xây dựng TP Môi trường của Đà Nẵng. Đây là việc làm sáng tạo, thiết thực, góp phần BVMT, giữ gìn mỹ quan đô thị, cũng là việc làm cụ thể về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.  

 

Lê Thị Ngà

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2019)

 

Ý kiến của bạn